Bản sắc kiến trúc có thật sự cần thiết?

Sông Hàn 13/08/2018 11:20

Trả lời được câu hỏi này thì Cơ quan chức năng sẽ có được Bộ luật hoàn thiện, cũng như quá trình phát triển quy hoạch sẽ tuân theo sự hài hòa, sự kết hợp tốt hơn giữa truyền thống và hiện đại.

Quy hoạch, kiến trúc tại Việt Nam đã và đang bộc lộ những hạn chế đáng tiếc

Nhiều công trình trang trí lòe loẹt bởi nhiều họa tiết rẻ tiền, kệch cỡm, thô thiển. Bộ mặt đô thị, nhất là khu đô thị mới được ví như “trăm hoa đua nở” với quy hoạch không giống ai: Nhà cao, nhà thấp, thụt vào, nhô ra... không tuân thủ một quy luật kiến trúc nào. 

Mới đây, phiên họp 26, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật Kiến trúc. Đáng chú ý là phát biểu của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Việt Nam có bao nhiêu loại kiến trúc: Có hình bóng của Nga, của thời Pháp cổ..., không thiếu kiểu gì cả. Bản sắc rất quan trọng, làm sao luật ra đời khắc phục được tồn tại hiện nay”.

Rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra cấu trúc đô thị không chỉ phản ánh sự chuyển động của các hoạt động kinh tế - đời sống mà còn bao gồm nội hàm triết lý văn hóa xã hội của cộng đồng. Ở các đô thị Việt Nam, cấu trúc đô thị phản ánh rõ quá trình chuyển tiếp từ nếp sống nông thôn sang nếp sống công nghiệp và quan niệm phong thủy, tâm linh trước lối sống hiện đại.

Thừa nhận, nhờ áp dụng những tiến bộ công nghệ mới, công tác quy hoạch, kiến trúc mấy năm gần đây vừa giữ nguyên được tính truyền thống vừa mang được tính hiện đại. Một số đô thị đã xuất hiện nhiều công trình mới có bố cục hài hòa với các di sản văn hóa và bối cảnh thiên nhiên, hình thức kiến trúc đa dạng và phong phú. 

Bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận, quy hoạch, kiến trúc đã bộc lộ những hạn chế đáng tiếc. Tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn diễn ra tràn lan, gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, làm mất đi vẻ truyền thống của kiến trúc dân tộc. 

Đã có sự du nhập thiếu chọn lọc, phát triển tràn lan những kiểu nhà chóp nhọn, củ hành. Nhiều công trình còn trang trí lòe loẹt bởi nhiều họa tiết rẻ tiền, kệch cỡm, thô thiển. Bộ mặt đô thị, nhất là khu đô thị mới được ví như “trăm hoa đua nở” với quy hoạch không giống ai: Nhà cao, nhà thấp, thụt vào, nhô ra... không tuân thủ một quy luật kiến trúc nào. 

Không nói đâu xa xôi, chúng ta từng rất tự hào về các ngôi chùa mang bản sắc dân tộc Việt, khi mà ở đó những nét thủ công nghệ thuật ấy phát xuất từ ý thức sâu sắc muốn thoát ra làn sóng đô hộ văn hoá của phương Bắc làm nên nét đặc thù văn hoá phương Nam.

Tuy nhiên, chỉ nói riêng kiến trúc chùa chiền, có nhiều người tự vấn: Nhiều chùa lớn hiện nay liệu có phải kiến trúc Việt Nam hay nhập từ mẫu chùa ở nơi nào đó về? Xin viện dẫn một vài ví dụ sau, chúng ta sẽ tự biết câu trả lời như:

Công trình chùa Bái Đính ở Ninh Bình hay là công trình Đại Nam Lạc Cảnh ở Bình Dương ở trong đó. Đài tưởng niệm liệt sĩ là 10 cô gái ở Đồng Lộc, cái tháp chuông ở Đồng Lộc lại là phiên bản của Hoàng Hạc Lâu bên Trung Quốc. Ngay cả Bảo tàng Hà Nội là một bảo tàng vừa mới xây dựng xong cũng là một mô hình copy từ một công trình kiến trúc ở Thượng Hải..v..v.

Cũng nói về kiến trúc Việt Nam tại phiên họp, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thẳng thắn: “Bản sắc không rõ, sáng tạo không mạnh. Cứ thấy đẹp là nhại lại, bắt chước, có thời nóc nhà toàn mũi nhọn, lúc thì kiểu lâu đài...”

Còn nhớ, một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của thành phố nhân văn được nêu trong tuyên ngôn “Đô thị thế kỷ XXI” của các nhà đô thị học châu Á tổ chức tại Thái Lan năm 2002 là coi “sự đa dạng văn hoá như là tất yếu và là niềm tự hào, vẻ đẹp của đô thị hiện đại”.

Khi nhắc về cái hồn của một thành phố người ta nghĩ lại quá khứ của nó, một triết gia đã từng viết “linh hồn chính là quá khứ”. Thực tế, các Thủ đô lớn như Athen, Roma, Paris, Bắc Kinh… sở dĩ thu hút mọi người là do ở đó người ta cố gắng giữ gìn từng mảng tường, con đường, góc phố vốn đã làm nên bản sắc của thành phố. Nhưng, cũng có những Singapore nay hối tiếc đã vội vã loại bỏ di sản để hiện đại hóa. Trung Quốc bức xúc trước làn sóng công trình hậu hiện đại lấn át di sản…

Kiến trúc dù đó là đô thị hay ở nông thôn cũng phải là nơi gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, tiếp nối tiến trình lịch sử của nó. Dẫu vậy, trong cơn lốc đô thị hóa, Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ xóa nhòa các di sản của quá khứ, phủ nhận nền kiến trúc của các thế hệ đi trước. 

Vậy, bản sắc kiến trúc có thật sự cần thiết? Trả lời được câu hỏi này thì Cơ quan chức năng sẽ có được Bộ luật hoàn thiện, cũng như quá trình phát triển quy hoạch sẽ tuân theo sự hài hòa, sự kết hợp tốt hơn giữa truyền thống và hiện đại.  Làm được điều đó, nghĩa là chúng ta vừa giữ gìn và phát huy tốt bản sắc kiến trúc nói riêng và bản sắc văn hóa Việt nói chung trong tiến trình hiện đại hóa.

Sông Hàn