Cân nhắc sử dụng nguồn ODA từ Trung Quốc là điều cần thiết

Sông Hàn 18/08/2018 11:15

ODA tại thời điểm này tuy vẫn cần, nhưng đã đến lúc chúng ta được quyền lựa chọn nguồn vốn ODA phù hợp, trong đó có việc cân nhắc sử dụng ODA từ Trung Quốc thời gian tới là điều cần thiết.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc liên tục chậm tiến độ, đội vốn

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc liên tục chậm tiến độ, đội vốn

Trước thực trạng nguồn vốn ODA từ Trung Quốc được đánh giá là kém ưu đãi, lãi suất cao hơn so với các nhà tài trợ khác. Đặc biệt, đây là các khoản vay có điều kiện, thường là chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng, tăng tổng mức đầu tư… Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho rằng, trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc trong giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2025.

Thật ra, nguồn vốn ODA vẫn rất cần thiết cho nhu cầu phát triển đất nước ít nhất trong một vài thập kỷ nữa. Chúng ta đang cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp...

“Các dự án thuộc về phúc lợi công cộng, cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp, y tế… chủ đầu tư không dễ dàng vay thương mại vì thời gian hoàn vốn kéo dài, hiệu quả đầu tư không cao nên các ngân hàng thương mại thường từ chối cấp vốn. Chúng ta nên kêu gọi ODA cho các lĩnh vực này còn các lĩnh vực kinh doanh khác, có tính khả thi cao thì vay thương mại hiệu quả hơn” - Một chuyên gia kinh tế chỉ rõ.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam cần tỉnh táo với vốn vay ODA Trung Quốc

    17:12, 11/08/2016

  • ODA Trung Quốc: Nên nay không?

    15:56, 03/08/2016

  • Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD vốn ODA sau 25 năm

    20:00, 25/07/2018

  • Hà Nội và TP.HCM được vay lại 100% vốn ODA

    21:04, 05/07/2018

  • Bộ Tài chính lý giải việc chậm giải ngân vốn ODA

    19:27, 25/05/2018

  • Doanh nghiệp được vay vốn ODA, vốn ưu đãi cho dự án đầu tư

    04:46, 07/07/2018

Tuy nhiên, nhìn vào việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA thời gian qua ở Việt Nam đang có vấn đề, nhất là nguồn vốn từ Trung Quốc. Ví như:

Việt Nam đã vay khoảng hơn 600 triệu USD vốn ODA và 50 triệu USD vốn không hoàn lại từ Chính phủ này trong 23 năm qua.  Nguồn ODA từ Trung Quốc luôn được nhận định là lãi suất thấp, nhưng với các điều kiện áp đặt, thường là chỉ định nhà thầu và yêu cầu mua máy móc, thiết bị từ quốc gia cho vay, nên chi phí đầu tư thực tế cho dự án sử dụng ODA cao hơn rất nhiều so với vốn vay thông thường.

Có nghĩa, cái gọi là lãi suất ưu đãi không những không có lợi gì cho bên vay mà còn gây thiệt hại so với vay thông thường. Và rất nhiều, rất nhiều dự án lớn, công trình lớn để lại nhiều hệ lụy, gánh nặng về kinh tế - xã hội.

Công trình đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội trong đó vốn vay ban đầu là 300 triệu USD, nhưng hiện nay tổng số vốn vay là 900 triệu USD, tăng gấp 3 lần vốn ban đầu mà vẫn chưa xong. Hoặc, các sự cố môi trường gần đây ở Việt Nam như ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh và sau đó là các cảnh báo từ nhiệt điện Vĩnh Tân đã làm dấy lên những tranh cãi về tác động từ những dự án công nghiệp từ dòng vốn của Trung Quốc.

Hơn nữa, ODA Trung Quốc thường là “tiền đi tới đâu thì người đi tới đó”. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phần nhiều trong số lượng lao động Trung Quốc được đưa sang Việt Nam không có giấy phép. Lượng lao động không có giấy phép trong các dự án ngành điện là hơn 1.000 trong tổng số hơn 1.700 người, trong ngành than khoáng sản là gần 1 nửa - hơn 700 trong tổng số hơn 1.900 và trong ngành dầu khí là gần 1/3 – hơn 500 trong tổng số hơn 1.700.

Trong khi, khá nhiều chuyên gia trong nước, cũng như quốc tế chung nhận định: “Trung Quốc giống như gã khổng lồ sẵn sàng cung ứng tiền cho cả thế giới, lấp chỗ trống cho những quốc gia vừa đạt mức thu nhập trung bình không còn đủ điều kiện vay ưu đãi của các định chế tài chính khác nữa, trong đó có Việt Nam”.

Vì thế, liên quan đến khuyến cáo của Bộ KHĐT, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói:  “Khuyến nghị này đáng ra phải có từ lâu, nhưng ít ra nó cho thấy đã chính thức có cơ quan quản lý nhà nước lưu ý về việc phải cẩn trọng khi vay vốn ODA từ phía Trung Quốc. Điều đó rất quan trọng, bởi từ đây Việt Nam sẽ giảm thiểu những khoản vay dễ dãi, dễ dàng bị kéo dài tiến độ, đội vốn, không hiệu quả cho nền kinh tế như trước đây”.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, ODA tại thời điểm này tuy vẫn cần, nhưng đã đến lúc chúng ta được quyền lựa chọn nguồn vốn ODA phù hợp, trong đó có việc cân nhắc sử dụng ODA từ Trung Quốc thời gian tới là điều cần thiết.

Sông Hàn