Quyền được hỏi của dân

Trương Khắc Trà 23/08/2018 11:16

Đương nhiên rồi, những buổi khởi công, động thổ… luôn có hoa và pháo tay, được nghe lời có “cánh”, còn gặp dân luôn thấy nhức đầu!

Một lần tác nghiệp vùng biển, nơi vốn chỉ có gió và nước biển mặn cát trắng, tôi gặp người đàn ông có vẻ mặt khắc khổ. Tuổi già không mấy yên ổn vì đứa con trai lục đục chuyện gia đình.

Chuyện là ông muốn “hợp thức hóa” đứa cháu nội ngoài giá thú, nhưng không biết phải làm sao, chỉ nghe thiên hạ xì xầm “con ngoài giá thú là con rơi, làm gì có quyền”. Mặc dù ở cách trụ sở UBND xã không xa nhưng rất nhiều năm pháp luật vẫn chưa thể “vào tai” ông cụ.

Vùng quê nơi ông cụ sinh sống xảy ra xung đột giữa người dân và doanh nghiệp, chính quyền do khai thác khoáng sản. Lãnh đạo cấp trên hứa đối thoại với dân, ông hy vọng sẽ đem chuyện của mình đến hỏi, nhưng tình hình khoáng sản quá “nóng” đến nỗi ông không “xin” được vài phút đối thoại.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga:

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: "Tại sao những hoạt động mang tính phong trào thì lãnh đạo đi được mà việc đối thoại với dân lại không?".

Có thể bạn quan tâm

  • Cần tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp

    Cần tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp

    05:00, 22/08/2018

  • 2-5/10: VCCI và Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2018

    19:34, 21/08/2018

  • Đối thoại DNNVV tỉnh Bắc Ninh: “Nóng” các vấn đề cơ chế chính sách

    13:27, 23/05/2018

  • BSR đối thoại định kỳ với người lao động

    09:51, 26/04/2018

  • Đối thoại lãnh đạo tỉnh Hải Dương và doanh nghiệp: "Nóng" cải cách thủ tục hành chính

    02:43, 28/03/2018

  • Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản: Doanh nghiệp Logistics Việt Nam gặp khó?

    06:38, 13/03/2018

Lãnh đạo đối thoại với dân là một thứ quyền và nghĩa vụ mặc định không thể chối từ, nghĩa vụ đối thoại của người lãnh đạo là bệ đỡ cho quyền được hỏi của dân chúng.

Tuy nhiên quyền được hỏi hình như bị gom lại thành những vấn đề quá tóm tắt, nghĩa là khi tai họa ập đến mới phát sinh quyền được hỏi. Luật pháp quy định tính công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền, tất tần tật những viêc không thuộc về bí mật quốc gia người dân có thể hỏi nếu họ có nhu cầu được biết.

Nghĩa vụ báo cáo vẫn được thực hiện thông qua hệ thống của Quốc hội từ Trung ương đến địa phương, nhưng không phải chuyện gì cũng cần “dao mổ lợn giết gà”.

Những vấn đề của địa phương, nếu không phải ông Chủ tịch, Bí thư và hệ thống của mình đăng đàn đối thoại thì ai có nghĩa vụ này?

Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đưa ra con số đáng lo ngại, lãnh đạo UBND nhiều nơi không tham gia đối thoại, xét xử trong các vụ án hành chính liên quan.Cụ thể, năm 2015 là 10% số vụ nhưng tăng lên 31% số vụ năm 2017!

Chủ tịch UBND là cơ quan quản lý hành chính về mọi mặt, là cơ quan hành pháp ở địa phương. Lãnh đạo UBND địa phương không tham gia đối thoại, dự xét xử làm sao biết được luật pháp trong tay mình được thi hành ra sao?

Không tham gia đối thoại cũng đồng nghĩa với việc họ tự truất quyền lãnh đạo của mình thông qua pháp luật.

Chủ nghiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga so sánh “tôi thấy có nhiều chủ tịch, phó chủ tịch dự khởi công, động thổ, hội nghị ngành nọ ngành kia nhưng trong hàng trăm vụ án hành chính lại không tham gia đối thoại với người dân được một vài vụ”.

Bản thân cụm từ “Uỷ ban nhân dân” đã hàm ý ai là người làm chủ, tức là trả lời cho câu hỏi “của ai”, của ông Chủ tịch hay của nhân dân? Vì thế, quyền được hỏi không phải là mong được ban phát câu trả lời mà bản thân quyền này còn ở cấp độ cao hơn, là “quyền yêu cầu” được làm sáng tỏ vấn đề.

Có quy định người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương đối thoại định kỳ với dân, nhưng phải chăng, trong một năm dài dằng dặc chỉ cần một vài lần đối thoại là ổn?

Nếu đối thoại ở địa phương được cho là ổn thì làm sao lại xuất hiện hàng ngàn vụ khiếu kiện vượt cấp, việc của xã lên đến tỉnh, việc của huyện ra tới Trung ương.

Số liệu của Thanh tra Chính phủ cho hay, năm 2016 đã tiếp nhận 15.135 đơn khiếu nại, trong đó chỉ có 4.112 đơn (chiếm 28,6%) đủ điều kiện về thẩm quyền xử lý, còn lại phần lớn là đơn vượt cấp, sai thẩm quyền, không đúng nội dung…

Không muốn đối thoại tức là chỉ muốn… độc thoại? Ngại tiếp xúc với dân tức là không muốn trực diện với những vấn đề cho chính mình lãnh đạo, quản lý. Đương nhiên rồi, những buổi khởi công, động thổ… luôn có hoa và pháo tay, được nghe lời có “cánh”, còn với dân luôn thấy nhức đầu!

Trương Khắc Trà