Dự án “treo” hay quyết tâm của nhà quản lý, chủ đầu tư bị “treo”?
Dự án “treo” hàng chục năm không khác gì tư tưởng, quyết tâm của nhà quản lý, chủ đầu tư bị “treo”.
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng sẽ được tái khởi động sau gần 20 năm quy hoạch “treo”.
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) sẽ được tái khởi động sau gần 20 năm quy hoạch “treo”. Thông tin trên vừa được đưa ra tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng các sở, ban ngành với lãnh đạo ĐHĐN ngày 24/8 vừa qua.
Được biết, Dự án Làng ĐHĐN được quy hoạch trên diện tích 286,5ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng) và phường Ðiện Ngọc (thị xã Điện Bàn - Quảng Nam).
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/1997 với quy mô đào tạo khoảng 30.000 sinh viên mỗi năm. Nhưng cho đến nay, sau hơn 20 năm, dự án vẫn giậm chân tại chỗ và chưa thể triển khai.
Tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo về việc chấm dứt quy hoạch “treo” dự án này. Sau đó, lãnh đạo ĐHĐN làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam xúc tiến tái khởi động dự án.
Có thể bạn quan tâm
“Dọn dẹp” dự án treo
16:20, 16/08/2018
TP HCM: Hàng loạt dự án treo được "điểm danh" rà soát, thực hiện trong quý III
11:00, 12/07/2018
Bí thư Đà Nẵng: \"Kiên quyết thu hồi các dự án treo\"
16:51, 10/08/2016
Đồng Nai: Đau đầu với dự án treo
22:48, 31/07/2015
Đà Nẵng: “Án tử” trên đầu dự án treo
00:00, 18/12/2014
TP.HCM: Xem xét xóa thêm 140 dự án treo
00:00, 25/06/2013
130 dự án treo tại TP Hồ Chí Minh sẽ bị thu hồi
00:00, 11/06/2013
Theo đó, kết quả khái quát sơ bộ cho thấy tổng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản để triển khai dự án vào khoảng hơn 8.000 tỉ đồng. Cụ thể, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng thuộc địa phận Quảng Nam là khoảng 2.200 tỉ, thuộc địa phận Đà Nẵng khoảng 800 tỉ. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khoảng 1.700 tỉ, xây dựng các phân khu khoảng 3.000 tỉ.
ĐHĐN thừa nhận nguồn kinh phí này nằm ngoài khả năng của họ. Đó là lý do chính khiến dự án mãi nằm trên giấy. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lẫn dư luận lại có cái nhìn khác. Bởi vì kể từ khi Dự án này được duyệt nó đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ nên kinh phí chưa hẳn là vướng mắc. Việc này cũng có nghĩa, mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự thụ động từ phía ĐHĐN và thiếu quan tâm của chính quyền.
Thực tế, Dự án Khu đô thị ĐHĐN đang có một cơ hội rất lớn khi mà các cơ quan từ Trung ương đều rất quan tâm, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói: “Dự án đã “treo” 20 năm mà vẫn không thấy mỏi. Với cách làm của nhà trường hiện nay thì liệu có đến đích được không?... ĐHĐN nếu không nắm bắt thời cơ này, hay lãnh đạo còn giữ tư duy nhiệm kỳ ở đây, thì rất có thể sẽ chậm bước trước các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và những đổi mới trong quan điểm về giáo dục - đào tạo theo xu hướng chung của thế giới hiện nay”.
Theo đó, Đà Nẵng đang định hướng là một trung tâm giáo dục, thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đào tạo. Vì vậy ĐHĐN bắt buộc sẽ phải đối diện với việc cạnh tranh gay gắt giữa các trường đại học tư nhân, đại học liên kết quốc tế và đại học quốc tế. Nếu không kịp thời thích nghi sớm với sự phát triển lĩnh vực giáo dục đào tạo, có một tầm nhìn dài hạn, tư duy khoa học thì ĐHĐN sẽ tự đánh mất vai trò vị trí của mình.
Vấn đề ở chỗ, dường như ĐHĐN đã rất thụ động khi không tự tìm cách “giải phẫu cục u” của mình. Song song, chính quyền nơi đây cũng chưa thật sự quan tâm đến đời sống của một bộ phận người dân xung quanh, trong vùng Dự án nên mới để “treo” một cách vô tư đến tận 20 năm?!
Phải nói rằng, Dự án “treo” hơn 20 năm qua không chỉ khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, mà còn làm giảm hiệu quả, chất lượng phát triển đô thị, lãng phí tài nguyên và gây bức xúc trong xã hội.
Ghi nhận từ thực tế, nhiều hộ dân sở hữu diện tích đất đai rộng, nhưng do quy hoạch “treo” nên 20 năm qua không thể sang nhượng. Hoặc, có đất nhưng không thể làm nhà, nhà hư hỏng không được sửa chữa, những ngôi nhà dột nát, tạm bợ, những đàn heo, bò nhởn nhơ gặm cỏ..v..v.
Đúng là, quản lý đất đai luôn là vấn đề nóng và thời buổi kinh tế thị trường, cái gì có lợi thì chen chân, bất lợi thì hết mặn mà, nên tình trạng những Dự án tương tự như Làng ĐHĐN được cho là “đánh trống bỏ dùi”. Việc này không chỉ gây thất thu ngân sách, cản trở tiến trình phát triển chung của địa phương mà còn ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh Dự án.
Dự án “treo” hàng chục năm không khác gì tư tưởng, quyết tâm của nhà quản lý, chủ đầu tư bị “treo”. Nó cũng không khác gì là tội ác khi người dân bị bỏ đói, bần cùng hoá ngay trên chính mảnh đất “của mình mà không phải là của mình”.
Chính vì vậy, để chấm dứt tình trạng treo của Làng ĐHĐN, cần phải có một chính sách minh bạch, một sự chủ động và quyết tâm từ ĐHĐN, chính quyền thành phố.