Lòng yêu nước nhìn từ ngày Quốc khánh 2/9

Trương Khắc Trà 02/09/2018 11:48

Những ngày này, dọc con đường nhỏ nơi tôi sinh sống cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trước ngõ mọi nhà.

Cụ Tỵ - một người mà tôi quen cách đây khá lâu. Cụ đã từng chứng kiến biết bao thay đổi của thời cuộc, từ khi đất nước còn mưa bom bão đạn, đến mỗi chặng đường phát triển của đất nước.

Trước ngày Quốc khánh 2/9, tôi đến thăm cụ. Sau mấy tuần nước chè xanh đậm chát như tính cách con người nơi nắng gió quanh năm, cụ mở chiếc tủ nhỏ lấy ra cái hộp vuông bằng gỗ. Tôi hỏi “hôm nay cụ có gì muốn tâm sự hay sao thế ạ?”. Điềm đạm mở hộp rồi lấy ra lá cờ đỏ sao vàng, chất liệu vải coton dày và mịn chứ không mỏng xoét như loại được bày bán tại một số cửa hàng bên ngoài.

Thế nào là lòng yêu nước?

Thế nào là lòng yêu nước?

Cụ bảo: “mai là đúng ngày quốc khánh rồi, hôm nay phải giặt sạch lá cờ kiếm một nơi thoáng nhất trong sân để treo nó lên thật cao coi như mừng Tết độc lập”.

Có thể bạn quan tâm

  • Xin đừng nhân danh lòng yêu nước bằng sự phá hoại!

    Xin đừng nhân danh lòng yêu nước bằng sự phá hoại!

    13:22, 12/06/2018

  • Hiến máu tình nguyện thể hiện lòng yêu nước thương nòi

    06:41, 09/06/2018

  • Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc thời hội nhập

    22:17, 30/04/2016

  • Tái cơ cấu kinh tế và lòng yêu nước của doanh nghiệp lớn

    00:00, 16/07/2012

Cụ cẩn thận ngâm lá cờ vào chậu giặt rồi chỉ tay về hàng trúc thẳng tắp bên bờ ao và nói: “loại trúc này rất bền có độ dẻo lại ít gai, dùng cây trúc làm cán cờ thì có độ dẻo, gió mạnh cỡ nào cũng có thể uốn cong theo, tránh làm rách cờ”.

Hóa ra treo cờ Tổ quốc cũng cả một nghệ thuật, đầy kinh nghiệm. Tôi hỏi cụ: “Tại sao cụ không thay lá cờ mới cho hoành tráng?”, cụ bảo: “Lá cờ này có kỷ niệm với tôi, không còn nhớ năm nào nhưng đó là lúc hàng hóa chưa buôn bán phổ biến như bây giờ, phải đạp xe lên chợ huyện mới mua được, đận đó đi mua cờ bị té xe trật cổ chân”.

Tạm biệt cụ bằng niềm hân hoan khó tả. Thầm cảm ơn cụ về bài học ý nghĩa, tuy giản đơn nhưng thoáng qua một tình yêu Tổ quốc thấm đẫm.

Yêu nước là gì? không phải ai cũng có thể trả lời thấu đáo câu hỏi đó, nhưng tin chắc rằng, mỗi người dân Việt Nam dù sinh sống trên mảnh đất hình chữ S hay bôn ba hải ngoại đều có trong lòng mình thứ tình cảm thiêng liêng đó.

Yêu nước là yêu quê hương, cũng đúng vậy, yêu quê hương là nhớ khi đi xa, thiết tha khi ở gần; yêu nước là yêu giọt máu đào cha ông đổ xuống; yêu nước là vui sướng những lúc đất nước có thêm thành tựu; yêu nước là tự hào về truyền thống dân tộc mấy ngàn năm…

Yêu nước là yêu lũy tre làng, yêu con sông, yêu cánh cò bay lả thanh bình trên đồng lúa chín; yêu nước là yêu tiếng ru hời của mẹ, yêu câu chuyện cổ tích bà kể từ ngày xửa…ngày xưa…

Yêu nước là rưng rưng trước hình hài Tổ quốc dưới ngọn cờ đào có sao vàng năm cánh, yêu nước là yêu tiếng mẹ đẻ, yêu tiếng trẻ bi bô học nói; yêu nước là thương nòi.

Phàm là người Việt Nam hễ mang trong mình tình cảm ấy đều yêu nước như nhau.

Những ngày này, dọc con đường nhỏ nơi tôi sinh sống cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trước ngõ nhà, không kể là cán bộ đảng viên hay dân thường. Lá cờ Tổ quốc là biểu tượng sáng nhất về lòng yêu nước mà không cần nói thêm điều gì.

Nhiều năm nay, lòng yêu nước có khi bị lợi dụng vào việc xấu, nhưng không phải là tất cả, những người dân ở thôn quê cách rất xa những điểm “nóng” có mùi của “thế lực thù địch” - họ vẫn giành cho Tổ quốc mình, đất nước mình rất nhiều tình cảm thiêng liêng.

Tôi chưa hỏi ai về ý nghĩa của lá cờ đỏ và ngôi sao vàng năm cánh, nhưng trước ngõ nhà họ, ngọn cờ ấy vẫn tung bay trong gió và họ chỉ biết hôm nay là ngày Cụ Hồ đã từng đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn dân đồng bào, với bè bạn năm châu “chúng ta là một quốc gia độc lập”. Chân lý ấy không bao giờ thay đổi, dẫu sông có cạn, đá có mòn!

Sáng nay (ngày 2/9) tôi lại có việc đi ngang nhà cụ Tỵ, đương nhiên rồi, lá quốc kỳ ngay ngắn trên ngọn trúc dẻo dai phấp phới đón bình minh trước hàng dâm bụt. Tôi thoáng thấy cụ đã “mệt” nhưng lòng yêu nước trong con người ấy vẫn “khỏe” lắm!

Trương Khắc Trà