Quyền… “hành” doanh nghiệp
Đầu năm nay, một doanh nghiệp lên tiếng công khai về chuyện bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều. Mục đích không phải để “tố” các cơ quan có thẩm quyền, mà chỉ mong muốn làm “mọi chuyện trở nên tốt hơn”.
Nhưng kết quả là doanh nghiệp này càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn đến nỗi doanh nghiệp xác định không bao giờ lên tiếng nữa. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ “chăm chỉ là ăn”, tiếp đón các đoàn thanh tra, kiểm tra cách “mềm dẻo” kẻo bị “chặn đủ đường”. Đương nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt. Nếu có thể liệt kê thì các doanh nghiệp chấp nhận chăm chỉ làm ăn sẽ lên tới con số hàng nghìn.
Nhiều doanh nghiệp cho biết bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều lần trong năm.
Có thể bạn quan tâm
Thanh kiểm tra DN: 1 năm/ 1 lần, không chồng chéo
16:47, 14/12/2016
Công tác thanh kiểm tra \'hành\' doanh nghiệp nông nghiệp
12:08, 03/12/2016
Thanh kiểm tra và... xin tài trợ
16:30, 17/05/2016
Thanh kiểm tra : Đừng làm DN nản lòng
00:00, 19/02/2011
Nhìn vào thực tế ấy, không ai không sốt ruột và bất bình. Ngay cả Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trao đổi với báo chí mới đây cũng phải thừa nhận: “Vẫn còn nhiều lắm những nỗi trần ai khi doanh nghiệp còn phải mất đến 30 triệu ngày công và chi phí gần 15.000 tỷ đồng/năm chỉ vì chi phí kiểm tra chuyên ngành trong các hoạt động xuất nhập khẩu, kiểm dịch, kiểm tra hàm lượng một số loại hóa chất... Nếu cứ như vậy thì các doanh nghiệp của chúng ta làm sao cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước?”
Điều đáng nói, trong những hoàn cảnh “ngặt nghèo”, khó khăn bủa vây như vậy mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng vươn lên, làm ăn và đóng góp cho tăng trưởng, bền vững của quốc gia. Có người đã phải thốt lên: “Doanh nghiệp Việt Nam đúng là các anh hùng”. Thì không anh hùng sao được khi họ vẫn tạo ra công văn việc làm cho người lao động và của cải cho xã hội mặc dù bị “hành tới bến”.
Họ không thể không là anh hùng khi chấp nhận cả những rủi ro về pháp lý chỉ để phụng sự quốc dân qua hàng triệu việc làm, giúp cho hàng triệu gia đình vẫn có thu nhập trong bối cảnh kinh tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Họ không thể không là anh hùng khi chính họ phải lao tâm khổ tứ chiến đấu và trụ vững trên thương trường và trước các cơ quan quản lý nhà nước.
Còn phía các cơ quan có thẩm quyền, dường như đang cố gắng duy trì quyền “hành” doanh nghiệp. Có chuyên gia đã từng phải chua chát nói: giả sử các cơ quan có thẩm quyền bớt hành doanh nghiệp thì tăng trưởng sẽ không dừng ở trên 7%. Bớt hành doanh nghiệp cũng có nghĩa, như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, là từ bỏ quyền lực vì doanh nghiệp.
Quyền lực, nhất là quyền lực đối với doanh nghiệp, có sự “hấp dẫn” riêng của nó. Có thể không chỉ là quyền thanh tra, kiểm tra, cấp phép, phê duyệt, thẩm định… mà nó còn có những “góc khuất” có thể đo đếm bằng lợi ích vật chất khác. Khuyết tật của quyền lực vì thế là có thật và nó phương hại đến phát triển cũng là điều không thể phủ định. Chính vì vậy, pháp luật luôn có một mục đích là hạn chế quyền lực của nhà nước đối với xã hội, đối với quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Bởi xét cho đến cùng, quyền lực của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp chưa bao giờ được pháp luật cho phép trở thành quyền… hành doanh nghiệp. Trái lại, nó chỉ là quyền được phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy, khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp phát triển vì quốc gia. Nếu tự do kinh doanh là quyền hiến định của người dân và doanh nghiệp, thì các quy định của pháp luật cũng chỉ phục vụ một mục tiêu duy nhất là: tôn trọng tuyệt đối các quyền tự do ấy.
Một lý do lịch sử khiến điều này chưa được thực thi tốt, đó chính là tư duy “người dân và doanh nghiệp chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” vẫn còn bám rễ ngay cả trong hoạch định chính sách. Thách thức lớn nhất hiện nay có lẽ nằm ở tư duy này. Bởi dù “cắt giảm điều kiện kinh doanh” đã được khởi đi từ tháng 6-2016, nhưng cho đến nay, những kiểu “cài cắm” điều kiện kinh doanh vẫn đang diễn ra trong công tác xây dựng pháp luật. Điển hình nhất là Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 của Bộ GTVT vẫn có quá nhiều điều khoản giao cho “Bộ trưởng Bộ GTVT quy định”. Hay có những Nghị định về kinh doanh gas, gạo, an toàn thực phẩm… chỉ được ban hành sau hàng chục tháng đấu tranh.
"Có dám từ bỏ quyền lực vì doanh nghiệp, có chống được lợi ích nhóm, thì mới có thể xây dựng thành công Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đó là con đường chỉ được phép tiến, lùi là thất bại". Khẳng định này của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho thấy: cuộc chiến giảm bớt quyền “hành” của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp vẫn còn rất gian nan.
Bởi “lấy đá ghè chân mình” luôn luôn là một hành động gây đau đớn cho một thứ “quyền được hành” đã ăn sâu trong tâm khảm của cả những cán bộ, công chức. Và cũng bởi, như Bộ trưởng Dũng kết luận: “chiến dịch cắt giảm rất gian khó. Khó bởi ngay bản thân người đứng đầu là các Bộ trưởng, nếu không quyết liệt thì không dẹp được rào cản ở ngay trong chính Bộ đó”.