Á hậu, “vốn tự có” và 25.000 đô la
Cái người ta quan tâm là được thân chủ được gắn một chút danh hiệu chứ người không có “á” hay “hậu” thì thiên hạ chả mất công bàn tán.
Trước tiên phải nói về chữ “hậu”, nữ giới để được gắn thêm từ này là phú quý cao sang, thời phong kiến người ta dùng danh xưng “mẫu hậu”, “hoàng hậu”, “hoàng thái hậu”… để chỉ những người phụ nữ quyền quý.
Hoa hậu hay Á hậu cũng vinh dự được dùng từ “hậu” để miêu tả vẻ đẹp được xếp vào hàng… “hậu”, dĩ nhiên về lý thuyết Á hậu chỉ đẹp người đẹp nết sau… Hoa hậu.
Tuyệt nhiên không có ý lạm bàn đến chuyện đạo đức, kiểu như đã có “hậu” thì không được làm nọ làm kia, không được phì phèo khói thuốc, không được bôm bốp kẹo cao su sau bờ môi bóng bẩy...
Ấy mà cũng có gì đó hơi… không đúng. Bởi vì xem thi hoa hậu phần thích thú nhất ngoài… áo tắm là ứng xử, bàn về các “vòng” thì mang tiếng động đến con giáp thứ tám, cho nên câu chữ ứng xử lúc nào cũng phải nói là bung nụ nở hoa sau mỗi cuộc thi. Mà ứng xử thì muôn vàn lời hay ý đẹp!
Có thể bạn quan tâm
Mại dâm không thể là một nghề trong thành phần kinh tế
05:30, 02/04/2018
Phòng chống mại dâm: Trách nhiệm không của riêng ai
17:09, 09/11/2015
Dù muốn hay không thì khi đã bước lên một cuộc khi được gắn mác “hậu” hiển nhiên đại diện cho thứ gì đó, ví như hoa hậu biển thì đại diện cho… biển, người mẫu thời trang thì đại diện cho… quần áo, mà khi “mất” quần áo thì cô ta hẳn nhiên hết được đại diện!
Mấy hôm nay thiên hạ xì xầm về ả người mẫu “đi khách”, có ông bạn hóm hỉnh hay đùa, đột nhiên trăn trở, anh ta bảo giá như Việt Nam có cái gọi là “phố đèn đỏ” thì chả mất công phải lùng sục trinh sát bắt bớ mất công.
Lại nói về con phố “sương súng”, ở Thái Lan và nhiều nước có từ rất lâu, nước ta từng có người đề xuất để dẹp nạn mãi dâm “chui” tràn lan khó kiểm soát. Chưa biết khi nào Việt Nam có loại phố này nhưng trước mắt đã xuất hiện rất nhiều nhà “đạo đức học online” vô cùng thâm và thúy.
Cơ mà cái người ta quan tâm là được thân chủ được gắn một chút danh hiệu chứ người không có “á” hay “hậu” thì thiên hạ chả mất công bàn tán. Mấu chốt là ở chỗ đó nên phạm trù đạo đức bắt đầu phát huy công năng.
Hai mươi lăm ngàn đô la là cái giá được loan đi, thật sự gây hoang mang một cách đầy nghiêm chỉnh. Phá vỡ mọi quy luật kinh tế thị trường, “cung - cầu” không còn tác dụng, “giá trị - giá cả” chẳng là vấn đề gì với món hàng thiên hạ hay kháo nhau là “vốn tự có”.
Bắt đầu từ đây, cộng đồng mạng bắt đầu loại trừ. Tuyệt đối không phải là lao động nghèo, cũng rất khó là doanh nhân chân chính kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt, cán bộ công chức làng nhàng lẹt đẹt lại càng không, giáo viên, trí thức cỡ giáo sư tiến sĩ còn bận nghiên cứu khám phá…
Vậy rốt cuộc ai chịu chơi đến như vậy? Nhưng nhất định không có chơi “chịu”!
Nói đi cũng phải nói lại, luật pháp Việt Nam nghiêm cấm mua bán dâm dưới mọi hình thức nên thứ lý luận AQ kiểu bán “vốn tự có” âu cũng là quyền xem chừng khó chấp nhận?! Và thật khó để so sánh kiểu “còn đỡ hơn bán… khối thứ”.
Dưới góc độ kinh tế, vài chục ngàn đô la Mỹ cho một cuộc vui tính bằng giờ quả thật gây choáng váng phần còn lại, không biết là đối tượng nào nhưng quả quyết phải là… người có tiền, thậm chí có rất nhiều tiền.
Mới đây, theo báo cáo World Ultra Wealth Report của Wealth-X, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017.
Cụ thể là top 3 thế giới sau Banglades và Trung Quốc, tiêu chí “siêu giàu” của Wealth-X là khi sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên.
Một báo cáo có phải không liên quan gì đến con số vài chục ngàn đô dành cho “vui vẻ”? Mà nói về thú chơi xa xỉ Việt Nam cũng có thứ hạng: Siêu xe bản giới hạn, đồng hồ bạc tỷ, túi xách vài chục ngàn USD… thứ gì thế giới có lập tức Hà Nội hay TPHCM có ngay!
Chúng ta đang sống trong không gian văn hóa á đông, nền văn hóa rất trọng “công, dung, ngôn, hạnh”, vốn văn hóa về phụ nữ, trinh tiết, nhân phẩm của cổ nhân để lại là vô giá.
Một cách hoàn toàn CON NGƯỜI mà nói, tiền không mua được nhân phẩm, danh dự, trừ phi xã hội công nhận thứ để buôn bán không thuộc về nhân phẩm, danh dự.