Đưa sân bay… ra biển!
Trên thế giới việc quy hoạch luôn được làm chuẩn bởi một hoặc một cụm công trình tiêu biểu, lấy đó làm hệ quy chiếu cho tổng thể.
Hồi đầu năm nay, lần đầu tôi đáp xuống sân bay Đà Nẵng, tốc độ phát triển nhanh chóng của đô thị lớn nhất miền Trung cung cấp cho tôi dữ kiện để tưởng tượng về một phi trường nhộn nhịp, đặc quánh người như Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Nhưng cảm giác… chật chội không còn khi bước ra cổng nhà chờ, đó là một môi trường thoáng đãng, lối kiến trúc khá thanh tao, và cực kỳ sạch sẽ. Một suy nghĩ thoáng qua, sự nhộn nhịp của thành phố này có vẻ đối lập với quang cảnh thưa thớt ở sân bay!?
Một thành phố năng động phát triển bậc nhất không có chỗ cho “khoảng lặng” nào ở điểm công cộng như bến xe, ga xe lửa hay phi trường. Tôi bắt đầu suy nghĩ về hướng khác, chắc có lẽ người ta quy hoạch đón đầu quá tốt chăng?
Thông tin cho hay: Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng - một trong ba cảng hàng không quốc tế nhộn nhịp nhất tại Việt Nam (sau Nội Bài và Tân Sơn Nhất). Đây là điểm đi- đến của hơn 100 chuyến bay trong nước và quốc tế với khoảng 10.000 lượt khách thông qua mỗi ngày.
Có thể bạn quan tâm
|
Nhân việc này tôi nhớ lại chuyện cái nhà để xe của trường đại học danh tiếng Virgina do người đàn ông vĩ đại nhất nước Mỹ, là Thomas Jefferson - tổng thống thứ 3 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, thành lập vào năm 1814.
Đơn giản là khu để xe dành cho sinh viên của trường này vẫn dư chỗ sau 100 năm, mặc dù quy mô sinh viên tăng lên nhiều lần. Đó là khi tầm nhìn quy hoạch phát huy tác dụng. Tôi nghĩ sân bay Đà Nẵng cũng được tính toán như vậy. Hơn nữa đó là sản phẩm của người Pháp từ năm 1940, một đất nước nổi tiếng về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng.
Trong khi hầu hết các trường đại học ở Việt Nam đều gặp phải tình trạng quá tải nhà để xe cho sinh viên, phải cơi nới hoặc lấn chiếm sang nhà để xe của cán bộ, giảng viên dù tuổi đời của ngôi trường chỉ vài chục năm.
Tại cuộc hội thảo “định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP Đà Nẵng” diễn ra chưa lâu, nhiều ý kiến đề xuất nên di dời sân bay Đà Nẵng sau năm 2035, tức là gần 20 năm nữa!
Di dời sân bay Đà Nẵng không phải tự bản thân nó vượt quá giới hạn quy hoạch mà “để dành diện tích quy hoạch xây dựng, phát triển trung tâm thương mại, đô thị có đẳng cấp” - là ý kiến của kiến trức sư Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Đà Nẵng không thiếu những khu vực có đẳng cấp, phần lớn được quy hoạch về phía Đông thành phố, sát biển, vẫn cho thấy tính hợp lý. Nên hay không đặt trung tâm thương mại và đô thị đẳng cấp cao vào vị trí sân bay hiện tại?
Lại dính đến chuyện quy hoạch tổng thể, sân bay Đà Nẵng được người Pháp xây dựng cách đây 78 năm, đương nhiên có lý do để đặt sân bay ở vị trí hiện tại. Nhớ không nhầm thành phố Đà Nẵng chỉ mới nổi lên phát triển mạnh từ những năm 2000.
Vậy những thời điểm đó thành phố quy hoạch như thế nào để phù hợp với những công trình được dự báo sẽ phình nở mạnh trong tương lai, đặc biệt là ngành hàng không.
Nếu sân bay Đà Nẵng bị di dời về phía biển dù bất kể lý do gì đi nữa thì lỗi thuộc về tầm nhìn quy hoạch. Rất vô lý khi một công trình hao tốn tiền của, đang phát huy dụng lại bị phá bỏ để nhường chổ cho những tính toán không hợp lý trong quá khứ.
Di dời hay xây dựng là việc đương nhiên của ngành quy hoạch, nhưng với một sân bay văn minh hiện đại như Đà Nẵng cần phải có đánh giá khoa học để cân nhắc thiệt hơn.
Hiện nay Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng vẫn nằm trong không gian điều chỉnh bởi Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể giai đoạn đến 2015, định hướng đến 2025 của Thủ tướng Chính Phủ ban hành năm 2008.
Nếu giả sử đến năm 2025 khi dự toán quy hoạch hoàn thành thì bắt đầu rục rịch dời, lại là sự lãng phí lớn.
Trên thế giới việc quy hoạch luôn được làm chuẩn bởi một hoặc một cụm công trình tiêu biểu, lấy đó làm hệ quy chiếu cho tổng thể. Ví dụ ở Paris tháp Eiffel là công trình trung tâm, ở Huế là quần thể kiến trúc triều Nguyễn.
Tùy theo đó mà mỗi đô thị định hướng cho mình tiêu chí quy hoạch, Đà Nẵng hay bất cứ địa phương nào cũng thế, cần có điểm làm chuẩn nếu không sẽ mất phương hướng, quy hoạch chồng quy hoạch.
Là đô thị xanh hay công nghiệp, du lịch dịch vụ… cần phải xác định từ trong quy hoạch hạ tầng tổng thể cho đến chi tiết.