“Tách - nhập” và yêu cầu tinh giản

Trương Khắc Trà 20/09/2018 11:01

Chưa đầy 4 năm chúng ta đã thực hiện 2 lần “nhập” rồi lại “tách”, diễn ra trong bối cảnh chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy đang đi vào giai đoạn quyết liệt.

Năm 2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Nghị quyết, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập trên cơ sở tách rời Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính phủ đã và đang quyết liệt tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy

Đầu tháng 9/2018 lại tiếp tục phiên họp Ủy ban Pháp luật Quốc hội, thẩm tra Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, chưa đầy 4 năm đã thực hiện 2 lần “nhập” rồi lại “tách”, diễn ra trong bối cảnh chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy đang đi vào giai đoạn quyết liệt, có chỉ tiêu số lượng cụ thể, không còn là nhiệm vụ chung chung.

Trước thực trạng “phình nở” biên chế, nảy sinh quá nhiều cơ quan đầu mối những năm gần đây, chủ trương hợp nhất là phù hợp, nhưng mục tiêu đặt ra không chỉ về mặt lượng. Hợp nhất, tinh gọn nhưng phải đảm bảo cơ động, hiệu quả và quan trọng là giảm biên chế.

Có thể bạn quan tâm

  • Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế

    19:19, 04/09/2018

  • Sắp xếp, tinh giản bộ máy: Cần quyết tâm cao!

    05:14, 31/08/2018

  • Đại biểu Quốc hội "hiến kế" sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế

    15:52, 25/05/2018

  • Tinh giản biên chế để tăng lương cán bộ: Ai sẽ ra khỏi bộ máy?

    09:43, 12/05/2018

  • Tinh giản biên chế: Khó nhưng không thể không làm

    05:31, 09/04/2018

  • Chính phủ quyết liệt kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế

    13:00, 01/02/2018

  • Tinh giản biên chế: Chưa bao giờ hết “nóng”!

    05:28, 20/01/2018

  • Những lực cản cho tinh giản, tinh gọn!

    05:08, 02/11/2017

Việc hợp nhất 3 văn phòng trong cả nước mang đến sự tiết kiệm cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động và có thể giảm hàng trăm chức danh Chánh và phó chánh văn phòng.

Nhưng yếu tố quan trọng không kém là cách thức vận hành, nếu vận hành độc lập cơ quan nào nhiệm vụ ấy thì chỉ mới giải quyết về mặt hình thức, mặc dù chung trụ sở, chung tên gọi nhưng khác nhau về chức năng nhiệm vụ (!?)

Văn phòng đoàn ĐBQH là cơ quan Trung ương trực thuộc Văn phòng Quốc hội còn Văn phòng UBND và HĐND là cơ quan trực thuộc tỉnh - là chính quyền địa phương. Hai chức năng, nhiệm vụ, phân cấp hoàn toàn khác nhau. Hợp nhất cơ quan Trung ương và cơ quan địa phương làm một có thích hợp về mặt logic tổ chức?

Nếu sau khi hợp nhất mà ai làm việc nấy, tức là Văn phòng đoàn ĐBQH vẫn giữ nguyên đội ngũ; Văn phòng HĐND và UBND vẫn làm việc như cũ thì liệu yêu cầu tinh giản, cơ động, hiệu quả có đạt mục đích.

Văn phòng UBND cấp tỉnh là cơ quan ngang cấp Sở, làm nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp mọi lĩnh vực, đây là nơi tiếp nhận tất cả công việc của các Sở ban ngành ở địa phương, khối lượng công việc không hề nhỏ.

Việc sáp nhập như vậy chỉ mang tính cơ học, trong khi yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ngày càng chuyên môn hóa, tránh chồng chéo. Việc thành lập các phòng phải tạo được sự độc lập tương đối cho Văn phòng trong việc cùng lúc phải tham mưu, phục vụ cho 3 chủ thể là Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh.

Có thể thấy văn phòng HĐND và văn phòng đoàn ĐBQH có nhiệm vụ khá tương đồng nhau - đều tham mưu cho đại biểu nhân dân cấp Trung ương và địa phương. Vì vậy, nên chăng hợp nhất 2 văn phòng này sẽ hợp lý hơn.

Khối lượng công việc hàng năm của cả hai văn phòng này không quá nhiều, phục vụ chủ yếu 4 kỳ tiếp xúc cử tri (trước và sau mỗi kỳ họp) với đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân tỉnh và một vài chuyên đề giám sát.

Nhưng dù sao Quốc hội đã chọn lộ trình thích hợp là thí điểm ở 10 địa phương, kinh nghiệm hợp nhất nhiều năm cho thấy sẽ không khỏi vướng phải những rào cản liên quan đến lợi ích cá nhân, tập thể, chức năng nhiệm vụ nếu không cho ra đời khung pháp lý chặt chẽ, kỷ cương.

Trương Khắc Trà