Tái xuất chất thải “đội lốt” phế liệu: Sẽ hết cảnh “mang con bỏ chợ”?

Sông Hàn 21/09/2018 05:00

Việc tái xuất chất thải “đội lốt” phế liệu đã cho thấy quyết tâm không thể biến Việt Nam thành bãi đáp phế liệu của Chính phủ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg “về một số giải pháp cấp bách trong quản lý hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất”. Trong đó, có yêu cầu không cấp phép nhập khẩu phế liệu để sơ chế, bán lại; Buộc tái xuất chất thải “núp bóng” phế liệu vào Việt Nam.

Chỉ thị 27 đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Chỉ thị 27 ra đời đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ không chỉ từ các chuyên gia kinh tế, các nhà môi trường, mà dư luận cũng cảm thấy hân hoan, hứng khởi.

“Đây là giải pháp thiết thực, có thể nói một mũi tên giải quyết được cả ba vấn đề. Một là giải quyết được nhu cầu nhập khẩu rác thải phế liệu từ nước ngoài. Hai là, dọn được rác thải trong nước và ba là giúp tái sinh nguồn nguyên liệu tại chỗ, góp phần quan trọng phục vụ phát triển nền kinh tế trong nước” -  TS Nguyễn Thành Sơn nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Tái xuất chất thải “đội lốt” phế liệu

    11:00, 18/09/2018

  • Thủ tướng chỉ thị tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu

    18:53, 17/09/2018

  • Chính phủ nói gì về vấn đề nhập khẩu phế liệu?

    19:10, 30/08/2018

  • Kịp thời chặn lô phế liệu không phép vào cảng Hải Phòng

    01:16, 22/08/2018

  • Nhập phế liệu hay không?

    05:21, 19/08/2018

  • Khó xử lý những lô hàng phế liệu vô chủ

    12:05, 16/08/2018

  • “Soi” phế liệu bằng thiết bị kiểm định di động

    11:05, 16/08/2018

  • "Cần thành lập khu công nghiệp chuyên ngành tái chế nhựa phế liệu"

    15:05, 14/08/2018

  • "Quản lý nhựa phế liệu không nên thêm gánh nặng cho doanh nghiệp"

    11:00, 14/08/2018

Phải nói rằng, tái chế, tái sử dụng các nguồn phế thải là xu hướng chung của thế giới, đã được các nước phát triển thực hiện từ lâu. Bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Có thể coi Brazil là tấm gương có thể học hỏi về xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải điện tử – một trong những loại rác thải nguy hại. Theo số liệu từ môi trường Liên Hiệp Quốc, Brazil là nước có số lượng rác thải điện tử nhiều nhất trong khối các thị trường mới nổi. Rác thải điện tử thường là tivi, máy chơi game, máy vi tính và điện thoại di động..v..v.

Tại Nhật Bản, việc tái chế và tái sử dụng phế liệu luôn được khuyến khích bằng các sắc thuế, các chính sách ưu đãi về tài chính. Người dân nước này phải phân chia rác theo từng loại. Các cơ quan môi trường sẽ đến thu gom rác theo từng loại và chuyển tới các nhà máy xử lý rác.

Hay, một số quốc gia như Thái Lan, Singapore, với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, mỗi năm tiết kiệm được 50% – 55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng..v..v.

Tuy nhiên, rác phế liệu trong giai đoạn qua đã gây cho Việt Nam nhiều hậu họa, hậu họa trước mắt và hậu họa lâu dài. Hậu họa trước mắt là gây ô nhiễm ngay ở từng vùng, từng miền. Về lâu dài, nó gây ô nhiễm tích tụ, bởi rác thải này không thể phân hủy được. 

Thêm vào đó, đang có tình trạng ứ đọng hàng nghìn container rác thải tại các bến cảng hiện nay, đặc biệt hiện tượng rác nhập về vô chủ, không ai nhận hoặc từ chối nhận đang là mối lo đối với các doanh nghiệp bốc dỡ hàng hóa đồng thời cũng làm đau đầu các nhà quản lý. Hơn nữa, những container này còn tiếp tục nằm tại cảng thì mọi hoạt động của cảng đều bị ngưng trệ, thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế là vô cùng lớn. 

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đặt vấn đề rất hay rằng: “Tại sao các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài không tái chế phế liệu tại nước họ mà lại đưa sang Việt Nam làm chuyện đó? Vì ở các quốc gia ấy đều đã siết việc nhập khẩu phế liệu, lợi ích kinh tế mang lại không đủ bù đắp cho thiệt hại môi trường. Các doanh nghiệp tái chế có chút lợi nhuận nhưng hậu quả về môi trường Việt Nam phải gánh chịu”.

Đúng vậy, đối với cá nhân bà An và hầu hết người Việt Nam thì việc nhập phế liệu, rác thải rất nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc gia, môi trường, còn lợi ích kinh tế rất nhỏ. Thế nhưng, với người làm công tác quản lý chuyên ngành và số các doanh nghiệp chuyên nhập rác phế liệu thì hoàn toàn ngược lại. Vì chuyện nhập rác thải về doanh nghiệp không những không mất tiền mà còn được thêm tiền.

Theo số liệu của Hiệp hội Tái chế quốc tế BIR (trụ sở ở Bỉ) ước tính Việt Nam nhập khẩu 550.000 tấn rác thải nhựa năm 2017, so với 339.648 tấn hồi năm 2016, cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, Malaysia đứng thứ 2 với 450.000 tấn (năm 2016 là 200.000 tấn) và Indonesia nhập 200.000 tấn (năm 2016 là 120.981 tấn)…

Quan ngại hơn, sau khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu các loại rác thải, Việt Nam là một trong những nước có nguy có  có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ mới của khu vực Đông Nam Á.

Chính vì vậy, việc ban hành Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Nó sẽ góp phần chấn chỉnh tình trạng hàng nghìn container rác vô chủ. Nói cách khác, sẽ hạn chế được cảnh “mang con bỏ chợ” của các doanh nghiệp nhập rác một cách vô trách nhiệm. Đồng thời, cho thấy quyết tâm không thể biến Việt Nam thành bãi đáp phế liệu của Chính phủ.

Người dân rất trông chờ ở những quyết định mang tính vì quyền lợi chung của đất nước, của nhân dân như thế.

Sông Hàn