Có tiền cũng không xây nhà hát giao hưởng
1.500 tỷ là một con số lớn. Nhưng nếu để xây nhà hát trình diễn nhạc giao hưởng thì có tiền cũng không xây. Bởi vì thời đại này, chẳng còn mấy ai vào nhà hát lớn xem nhạc giao hưởng, cổ điển nữa.
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa đề xuất xây một Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch tiêu chuẩn quốc tế tại Thủ Thiêm, mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
1.500 tỷ là một con số lớn. Nhưng nếu để xây nhà hát trình diễn nhạc giao hưởng thì có tiền cũng không xây. Bởi vì thời đại này, chẳng còn mấy ai vào nhà hát lớn xem nhạc giao hưởng, cổ điển nữa.
Thành phố đánh giá việc có một Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch, hay vẫn thường gọi là Nhà hát lớn, như vậy là cần thiết và cấp bách.
Có thể bạn quan tâm
Ngay tại Nhà hát giao hưởng Paris, một trong những ‘thánh đường’ của nhạc cổ điển thế giới, lịch diễn trong cả tháng 10 này cũng chỉ có đúng 2 buổi nhạc cổ điển. Tháng 11 còn không có buổi nào, tháng 12 cũng chỉ có 1 buổi. Tổng cộng trong cả 3 tháng cuối năm có… 3 đêm diễn nhạc cổ điển.Giá vé cho một buổi nhạc cổ điển cũng chỉ bằng 1/4 những buổi diễn các loại hình khác, cũng tổ chức tại đây.
Không chỉ có thế, từ hơn 10 năm nay, các dàn nhạc cổ điển lừng lẫy trên thế giới cũng lần lượt ‘rủ’ nhau phá sản. Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia phá sản năm 2011. 3 năm sau đến lượt dàn New York, rồi Boston.
Điều đó cho thấy, nhạc cổ điển đã tắt lịm từ chính cái nôi của nó. Người ta không còn đến nhà hát lớn để nghe nhạc cổ điển nữa.
Thậm chí ở Mỹ còn có hẳn startup “Uber cho nhạc cổ điển”. Lúc muốn nghe, bạn chỉ cần mở ứng dụng lên là có hẳn một dàn nhạc thính phòng tới tận nhà để chơi cho bạn. Nhu cầu cần một nhà hát nhạc hàn lâm đúng tiêu chuẩn quốc tế đã không còn. Có tiền cũng không xây nhà hát giao hưởng.
Người ta không đi xem nhạc cổ điển, nhưng nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật trình diễn đỉnh cao thì vẫn luôn có. Nghệ thuật biểu diễn thế giới đang phát triển thành rất nhiều loại hình hiện đại, trình độ cao và hấp dẫn, như kiểu ca vũ nhạc kịch Broadway chẳng hạn. Các nhà hát lớn vẫn kín khách.
Các loại hình trình diễn hiện đại này rất hấp dẫn và bỏ xa các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Nghệ sĩ Chí Trung có lần chua xót phát biểu: “Sau khi xem Broadway về, tôi chỉ muốn bỏ nghề”.
Những vở “xiếc vũ kịch” theo phong cách hiện đại hiếm hoi của Việt Nam như Làng tôi, À Ố show công diễn vẫn ăn khách suốt mấy năm trời, dù giá vé không hề rẻ.
Tuy nhiên, các loại hình trình diễn hiện đại này thường đòi hỏi rất nhiều thứ hơn so với truyền thống, âm thanh tốt, ánh sáng phức tạp, không gian rộng và đặc biệt là công nghệ rất cao.
Nếu bạn xem thử một vở kịch của Broadway, bạn sẽ không tưởng tượng được đó là kịch, mà như một bộ phim với đầy đủ kỹ xảo xảy ra ngay trên sân khấu trước mắt bạn. Các diễn viên vừa nhảy múa, vừa ca hát, vừa diễn kịch, vừa biểu diễn xiếc. Khung cảnh, âm thanh, ánh sáng biến đổi trong chớp mắt nhờ hệ thống công nghệ ẩn sâu bên trong nhà hát.
Với những đòi hỏi như vậy, có thể thấy ở TP Hồ Chí Minh, cũng như ở cả Việt Nam không có nhà hát nào có đủ tiêu chuẩn đáp ứng. Các nhà hát cũ được xây trong thời kỳ cũ, chủ yếu để phục vụ nhạc cổ điển. Các loại hình hiện đại, công nghệ cao khó mà có thể phát huy hết ở đây.
Như ông Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch, nhạc trưởng Trần Vương Thạch nói: “TP.HCM hiện không có một nhà hát đàng hoàng nào cả, người dân không có nơi để thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Nhà hát mới không chỉ phục vụ cho hoạt động của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa khác, đón tiếp các đoàn quốc tế đến giao lưu”
Nếu đúng như ông nói, xây Nhà hát lớn để người dân có thể có được những buổi như Broadway thì đáng xây lắm. Chỉ có điều, xây xong rồi, liệu nghệ thuật Việt Nam có đủ trình độ để có những ‘Broadway’ hay không?