Thanh long và ba yếu điểm "cố cựu" của nông sản Việt
Việc trái thanh long bán ra các thị trường trồi sụt lên xuống vẫn luôn nằm trong "kịch bản" dự báo, và hiện trạng ngày nay vốn đã có thể nhìn thấy trước.
Có nhiều người đặt câu hỏi tại sao thanh long Việt Nam xuất qua Mỹ, bán 2 trái 10 USD mà ở chợ bán "xô" có 5.000 đ-10.000đ/kg, hay tại vườn chỉ 2.000 đ-4.000 đ/kg mà vắng người mua.
Đây không phải là câu hỏi mà bài viết này muốn trả lời. Tuy nhiên, cần phải nói rằng trái thanh long không chỉ là trái cây được người châu Á (Trung Quốc, Việt Nam...) ưa chuộng vì có thể bày cúng lễ rất đẹp, mà còn được người tiêu dùng Âu Mỹ công nhận là trái cây dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe , cung cấp được nhiều vitamin và giúp cho hệ tiêu hóa.
Có thể bạn quan tâm
Nỗi buồn thanh long
02:21, 08/10/2018
Từ trái thanh long đến tư duy kinh tế
11:01, 06/10/2018
Nỗi ám ảnh của thanh long Việt
03:20, 13/08/2018
“Đại gia” Tây Nguyên xin được trồng… xoài, mít, thanh long
11:02, 10/08/2018
Thu tiền tỷ từ trồng thanh long ruột đỏ
04:16, 27/04/2018
Thanh long xoá đói - làm... giàu
10:48, 20/12/2017
Đó là hiện trạng lặp lại có tính chu kỳ khi mà đi đâu cũng thấy trồng thanh long; không chỉ Bình Thuận mà khắp miền Nam cũng đang trồng, từ Tân An qua Đồng Tháp, xuống Trà Vinh... nhưng phương thức vẫn là xuất tươi qua thị trường "dễ tính" Trung Quốc thì việc "chết đứng" có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Qua trường hợp trái thanh long, chúng ta sẽ thấy tương tự với cây tiêu cho đến cây cao su là những sản phẩm có ưu thế của Việt Nam đều đang phát triển tự phát, thiếu vắng vai trò Hiệp hội và thiếu sự cảnh báo từ các tổ chức cung ứng vốn như ngân hàng thương mại và thiếu sản phẩm chế biến để tiêu thu đa dạng.
Dưới đây là một số điểm chính cho việc thất bại thua lỗ có chu kỳ của các nông sản có ưu thế xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ nhất, không kiểm soát được lượng cung dư thừa. Thiếu tính cảnh báo từ các tổ chức quản lý như cơ quan Bộ ngành đến Hiệp hội, tổ chức cung ứng vốn!
Tất nhiên trong kinh tế thị trường thì không thể bắt nông dân không được trồng cây này (thí dụ thanh long) khi nó đang có giá.
Tuy nhiên bài toán cung - cầu vĩ mô hoàn toán có thể ước tính được, và không ai khác chính là các ngân hàng thương mại với đầy đủ tài lực dư sức phân tích tình hình cung - cầu thị trường để điều khiển nguồn tín dụng hợp lý trong lĩnh vực này, qua đó góp phần hạn chế phát triển quá mức. Thực tế khi nông sản nào đang được giá, thị trường tốt thì các ngân hàng bung tiền mạnh mà không chịu phân tích dự đoán quy mô, qua đó còn tạo điều kiện tăng sản lượng quy mô lớn, cung vượt cầu, gián tiếp "đưa" người vay vào cảnh bán ruộng, bán nhà.
Các Hiệp hội nông sản Việt Nam thẳng thắn mà nói là cũng quá yếu kém so với Hiệp hội nông sản các nước khác. Tại Newzealand, hiệp hội Kiwi đã làm rất tốt vai trò, giúp sản lượng ổn định để có giá tốt nhất trên thị trường thế giới, chúng ta cũng thấy các hiệp hội nông sản của Úc, của Mỹ đạt hiệu quả tương tự...
Thứ hai, trồng ở nơi không phù hợp về năng suất và chất lượng thì sẽ thiệt hại thua lỗ nặng nề.
Khi trồng nông sản cũng như các ngành sản xuất kinh doanh khác trong nền kinh tế thị trường, phải bảo đảm sự cạnh tranh. Sự canh tranh cơ bản trong nông sản là phải trồng vùng có năng suất và chất lượng tốt nhất. nếu thấy loại đó có ăn rồi đưa nhau trồng, thì đa số những người trồng vùng bất lợi sẽ thua lỗ thê thảm khi nguồn cung tăng hơn cầu.
Trái thanh long theo nghiên cứu trồng vùng Hàm Thuận Nam là thích hợp nhất, giúp đạt sản lượng và chất lượng. Nhưng trồng lên vùng Hàm Thuận Bắc và xa hơn là vùng Bắc Bình sẽ suy giảm cả năng suất và chất lượng. Do vậy tỉnh Bình Thuận đã hạn chế các vùng trồng thanh long bất lợi để giữ lượng cung và chất lượng, giúp tạo hiệu quả tốt cho người trồng. Tuy nhiên nông dân các tỉnh khác thấy có lợi cũng đua nhau trồng cho dù bất lợi; từ vùng Tầm Vu khá ổn định ban đầu, đã lan qua các vùng khác trong xứ Long An, và lan khắp miền Tây mà không tính đến năng suất thấp cũng như chất lượng thấp bán yếu giá...Do vậy hiện nay khi thị trường dư thừa thì chính người trồng các vúng năng suất thấp, chất lượng kém bị thua lỗ nhiều nhất, tiền bán không bằng chi phí mướn hái và vận chuyển....
Thứ ba, nông sản trồng đại trà theo vụ mùa chỉ lo bán thô mà không có chế biến là rất nguy hiểm!
Các trái cây lừng danh như Nho, Táo, Cam, Chery, Kiwi... của các nước phát triển không thể chỉ lo bán tươi mà họ chế biến đủ mọi sản phẩm sấy khô, sấy dẻo, cấp đông, nước ép, bột khô, bánh, chế phẩm sữa, rượu....do vậy họ có thể tăng năng suất mà vẫn không lo bị ế đổ đồng.
Trái Thanh Long đã trồng và xuất khẩu tại Việt Nam mấy chục năm nay, quy mô ngày càng tăng nhưng sản phẩm chế biến không bao nhiêu. Do vậy, việc tăng sản lượng thiếu kiểm soát, chủ yếu xuất tươi vụ mùa thì việc dư thừa, bỏ mặc cho bò ăn là điều cũng dễ hiểu.
Trên thực tế, hiện đã có một số nhà máy với sản phẩm chế biến từ thanh long như nước ép và sấy khô, sấy dẻo..., đã xuất được sang Mỹ và EU, tuy nhiên đa số vì yếu vốn nên quy mô vẫn còn nhỏ. Ghi nhận tại một nhà máy sấy thanh long quy mô nhỏ, thanh long rớt giá dù nghịch mùa, các máy sấy của doanh nghiệp này vẫn đang miệt mài làm việc 24/24. Tuy nhiên do nhà máy quy mô nhỏ nên sức tiêu thụ cũng không đáng kể so với sản lượng khổng lồ của Thanh Long hiện nay... Điều đó một lần nữa cho thấy sự thiếu vắng trong sản xuất tinh, chế biến sau thu hoạch để tăng giá trị của nông sản Việt và tìm đầu ra cho thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến, là rất cần kíp và cũng là hướng đi lâu dài cho mọi mặt hàng.