Nếu thần Công lý biết nói năng

Trương Khắc Trà 25/10/2018 05:00

Luật pháp như sợi dây, nếu được kéo thẳng chính là nghiêm minh, nếu ngoằn ngoèo uốn lượn, đó là tội ác!

Người Hy Lạp cổ đại rất tinh anh khi “cơ cấu” vị thần công lý là một nữ nhân (Justitia)  tay phải cầm chiếc cân, tay trái cầm thanh gươm. Cổ nhân đã biết rằng, để công lý được thực thi phải cần công cụ bạo lực - theo nghĩa rộng.

Trong giai đoạn lịch sử có nhà nước “công cụ bạo lực” được hiểu là lực lượng thực thi công lý bằng chế tài. Bản thân công lý được cách điệu hóa bằng một vị thần bất khả xâm phạm.

Ngày nay công lý vẫn được yêu cầu thượng tôn ở khắp mọi nơi, bởi vì trong thực tế “chiếc cân” và “thanh gươm” lắm lúc bị đặt sai chỗ, hoặc chỉ đúng trong trường hợp này, sai trong trường hợp khác.

Còn gì tốt đẹp hơn trong một xã hội mà ở đó, tất thảy mọi tội lỗi dù nhỏ nhất vẫn phải chịu trừng trị của công lý. Nhưng sẽ bất công ngút trời nếu những hạt cát li ti bị khổng lồ hóa qua lăng kính hiển vi, còn những tội lỗi nghi ngút được “đo ni đóng giày”.

Một người đàn ông mang đến tiệm vàng quy đổi 100 USD ra tiền Việt, lập tức bị phạt 90 triệu đồng. Không sai chút nào nếu chiểu theo Pháp lệnh ngoại hối ban hành năm 2005.

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng là thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp?

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng là thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp?

Nhưng để nói rằng, đã thuyết phục hay chưa, thì chắc chắn là không. Bản thân cái thuyết phục hay không không nằm ở động thái đơn lẻ của cơ quan chức năng, nếu xét trong mối tương quan so sánh không khỏi làm chúng ta phải nghĩ suy!

Có thể bạn quan tâm

  • Gây oan sai phải chủ động xin lỗi

    Gây oan sai phải chủ động xin lỗi

    07:55, 01/06/2017

  • Bồi thường án oan sai: “Con dại, cái mang”

    Bồi thường án oan sai: “Con dại, cái mang”

    16:10, 09/01/2017

“Vụ án 45 ngàn đồng” ở TP HCM từng cho thấy sự khập khiễng ấy, bản án 18 tháng 20 ngày tù cho hai thanh niên chỉ vì đói mà “cướp” 2 bịch chuối sấy, 1 ổ mì ngọt, 2 bịch đậu phộng, 3 bịch me trộn đường tổng trị giá 45.000 đồng.

Những cái án như thế có làm người ta cảm thấy sự nghiêm minh của luật pháp? Hay chỉ biết sợ sệt “tai bay vạ gió” có thể đến bất cứ lúc nào. Thật tình cờ, những cái án đúng đến từng milimet như thế chỉ thấy đến với người dân không tấc sắt.

Và rằng, cái công trình ống dẫn nước vỡ đến… vài chục lần sao chỉ thấy nhẹ tênh trách nhiệm; con đường cao tốc 34.000 tỷ đồng vắt ngang qua mấy tỉnh có dấu hiệu “rút ruột” sao chỉ rút kinh nghiệm là xong?

Hai thanh niên “gan to” dám trộm đôi chim chào mào trị giá vài triệu đồng của vị quan trẻ đầy tai tiếng ở Quảng Nam bị truy bắt tới cùng, còn nỗi oan khiên của những tù nhân nổi tiếng Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Bùi Minh Hải… “chìm xuồng” mấy mươi năm!

Ở giữa thủ đô ngàn năm văn hiến từng tồn tại đoạn đường cong “mềm mại” như cái dằm trong mắt, lỗi không phải do đoạn đường vô tội, mà ở đó có nhiều thứ bị bẻ cong.

“Mọi công dân đều bình đẵng trước luật pháp” là câu nói mà bất cứ ai cũng có thể hiểu đến tường tận nghĩa ý. Không thể dung thứ bất cứ loại tội trạng nào dù nhỏ nhất, vậy còn những loại tội to tựa núi sông sao có thể lọt lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát!

Những bất công của luật pháp rồi được xí xóa bằng lời xin lỗi, nhưng sao có thể trị vì xã hội bằng sự ăn năn của ai đó. Những “phiên tòa lương tâm” có thể mở ra, song kết quả đau đớn vẫn vẹn nguyên với những cá nhân bị đem ra làm chứng cho sự nghiêm minh của pháp luật.

Luật pháp có vô tình như tờ giấy trắng mực đen đóng dấu đỏ, chắc chắn là không, có chăng chỉ là những người thực thi công vụ có cái nhìn phiến diện, quá “nhiệt tình” trong trường hợp này mà thờ ơ trong trường hợp khác.

Luật pháp như sợi dây, nếu được kéo thẳng chính là nghiêm minh, nếu ngoằn ngoèo uốn lượn, đó là tội ác!

Trương Khắc Trà