Từ vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Đừng cào bằng mọi vi phạm!

Sông Hàn 27/10/2018 07:04

Việc “một người dân đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng” đang làm nóng dư luận, cũng như tạo nên những ý kiến trái chiều trên các trang mạng xã hội.

Ngày 23/10 vừa qua, UBND TP.Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê (sinh năm 1980, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”. 

Có thể bạn quan tâm

  • Thu đổi ngoại tệ: Tới đâu để không bị phạt?

    Thu đổi ngoại tệ: Tới đâu để không bị phạt?

    02:52, 25/10/2018

  • Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ nằm trong kế hoạch sửa đổi

    Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ nằm trong kế hoạch sửa đổi

    16:13, 26/10/2018

  • Công an Cần Thơ nói gì về vụ phạt 90 triệu đồng vì bán 100 USD gây xôn xao dư luận?

    Công an Cần Thơ nói gì về vụ phạt 90 triệu đồng vì bán 100 USD gây xôn xao dư luận?

    18:20, 24/10/2018

Nếu xét theo quy định của pháp luật là pháp lệnh ngoại hối 2005 và Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng “Đối với cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có giấy phép có thể bị xử phạt 80-100 triệu đồng và chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam quy đổi” thì việc xử phạt là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, theo thông tin phản ứng của dư luận thì chính quyền Thành phố Cần Thơ đã quá cứng nhắc, không sát với thực tế trong việc áp dụng quy định xử phạt người đi bán ngoại tệ nêu trên, đẩy người dân (làm nghề thợ điện) vào tình cảnh “đã nghèo còn mắc cái eo”.

Thực tế hiện nay, hiện tượng vi phạm quy định pháp lệnh ngoại hối về giao dịch ngoại tệ đang diễn ra hàng ngày, tràn lan và rất phổ biến mà cơquan quản lý không quản lý nổi hoặc không hay biết. Song song, rất ít người dân biết được việc đổi tiền ở những điểm mà Ngân hàng Nhà nước không cho phép kinh doanh ngoại tệ là vi phạm, bởi nếu không có sự vụ này thì hàng ngày, người dân vẫn ra các điểm đổi ngoại tệ như người làm nghề thợ điện đã đổi để đổi.

Nên, việc kêu gọi người dân khi đi đổi thì phải tìm hiểu xem nơi mình đổi có được cấp phép hay không đó chỉ là sách vở. Đó chỉ là lý thuyết còn thực tế họ đến nơi giao dịch thuận tiện nhất để thực hiện giao dịch. Chính bản thân anh Nguyễn Cà Rê bị bắt khi đổi 100 USD cũng thừa nhận rằng mình không biết đổi ngoại tệ là sai quy định.

Qua đó, chúng ta sẽ thấy sự bất cập vì trong các mối quan hệ xã giao hàng ngày hoặc các ngày Lễ, Tết,… người ta thường hay biếu tặng cho nhau những tờ tiền USD nhiều mệnh giá khác nhau, khi thu gom một số tờ USD đi đổi ra tiền Việt Nam ở những tiệm kinh doanh vàng gần để tiêu dùng lặt vặt, sinh hoạt xã hội như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Hành vi của những cá nhân đổi tiền quà tặng này không hề là hoạt động kinh doanh thương mại, nên không thể xác định nó “cố ý làm trái các trật tự kinh tế”. Trớ trêu thay, hành vi này vô tình rơi vào tình huống phạm tội, bị bắt và xử phạt 90 triệu đồng như quy định. Mức xử phạt như thế được cho là quá nặng, chưa kể là người vi phạm không có tiền đóng phạt do thu nhập của họ quá thấp thì lấy tiền đâu ra mà nộp phạt.

Mua, bán là có tình chất thương mại, kinh doanh, có lời có lỗ, còn đây người ta chỉ đổi tiền (100 USD) thành tiền Việt theo ngang giá thì có gì mà mua bán ở đây. Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Việc giao dịch ngoại tệ trái phép đã tồn tại từ lâu, không phải bây giờ mới có. Thế nhưng đây là lần đầu tiên, tôi nghe thấy việc xử phạt này”.

Đã là công bằng pháp luật thì luôn phải thể hiện ở nhiều khía cạnh. Theo đó, vấn đề đặt ra là: Tại sao cơ quan chức năng không bắt đầu bằng những vi phạm đang diễn ra trên thị trường hàng ngày, hàng giờ và những giá trị cực lớn, mà lại chọn một sự việc quá nhỏ, đã thế chế tài xử lý lại quá nặng, gần như kịch khung? Đồng thời, làm thế nào để kiểm soát các cơ sở kinh doanh ngoại tệ cho hiệu quả, làm hạn chế vấn đề đầu cơ, mua bán “chợ đen”? Chứ không phải là “nhăm nhe” xử phạt cá nhân có nhu cầu nhỏ lẻ.

Rõ ràng, đang có sự cào bằng với mọi loại vi phạm, cào bằng giữa người tổ chức thị trường và tham gia thị trường. Bên cạnh đó, pháp luật chưa minh bạch, mà người thực thi lại áp dụng luật một cách máy móc. Chính thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cũng thừa nhận bất cập này và cho biết rằng “Nghị định số 96/2014/NĐ-CP đang nằm trong kế hoạch sửa đổi trong năm nay”.

Luật đã ban hành thì phải được thực thi. Có điều, các nội dung quy định của luật pháp cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống, các quan hệ xã hội... thì hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật mới được xã hội thừa nhận.

Sông Hàn