Học sinh bị đuổi học vì lập nhóm kín nói xấu giáo viên: Thầy thiếu bao dung, trò không lễ độ
Vụ việc xảy ra ở trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây.
Một nữ sinh bị thu giữ điện thoại, do điện thoại không khóa và khi màn hình hiện lên cuộc nói chuyện nhóm kín Facebook có tên ‘Động Cô Bích’, cô giáo đã kiểm tra và đọc được các cuộc trò chuyện của nhóm học sinh lớp 10A5 nói xấu thầy cô, nhà trường. Hội đồng kỷ luật nhà trường sau đó quyết định buộc thôi học một năm với ba em, bốn em nam khác bị đuổi học một tuần và một học sinh nữ bị phạt cảnh cáo.
Quyết định này gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội cùng nhiều chia sẻ không đồng tình về quan điểm sư phạm cũng như về khía cạnh pháp lý từ các luật sư, các chuyên gia giáo dục. Ngay sau đó, Sở GDĐT Thanh Hóa đã đánh giá lại sự việc và can thiệp kịp thời, thu hồi quyết định đuổi học nhóm học sinh trên.
Kết luận của Sở GDĐT Thanh Hóa phần nào phản ánh mức độ ‘chưa quá nghiêm trọng’ trong các tin nhắn trao đổi của nhóm học sinh. Dù đến nay, nội dung các tin nhắn vẫn không được chia sẻ với báo giới để có thể đánh giá toàn diện đúng sai. Nhưng phân tích sâu xa, nhìn ở góc độ nào, cũng có thể thấy cả hai phía thầy cô và học sinh còn nhiều điều cần suy ngẫm.
Trò sai...
Biên bản kỉ luật của nhà trường ghi rõ nội dung sai phạm của nhóm học sinh: “dùng mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của giáo viên và nhà trường” với số phiếu đồng thuận từ hơn 10 trên 14 thành viên hội đồng kỉ luật. Đại diện nhà trường cũng tiết lộ đó là những tin nhắn tục tĩu, mang tính xúc phạm giáo viên.
Chắc hẳn các thầy cô đã rất bức xúc. Câu ‘tôn sư trọng đạo’, câu ‘không thầy đố mày làm nên’ vẫn dạy học trò hàng ngày, nay dường như bị học trò dỡ bỏ thật đáng thất vọng. Các học sinh đáng bị phạt! Vấn đề chỉ là hình thức phạt thế nào, mức độ phạt đến đâu để các em biết sai, biết sửa lỗi mà thôi.
Nếu những học sinh này không bị kiểm điểm nghiêm khắc, mức độ ngông cuồng, coi thường thầy cô của các em sẽ càng tăng lên, và ở lứa tuổi hình thành nhân cách, với những lời tục tĩu, những xúc phạm thả phanh người đã dạy dỗ mình, nếu không được uốn nắn, thật khó để các em trưởng thành mà không mắc những khiếm khuyết về nhân cách.
Đây cũng là bài học cho nhiều học sinh và tất cả mọi người. Xúc phạm người khác dù sau lưng, dù không công khai, nhưng khi bị phát hiện, chúng ta vẫn phải gánh hậu quả và phải chịu trách nhiệm cho những lời gây tổn thương chúng ta đã buông ra.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về triết lý giáo dục của Việt Nam
12:05, 01/11/2018
Muốn “chấn hưng” giáo dục trước tiên hãy đầu tư cho người dạy
05:00, 01/11/2018
Phải tìm ra người chịu trách nhiệm về sai phạm trong giáo dục
11:09, 26/10/2018
Vẽ "bức tranh" ngành Giáo dục qua lá phiếu
06:03, 26/10/2018
Đúng là học sinh đã sai, đúng là ở địa vị thầy cô giáo sẽ thấy rất bực mình. Nhưng cũng vì chữ địa vị đó, mà rốt cục, thầy cô sai nhiều hơn.
Bởi ở địa vị người thầy, trước hết thầy cô cần bình tĩnh, gạt những bức xúc vì bị xúc phạm sang bên để xem xét và làm hết trách nhiệm của người thầy, với một trái tim độ lượng, bao dung, một tinh thần sư phạm, vì thế hệ sau này, chứ không chỉ nóng nảy áp ngay hình phạt cao nhất. Bởi học sinh ở vị thế người trò, nhất là lại đang ở tuổi ẩm ương ngang bướng, nên chúng mới cần được thầy cô dạy dỗ, uốn nắn.
Thầy cô bị phê phán chính vì bởi ở địa vị người thầy, mà không tìm kiếm và thực hiện các giải pháp khác, trước khi thẳng tay đẩy học sinh của mình ra ngoài xã hội.
Vậy nên, trong cái sai của cả Thầy và Trò, thì vì là người lớn, vì là người dẫn đường, Thầy ắt hẳn phải nhận trách nhiệm nhiều hơn.
Đó là chưa kể đến nhiều vấn đề khác. Thầy cô và nhà trường đã xem xét lại hành vi của mình chưa? Liệu các học sinh nói có hoàn toàn sai không? Vì sao các học sinh chỉ nói xấu thầy cô này mà không nói xấu người khác? Các học sinh lập nhóm kín mà không dám nói công khai có phải là cũng biết sợ hay không? Liệu lời nói của các em có thực sự nguy hiểm không thể cứu vãn được không? Và đặc biệt, việc tự ý xem tin nhắn, xúc phạm riêng tư của học sinh là hành vi thiếu tôn trọng học sinh, có dấu hiệu phạm pháp, thầy cô đã không đúng rồi.
Nên, cả thầy cả trò, cần chấn chỉnh lại. Chỉ một vụ việc này thôi, rõ ràng cũng cho thấy nhiều vấn đề, rõ ràng cũng gióng lên nhiều tiếng chuông về chất lượng ngành giáo dục và về mối quan hệ thầy trò trong xã hội hiện nay. Vụ việc rất may đã được xử lý kịp thời, chưa để lại những chấn thương hay hậu quả nặng nề. Tuy vậy, nó vẫn là một vết sẹo lồi tiếp tục bồi lên cây cột giáo dục nước nhà vốn đã nhằng nhịt đầy sẹo đen và thâm nám.