Lộ công trình kém chất lượng: Lỗi tại… con bò?!
Con bò trượt chân ngã xuống kênh mương làm bong tróc lớp bê tông để lộ lõi cây gỗ bên trong thay vì lõi sắt. Sự việc thêm một lần cho thấy tình trạng bòn rút công trình công cộng vẫn diễn ra.
Như truyền thông đã đưa tin, một người dân đi chăn bò, khi con bò chạy trượt chân ngã xuống thanh giằng nằm ngang dọc theo tuyến kênh S8 để chống chằng và bảo vệ hai bên thành kênh làm bong tróc lớp bê tông ngoài cùng. Khi đó lõi gỗ lộ ra ngoài mà không phải lõi sắt.
Được biết, hệ thống kênh mương S8 có chiều dài khoảng 1km, do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi làm chủ đầu tư với kinh phí 950 triệu đồng. Kinh phí xây dựng dự án được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh Bình Định và Chính phủ nhằm phục vụ tưới tiêu đồng ruộng cho hàng chục ha lúa ở thôn Quảng Điền, xã Phước Quang và thôn Tân Mỹ, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Có thể nói, hệ thống cầu đường bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Nhưng từ đó cũng đã sinh xuất một thảm trạng mà người Việt gọi là bệnh tham nhũng trong xây dựng hạ tầng. Cái nhìn chung là mỗi khi nghe đến một công trình nhỏ hay lớn, người ta nghĩ ngay đến việc các quan chức bày ra dự án để ăn chia.
Từ đó, có những công trình bị bỏ dở, những công trình trường học, chợ, nhà máy, cho đến những kênh mương nội đồng..v..v.. xây dựng xong bỏ hoang và những công trình xuống cấp nhanh chóng do bị rút ruột đã trở thành một thảm kịch xây dựng của một nước nghèo, trung bình. Phải đi xin viện trợ mười phương nhưng lại quá lãng phí và vô trách nhiệm. Chuyện này đã quá cũ nhưng lại vẫn mới, vì nó đang tiếp diễn trong mọi ngõ ngách xây dựng ở Việt Nam.
Cá nhân người viết được biết, các đơn vị xây dựng phần lớn đều “ăn bớt” chất lượng khi xây dựng một công trình nào đó. Một phương thức không kém phần phổ biến đó là “ăn bớt” khối lượng - một trong những “kỹ xảo” của các đơn vị xây dựng. Tức là, đưa các nguyên vật liệu phẩm cấp kém hơn thiết kế vào thi công.
Vì thế, chuyện con kênh S8 bê tông lõi gỗ ở huyện Tuy Phước bị con bò vô tình “phát hiện” không phải là mới. Trước đây, các cơ quan thanh tra “rờ” tới 10 công trình với vốn đầu tư 25 tỷ đồng ở An Giang đã phát hiện sai phạm tới 4,52 tỷ đồng với các thủ đoạn phổ biến khối lượng thi công giảm so với thiết kế. Hoặc, đã có chuyện một đơn vị đã đúc cọc tiêu cắm ven đường quốc lộ bằng lõi tre, khi phát hiện người có trách nhiệm cũng giải thích để đề phòng người dân đập cọc lấy sắt..v..v.
Điều này cũng có nghĩa, sự hoài nghi bắt đầu từ những yếu tố mang tính tiêu cực, người ta đặt ra một câu hỏi: Thực ra số tiền thực sự chi vào công trình là bao nhiêu, bao nhiêu tiền vào túi ai?
Đáng chú ý, chuyện này người dân biết và báo chính quyền lâu nay nhưng rất ít ai kiểm tra. Trong khi đó, vị Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Nguyễn Văn Phú cho rằng: “Có thể người dân hay đục bê tông lấy sắt bên trong và thanh khuôn đúc bê tông bằng gỗ để làm thanh giằng họ chưa lấy ra khi thi công”. Còn giám đốc Sở Nông nghiệp có vẻ bất ngờ “sao lại có chuyện lạ kỳ không thể hiểu nổi như vậy được!”
Nguy hiểm hơn, từ câu trả lời của đơn vị thi công cho đến phản ánh của người dân cho thấy, các nhà quản lý có liên quan đã không cần lắng nghe và giải quyết. Do đó, người dân cảm thấy lo lắng về chất lượng của công trình, về giá dự án, về thông điệp mà chính quyền, nhà thầu đưa ra.
Xin mọi người đừng buồn, vì đây là tình trạng chung của ngành xây dựng, giao thông, cầu cống… ở Việt Nam. Cái nào không hỏng, không có vấn đề mới là chuyện lạ. Dự án nào cũng vậy, qua bao nhiêu cấp, mỗi cấp xẻo một ít, thì dự án nhỏ như kênh mương S8 ở huyện Tuy Phước cũng phải thôi, miễn sao nó qua được thời gian bảo hành.
Nếu sự việc không bị con bò “phát giác” thì tiền mồ hôi nước mắt của dân đã rơi vào túi của những cán bộ và đơn vị thi công một cách rất “ngọt” rồi.
Đúng là, lỗi tại con bò?!