Xây dựng môi trường công sở không rượu bia khó thật?!

Sông Hàn 08/11/2018 11:00

Tại hội thảo về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vừa qua, nhiều đại biểu tập trung trao đổi về quy định cấm người lao động sử dụng rượu bia trong giờ làm việc.

Theo dự thảo, các trường hợp không được uống rượu là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang trong thời gian làm việc, nghỉ giữa ca làm việc. Hành vi uống rượu cũng bị cấm tại các địa điểm là cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam. 

Vấn đề dư luận quan tâm là đây không phải lần đầu quy định cấm này được ban hành. Nó đã có từ rất lâu, song việc giám sát, thực hiện còn khó khăn nên chẳng khác gì “đánh trống bỏ dùi” hàng chục năm qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Không nên cấm rượu bia theo giờ

    13:36, 18/04/2018

  • “Choáng váng” với quy định cấm rượu không nhãn mác

    22:37, 17/03/2017

Có thể nói, trong đời sống người Việt nói chung và trong môi trường công sở nói riêng, việc sử dụng đồ uống có cồn là một phương tiện giao tiếp giúp củng cố các mối quan hệ giữa người với người, giữa các đồng nghiệp, gắn kết quan hệ với đối tác. Tuy nhiên, việc lạm dụng đồ uống có cồn đã gây ra nhiều hệ lụy không đẹp, ảnh hưởng tới sức khỏe và hiệu quả làm việc của người lao động. 

Thực tế đã có không ít những vụ việc đáng tiếc xảy ra do cán bộ công nhân viên chức uống rượu, bia để lại những hình ảnh thiếu tích cực, gây thiện cảm không tốt với đồng nghiệp và cộng đồng. Một số cán bộ công nhân viên chức do uống quá nhiều rượu nên có biểu hiện bốc đồng, nói nhiều hoặc nói nhảm, thậm chí văng tục chửi bậy, hoặc đánh nhau, gây mất trật tự nơi công sở.

Hệ quả là làm suy giảm tình đoàn kết giữa các đồng nghiệp với nhau. Ở khía cạnh khác, hành động lạm dụng rượu bia như mời rượu nhau theo kiểu đã mời là phải uống hết liền mấy chén, dễ khiến cho mọi người đều nhanh say. Việc say rượu bia vì uống nhiều này thường sẽ kéo dài, làm con người mệt mỏi và không tập trung được vào công việc.

Hoặc đôi khi, một số cán bộ viên chức không chấp hành kỷ luật lao động, tụ tập uống rượu bia trong các quán xá trong giờ nghỉ trưa ngày hành chính, thậm chí cả trong giờ làm việc. Sự suy giảm đạo đức nghề nghiệp này tạo ra phản cảm trong cộng đồng, gây tổn hại danh dự và uy tín của tổ chức, cơ quan.

Quan ngại hơn, khi lãnh đạo có hơi men trong người sẽ quyết định nhiều vấn đề không chuẩn. Trong công việc, khi bị hơi men kích thích, sẽ có những điều gây phiền hà đến nhân viên. Gây ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương nền hành chính, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân và doanh nghiệp, tác động xấu đến kỷ cương xã hội, cần được kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Từ những hệ quả nhãn tiền ấy, chỉ có siết chặt kỷ cương và tăng cường giám sát toàn diện mới có thể chấm dứt tình trạng này. Và việc cấm cán bộ hành chính, người lao động uống rượu trong giờ làm việc là điều rất cần thiết và hoàn toàn khả thi.

Cá nhân người viết cũng như rất nhiều người ủng hộ quy định cấm này, không hoan nghênh uống rượu bia trong giờ làm việc. Bởi, người chăm chỉ, có tâm, có trách nhiệm với công việc thì đâu có thời gian để “cạn ly”, chỉ người rảnh rỗi, trốn việc mới uống trong giờ hành chính.

Một vấn đề được đặt ra ở đây: Thành phần uống rượu bia trong giờ hành chính có phải nằm trong số 30% công chức cắp ô? Còn người lao động, để tăng năng suất, hiệu quả công việc thì “cạn ly” trong giờ làm việc cũng không phải cách. Muốn vui vẻ, giải khuây thì hết giờ làm “ngồi với nhau” đâu có khó. 

Ấy thế mà, nhiều vị Đại biểu lại cho rằng quy định cấm này khó khả thi. Thậm chí, có vị với tư cách là PGS.TS, chuyên gia xã hội học cũng cho việc uống rượu bia trong giờ làm việc kích thích tinh thần làm việc của mỗi cá nhân. Người ta còn khoe là tháp tùng nhiều đoàn làm việc đến các địa phương thấy rượu bày trên bàn từ sáng tới chiều..v..v.

“Việc cấm công chức, người lao động uống rượu bia trong giờ hành chính rất khó khả thi. Khi đưa vào luật có thể phát sinh tình trạng tố cáo nhau” - ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nói. 

Chẳng lẽ, để xây dựng một môi trường công sở lành mạnh, văn minh khó đến vậy sao?

Sông Hàn