Nhận diện “bàn tay hữu hình”

Trương Khắc Trà 09/11/2018 05:01

Lý thuyết “bàn tay hữu hình” ra đời như dây cương để ghìm con ngựa bất kham - "bàn tay vô hình", đối phó với những cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính chu kỳ.

Góp ý kiến về Luật chăn nuôi, ĐBQH, Tiến sĩ kinh tế Trần Hoàng Ngân (TP HCM) dẫn ra một khái niệm trong kinh tế đó là “bàn tay hữu hình” để cho thấy tầm quan trọng của nhà nước là không thể thiếu trong điều tiết vĩ mô.

Nhưng có phải "bàn tay hữu hình" trong nông nghiệp là làm cầu nối giữa nông dân với thị trường, đầu tư công, nuôi con gì, trồng cây gì, ứng dụng khoa học công nghệ, cánh đồng mẫu lớn... hay là tác động vào cấu trúc, hành vi của cả một nền kinh tế?

“Bàn tay hữu hình” - bản thân nó là một học thuyết kinh tế của nhà kinh tế học trứ danh Keynes. Yêu cầu có sự can thiệp của nhà nước để điều tiết kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền tệ, ngoại thương…

Nguồn gốc của học thuyết này nhằm giải quyết nhược điểm của học thuyết “bàn tay vô hình” của Adam Smith - thuộc trường phái kinh tế chính trị học cổ điển Anh. Smith đã tuyên bố rằng, trong nền kinh tế thị trường tự do, mỗi cá nhân theo đuổi một mối quan tâm và xu hướng lợi ích riêng cho cá nhân mình, và chính các hành động của những cá nhân này lại có xu hướng thúc đẩy nhiều hơn và củng cố lợi ích cho toàn cộng đồng. Tức là gạt bỏ sư can thiệp của nhà nước.

Hai trường phái kinh tế đối nghịch nhau nhưng không thể triệt tiêu nhau, nền kinh tế tự do cạnh tranh, tôn trọng quy luật khách quan “thiếu vắng bàn tay nhà nước” ngự trị suốt thế kỷ XIX. Dưới sự bảo hộ của nó nền kinh tế tư bản phát triển tột bậc, tạo ra của cải vật chất khổng lồ.

Hài hòa giữa

Hài hòa giữa "hữu hình" và "vô hình" là cách điều tiết vĩ mô thông minh

Tuy nhiên, rất khó để mọi thứ trở nên trật tự nếu không có sự điều tiết của nhà nước. Lý thuyết “bàn tay hữu hình” ra đời như dây cương để ghìm con ngựa bất kham, đối phó với những cuộc khủng hoảng trầm trọng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hướng kinh tế vào nhiều mục đích xã hội…

Có thể bạn quan tâm

  • Ổn định kinh tế vĩ mô: “Đòn bẩy” giúp kinh tế tăng trưởng bền vững

    14:18, 23/10/2018

  • Ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên số một

    11:00, 09/08/2018

  • Thủ tướng: Tinh thần lớn nhất vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát

    16:54, 01/08/2018

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Điều hành kinh tế vĩ mô vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật

    09:02, 01/03/2018

  • Hai kịch bản về kinh tế vĩ mô của Việt Nam

    12:44, 16/06/2017

  • Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

    16:39, 19/05/2017

Ngày nay, trên thế giới không có nền kinh tế nào không chịu sự điều tiết vĩ mô của nhà nước, nhưng điều tiết vĩ mô hoàn toàn khác với can thiệp bảo hộ - mặc dù ranh giới rất mong manh.

Điều tiết vĩ mô không tôn trọng quy luật khách quan dễ rơi vào can thiệp bảo hộ, làm méo mó thị trường. Điều tiết không đúng lúc không thể mang lại kết quả như mong muốn.

Vậy, kinh tế vĩ mô là gì? là xem xét nền kinh tế một các tổng quát nhất, tập trung nắm bắt cơ chế hoạt động của nền kinh tế. Điều tiết vĩ mô là tác động vào những khâu, quá trình tổng thể.

Ví dụ, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ có thể tăng chi tiêu công, tăng các dự án ngân sách, phát hành tiền, giảm dự trữ bắt buộc, điều tiết tỉ giá sao cho phù hợp tùy theo ưu tiên nhập hay xuất khẩu.

Phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ có thể cắt giảm chi tiêu công, giảm đầu tư các dự án ngân sách, giảm lượng tiền lưu thông qua các kênh điều tiết tiền tệ hay thậm chí cả các biện pháp hành chính...

Bản thân sự điều tiết vĩ mô là thực hiện nguyên tắc “bàn tay hữu hình”, tức là thể hiện vai trò quản lý của nhà nước. Nhưng không phải giải quyết những vấn đề cụ thể như nuôi con gì, trồng cây gì, bán cho ai, bán như thế nào…

Lĩnh vực nông nghiệp, nhiều năm nay chứng kiến rất nhiều cuộc khủng hoảng thừa, với mật độ ngày một dày hơn. Nguyên nhân không phải do nhà nước thiếu điều tiết vĩ mô, thậm chí có thời điểm điều tiết rất mạnh, nhưng vì sao chưa đạt kết quả. 

Nhiều khi “bàn tay hữu hình” bị sử dụng thái quá, tác động xấu đến nền kinh tế. Quá trình dài ưu tiên doanh nghiệp nhà nước bằng bao cấp. Kết quả, nhiều doanh nghiệp bối rối khi đối mặt với cạnh tranh, mía đường, năng lượng là một ví dụ.

Lấy ví dụ, để cứu vớt vận tải đường sắt, Bộ GTVT từng đề nghị siết chặt hàng không bằng mệnh lệnh hành chính. Đó là cách can thiệp phi thị trường. Bản thân sự bùng nổ của hàng không giá rẻ là đáp ứng nhu cầu đi lại, trong khi đường sắt trì trệ do lạc hậu, chậm thay đổi. Thực tế, trong một số trường hợp, chúng ta cần phải tôn trọng “bàn tay vô hình” vì bản chất kinh tế thị trường là vận động và phát triển tuân theo quy luật khách quan.

Điều tiết nhưng không quá “thô sơ” cũng không nên “thô bạo”, không quá thiên về kiểm soát cũng không buông lỏng. Đó là cách điều tiết vĩ mô thông minh. 

Sự kết hợp hài hòa bàn tay “hữu hình” của Nhà nước với bàn tay “vô hình” của thị trường sẽ làm cho nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn. Sự kết hợp này ngày càng trở nên hoàn thiện hơn qua một quá trình dài, khắc phục các sai lầm và vấp váp.

Trương Khắc Trà