Bóng đá Việt Nam và nỗi buồn từ 2 câu chuyện kinh doanh
"Bóng đá 4.0" vốn dĩ đã hình thành rất lâu trên thế giới. Hãy xem tại Việt Nam - kể cả những đơn vị làm truyền thông, bán vé đang sử dụng hình thức nào trong kinh doanh?
Chuyện thứ nhất là tấm vé xem trận đấu Việt Nam và Malaysia trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình vài ngày tới. Khoảng 40 ngàn tấm vé được bán đi trong vòng 5h đồng hồ, một cách hoàn toàn thủ công! Tin được không?
Lâu lắm rồi sân Mỹ Đình mới “nóng” trở lại, nhưng ngay cả khi trái bóng chưa lăn trên mặt cỏ mà người hâm mộ đã lăn long lốc bên vỉa hè cũng chỉ vì tình cảm giành cho những cầu thủ.
Hai ngày qua, từng đoàn người vây kín sân vận động Mỹ Đình bất kể ngày đêm chỉ để săn tấm vé xem bóng đá. Nhiều ngày qua, trên mạng xã hội, về bóng đá Việt Nam không phải là chiến thắng nhẹ nhàng trước Lào hay bất cứ gì khác ngoài câu hỏi: Vì sao không bán vé qua mạng?
Đó là một câu hỏi rất…4.0. Thời nào rồi mà người ta vẫn muốn cung cho thị trường những sản phẩm qua ô cửa cũ kỹ, bằng những câu thoại í ới từ đám khách hàng bị hành hạ bởi một sự khát khao hiếm thấy.
“Phe vé” là một từ lóng rất phổ biến trong giới “chợ đen” mỗi khi bóng đá Việt Nam có trận đấu lớn trên sân nhà. Kỳ lạ thay, vé hiếm đường chính thống nhưng chỉ cần đồng ý mức giá chát chúa thì bao nhiêu cũng có!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp lớn đối với tình trạng vi phạm bản quyền
18:11, 26/08/2018
Kiến nghị về giải pháp để xử lý vi phạm bản quyền thương hiệu
18:06, 26/08/2018
Cảnh báo tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam
04:30, 14/07/2018
Vi phạm bản quyền World Cup: Chuyện từ những người thích “xài chùa”
05:30, 17/06/2018
Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm Việt Nam giảm còn 74%
12:19, 12/06/2018
Vé “chợ đen” từ đâu ra? Vâng, đó là những tấm vé thật 100% nhưng đường đi của nó không qua “ô cửa nhỏ” trong 2 quầy bán vé ở Mỹ Đình. Nó đi bằng đường lớn hơn, quyền lực hơn với số lượng không hề nhỏ.
Người ta nói nhiều về kinh tế thị trường, quyền lợi khách hàng, chống đầu cơ phá giá. Nhưng ngay cả một sự kiện thể thao - kinh doanh thu hút quan tâm của hàng chục triệu người lại cho thấy kiểu làm ăn bao cấp, ấu trĩ.
Người ta muốn một nền bóng đá vươn tầm châu lục, muốn có văn hóa khi xem bóng đá, nhưng chính cách làm của nhà chức trách đã nuôi dưỡng một hình thức kinh doanh rất thời vụ chụp giật, họ “vặt” người hâm mộ ngay cả khi tình yêu bóng đá trở nên mãnh liệt nhất.
Và rồi, cũng chính họ lại than phiền vì khán giả không đến sân nên bóng đá nước nhà khó phát triển; giải vô địch quốc nội heo hút vì tiền bán vé không đủ trang trải chi phí; và cũng trả lời cho câu hỏi vì sao nước Việt có 95 triệu dân mà chỉ có 1 sân bóng quốc gia vỏn vẹn 40 ngàn chỗ ngồi.
Một vòng luẩn quẩn có điểm đầu là cung cách kinh doanh đậm mùi cơ hội. Không chỉ là vé “chợ đen” mà còn là “vé qua đường công văn”. Phải chăng thị trường còn tồn tại lớp “khách hàng” bề trên mặc dù cùng thụ hưởng một loại hình dịch vụ như nhau.
Chuyện thứ hai là bản quyền phát sóng giải bóng đá vô địch Đông Nam Á - AFF Suzuki Cup. Công ty Next Media đã khởi kiện ra tòa án TP HCM để tố cáo những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền do vi phạm bản quyền phát sóng 2 trận đấu hôm 8/11.
Chuyện bắt đầu từ chồng chéo giữa VTV và Next Media, cả hai đều mua bản quyền AFF Suzuki Cup, trong đó Next Media đã mua độc quyền phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền. Nhưng nghịch lý là nhiều hệ thống truyền hình trả tiền có sẵn cách kênh thể thao của VTV (VTV5, VTV6), nên nghiễm nhiên được phát mà không cần sự đồng ý của Next Media (?).
Phía VTV có công văn khẳng định hạ tầng truyền hình trả tiền nào có sẵn kênh VTV5 và VTV6 sẽ vẫn được tiếp phát. Còn Next Media khẳng định bất cứ đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền nào không khóa hai kênh trên vào thời điểm có trận đấu giải AFF Suzuki Cup đều vi phạm sở hữu trí tuệ!
Có thể nói, đây là lần đầu tiên một vụ kiện về vi phạm bản quyền ở Việt Nam được khởi kiện ở Tòa án, đồng thời cũng là lần đầu tiên có đến hơn 10 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bị khởi kiện cùng lúc.
Chưa biết ai thắng, ai thua, nhưng có thể thấy rõ nhiều điều. Pháp luật kinh doanh và ứng xử với bản quyền vẫn là thứ gì đó còn xa xôi với doanh nghiệp, nguyên nhân nào dẫn đến mâu thuẫn trầm trọng giữa VTV và Next Media?
Đơn vị sở hữu bản quyền AFF Suzuki Cup 2018 trên toàn cầu Lagardere Sports Asia đã chính thức có văn bản xác nhận: “Về giải đấu AFF Cup 2018, bất kỳ sự truyền dẫn và/hoặc phát sóng nào của chương trình phát sóng, trong lãnh thổ Việt Nam, trên nền tảng trả tiền phải được cấp phép bởi Next Media”.
Hai câu chuyện kinh doanh đều không mới mẻ, thậm chí bài học World Cup và Asiad còn chưa ráo mực. Cuộc cách mạng 4.0 được nhắc đến khắp nơi, đáng tiếc, nhiều lĩnh vực trong đó có bóng đá chưa thực sự áp dụng.