Những cái tát không dành cho riêng ai
231 cái tát của ngành giáo dục và 1 cái tát tại sân bay Thọ Xuân thực sự không dành riêng cho ai nữa mà nó khiến xã hội chúng ta đều bị “rát mặt”.
Ngành Giáo dục có bất cứ “nhất cử nhất động” nào cũng được cả xã hội quan tâm và “chăm sóc” kỹ lưỡng. Và vừa qua kỉ niệm ngày hiến chương các nhà giáo thì một việc tưởng chỉ có trong truyện viễn tưởng lại xảy ra tại một ngôi trường cấp 2.
Chuyện xảy ra với em H.L.N, học sinh lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh, Huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Em N. có nói bậy và bị phê bình trước cờ và làm mất thi đua của tập thể lớp. Cô giáo T. cô giáo chủ nhiệm của lớp đã ra một hình thức kỷ luật với em N. vô cùng phản cảm và phi giáo dục.
23 học sinh cùng lớp, những người bạn của N. phải lên tát bạn mình mỗi người 10 cái. Tổng cộng 23 em tát bạn mình là 230 cái và cô giáo T. tát cái thứ 231. Đau xót hơn là học sinh nào tát nhẹ phải tát lại 10 cái khác. Các em buộc phải tát bạn mình mà không phản kháng dù không muốn.
Có thể bạn quan tâm |
Hậu quả em N. bị sưng mặt và nhập viện. Chuyện gì đang xảy ra vậy? nhà trường đang định giáo dục gì các em? Chỉ mới hôm qua thôi, 23 em học sinh đó còn là bạn của N. và có muôn vàn kỷ niệm với nhau thì hôm nay 23 bạn đó phải giáng những cái tát vào chính người bạn của mình. Lý do là làm mất thi đua của lớp, làm ảnh hưởng đến bản thân và những đứa trẻ buộc phải đánh bạn mình.
Sau sự việc đó, liệu N. có quên được nỗi ám ảnh mà cô giáo và các bạn đã để lại dấu ấn cho mình không? tổn thương đó ai sẽ chịu trách nhiệm?
Bản thân cô giáo T. đáng trách một thì lãnh đạo nhà trường đáng trách gấp nhiều lần. Sinh ra những cơ chế thi đua, thưởng phạt gây áp lực lên giáo viên và học sinh. Lễ chào cờ là một sinh hoạt ngoại khóa để nâng cao kỹ năng sống và các hoạt động bên lề để phát triển toàn diện cho học sinh. Chứ không phải là nơi để bêu riếu một đứa trẻ rồi đánh vào ý thức của cả một tập thể.
Sẽ không có gì để biện minh cho cô giáo T. về hành vi của cô. Điều đáng buồn là cô đã làm như thế nhiều lần. Và chỉ có lần này là N. phải nhập viện cấp cứu thì sự việc mới bị đẩy lên. Không biết bao nhiêu đứa trẻ đã là nạn nhân của cô? Và những đứa trẻ của cô sẽ được học gì từ một cô giáo có nhận thức lệch lạc như vậy?
Cái tát khóa đuôi, cái tát thẳng tay vào mặt học trò 12 tuổi của mình, sau khi đã nhận 230 cái tát của tất cả bạn bè trong lớp. Liệu đứa trẻ nhẫn nhục chịu tát vào mặt hôm qua, có trở thành đứa trẻ thẳng tay tát vào mặt người khác hôm nay trước sự giáo dục của cô.
Rất có thể, 23 đứa trẻ bị ép phải tát vào mặt bạn hôm qua, sẽ là 23 đứa trẻ sẵn sàng tát vào mặt người khác hôm nay. Bởi, dưới sự dạy dỗ của cô giáo, bạo lực là quyền lực, chứ không phải sự thất bại của văn hóa.
Một nền giáo dục chỉ chạy theo khối lượng kiến thức, mà thiếu hẳn dạy dỗ kỹ năng sống, thiếu định hướng nhận thức tôn trọng giá trị của bản thân và người khác, tất yếu tố kết thành những "trái đắng".
Và trong mỗi chúng ta, những người làm cha mẹ, nghe câu chuyện này chúng ta cảm thấy gì?
Khi những cái tát vào những đứa trẻ chưa kịp lắng xuống thì 14h ngày 23/11 đã xảy ra một sự việc vô pháp vô thiên, ngang nhiên và đầy thách thức của một nhóm côn đồ tại Cảng hàng không (sân bay) Thọ Xuân, Thanh Hóa. Có một nhóm đối tượng đã hành hùng hai cô gái nhân viên của hãng Vietjet Air với lý do từ chối chụp ảnh cùng. Chưa hết những thanh niên này còn lao vào đạp cô gái sau khi tát cô và quay ra hành hung những người xung quanh khi cầm điện thoại quay chụp họ.
Lực lượng an ninh sân bay có vào can thiệp nhưng phải rất lâu sau mới khống chế được.
Thật sự khó hiểu cho cả hai cái tát trên. Sao có thể dễ dàng làm nhục nhân phẩm người khác với những lý do không tưởng như vậy. Rồi đây những đối tượng trên có bị khởi tố về việc gây rối trật tự nơi công cộng và làm nhục người khác không? Nhưng chắc chắn mỗi chúng ta giờ ra đường thấy hoang mang quá!
Tôi hay các bạn, hay bất kỳ ai trong mỗi chúng ta khi chưa trải qua việc này đều không thể cảm nhận được cảm giác của người trong cuộc. Nhưng chắc chắn chúng ta không thể thỏa hiệp với những “cái tát” như vậy.
Nhà trường phải là nơi “đáng sống” nhất của những đứa trẻ. Đó không thể là nơi dung dưỡng cho những hành vi bạo lực và phi giáo dục như vậy.
Còn sân bay là nơi đảm bảo an ninh cao cũng không thể tồn tại những hành vi quá khích và coi thường người khác như vậy!