Qua rồi thời mại dâm phải đứng ở đường!
Thời kì công nghệ 4.0, khi mà các mặt hàng đều được rao bán trên mạng xã hội thì bán “hoa” cũng không thể lỗi thời, tức là đã qua rồi cái thời kỳ mại dâm phải đứng ở đường.
Gái mại dân thời nay hoạt động qua Facebook, Zalo, mạng xã hội… chứ hiếm khi thấy đứng đường như trước
Phải... bắt quả tang?
Tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, Chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động – Thương binh – Xã hội) Hà Nội Phùng Quang Thức cho biết: “Phố Trần Duy Hưng không nằm trong danh sách các tụ điểm có biểu hiện, nghi ngờ mại dâm”. Phát biểu này ngay lập tức thu hút nhiều chú ý, bởi, đây vốn được mệnh danh là một khu “phố đèn đỏ”.
Cơ quan quản lý cho hay, thành phố có 5 điểm công cộng có biểu hiện mại dâm. Đó là các điểm: Đường Hồng Hà, Phạm Ngũ Lão, Dốc Bác Cổ (Hoàn Kiếm); Phố Yesin - Vườn hoa Paster, Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư (Hai Bà Trưng); Đường Giải Phóng, bến xe Giáp Bát (Hoàng Mai); Công viên Hòa Bình (Bắc Từ Liêm) và Đường Liễu Giai (Ba Đình).
Và 10 điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm: Đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai); Ngã ba Ba La gần Cao đẳng Thương mại (quận Hà Đông); Khu vực chùa Tổng - La Dương (phường Dương Nội, quận Hà Đông); Đường 70 Tân Triều - Đường Kim Giang (Thanh Trì); Ngã ba Ngọc Hồi (xã Liên Ninh, Thanh Trì)...
Vậy vì sao dư luận luôn cho rằng phố Trần Duy Hưng là điểm mại dâm còn chính quyền địa phương thì nói không?
Vị đại diện cơ quan chính quyền nói rằng cơ quan quản lý nhiều lần khảo sát ở khu vực này. “Phố đó toàn là nhà nghỉ, không nhìn thấy nhân viên, không thấy tiếp viên. Bảo là điểm mại dâm thì chính quyền địa phương không nhận, họ nói phải bắt được” - ông Phùng Quang Thức nói.
Dưới con mắt của người dân, đây đúng là một câu trả lời theo kiểu “huề cả làng”. Hóa ra, tiêu chí để chấm “điểm mại dâm” ở thành phố Hà Nội phải là bắt quả tang được nhiều vụ mại dâm thì nơi đó mới là điểm nóng hoạt động mại dâm. Tức là cơ quan chức năng dùng phương pháp tuần tra, kiểm tra thông thường, trong khi hoạt động mại dâm thời bấy giờ lại quá tinh vi, thích ứng với thời công nghệ số.
Có thể bạn quan tâm
Mại dâm không thể là một nghề trong thành phần kinh tế
05:30, 02/04/2018
Tệ nạn mại dâm ngày càng khó kiểm soát
00:00, 26/11/2013
Hiệu quả các mô hình phòng, chống mại dâm tại Cần Thơ
00:00, 30/11/2013
Phòng chống mại dâm: Trách nhiệm không của riêng ai
17:09, 09/11/2015
Bán “hoa” không thể lỗi thời
Thực tế là mọi chuyện ở con phố này vẫn cứ “như xưa”, chẳng qua là nó được che đậy một cách dễ dàng hơn mà thôi. Cứ thử lên mạng xã hội Facebook và vào các hội nhóm “kín” thì nhiều người mới hiểu phố Trần Duy Hưng “nóng” đến thế nào. Cầm một chiếc Smartphone, với các phần mềm quét khu vực lân cận như Zalo, Messenger,… cũng không khó để người nào đó tìm được những lời mời chào hấp dẫn từ những tài khoản mạng ăn mặc hở hang, thiếu vải.
Mặc dù bao lâu nay chúng ta vẫn đang tranh cãi có nên coi mại dâm là một nghề hay không? Đẩy lùi tệ nạn mại dâm là vô cùng khó. Bao nhiêu năm qua, bao nhiêu giải pháp, bao nhiêu phương pháp đã được thực hiện mà có được đâu. Đến mức, người ta còn đưa ra cả những đề xuất thành lập “phố đèn đỏ” thì mới biết tệ nạn mại dâm nó ở mức độ nhức nhối như thế nào.
Trong khi thực tế, phải thừa nhận rằng bán dâm thực sự đã trở thành một “ngành” hẳn hoi. Các cô gái trở thành sản phẩm, được định giá, thậm chí mặc cả. Điều mà mọi người quan tâm là: Liệu các cô gái khi nhìn thấy bản thân được rao bán như một món hàng không hơn không kém sẽ cảm thấy ra sao? Hay đó là một phần của “công việc”?
Trước đây, hoạt động mại dâm rất dễ được phát hiện do các đối tượng hoạt động công khai, ngang nhiên trên đường phố. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người ta “ngụy trang” rất chuyên nghiệp và liên lạc hoàn toàn bằng môi trường Internet chứ không cần tiếp xúc trực tiếp. Cùng đó, chẳng cần phải có một vị trí cố định, các đối tượng chỉ cần hẹn nhau tại một vị trí đã thỏa thuận bất kỳ. Nếu theo hướng này, cả thành phố có thể trở thành một điểm mại dâm lớn chứ không thể xác định cụ thể được vùng, khu vực nào.
Tệ nạn mại dâm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và nguy hiểm hơn bao giờ hết là nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS qua đường tình dục do “quan hệ” không an toàn. Chúng ta có thể hướng đến hành động nhân đạo, đón nhận và vị tha đối với những con người lầm lỡ trong lĩnh vực tệ nạn xã hội để họ tái hòa nhập cộng đồng làm người lương thiện.
Cùng với việc tập trung phát hiện, đánh trúng những đường dây hoạt động mại dâm, lực lượng công an, và các cơ quan liên quan cần tập trung kiểm soát những thông tin trên mạng Internet để chủ động phát hiện, ngăn chặn tệ nạn mại dâm ẩn trong thế giới ảo của công nghệ.
Thời kì công nghệ 4.0, khi mà các mặt hàng đều được rao bán trên mạng xã hội thì bán “hoa” cũng không thể lỗi thời, tức là đã qua rồi cái thời kỳ mại dâm phải đứng ở đường. Vậy nên, công tác thanh – kiểm tra, thi hành pháp luật của các cơ quan chức năng bắt buộc cũng phải thích ứng theo.
Nếu không, trong mắt người dân, hoặc là các vị “công bộ” thuộc lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội quá yếu kém về trình độ chuyên môn, hoặc là có xu hướng lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân ở những điểm tương tự như “phố đèn đỏ” Trần Duy Hưng.