Ngưng nhập Sở: “Tiến trình gọn nhẹ” đến bao giờ xong?

Trương Khắc Trà 13/12/2018 11:00

Có nhiều người nói vui rằng, cơ chế “một cửa nhưng cần… nhiều chìa khóa mới mở được”. Đó phải chăng là rắc rối phát sinh ngay trong cái tưởng chừng như tiện lợi?

Công cuộc tinh giản biên chế nói thẳng ra là thất bại toàn tập đến thời điểm này. Hai năm tinh giản biên chế (2015 - 2017) làm... tăng thêm 96.000 người! Sau 30 năm đổi mới, cả nước đã dôi lên 19 tỉnh, 178 huyện và 1.136 xã!

Việt Nam 30 đầu mối Bộ, cơ quan ngang Bộ. Trong khi đó, ở Nhật Bản con số này chỉ là 11, Singapore là 15, Trung Quốc 20,… so với các nước châu Âu thì Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều.

Tổ chức trong các Bộ, ngành cũng rất phức tạp với rất nhiều tổ chức “con” như viện, đơn vị sự nghiệp có thu, các tổ chức xã hội... Trên thực tế, nhiều bộ ngành, cơ quan đơn vị vẫn tìm cách phình to bộ máy, tạo thêm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Rõ ràng khó tinh giản nếu thiếu quyết liệt, nhưng khi khái niệm “COCC” và các loại “ệ” quá nhiều lại nảy sinh vấn đề ngoài chuyên môn: Tinh giản ai? Khi mà vào mỗi cuối năm ai cũng “hoàn thành tốt” nhiệm vụ được giao!

Sáp nhập Sở ngành là cần thiết

Sáp nhập Sở ngành là cần thiết

Yêu cầu giảm chi tiền lương, chi phí hoạt động và hướng đến đích cuối cùng tăng hiệu quả công việc vẫn chưa có kết quả nào cụ thể. Tình trạng này kéo dài đã đến ngưỡng chịu đựng của ngân sách, điều tiếng dư luận.

Có thể bạn quan tâm

  • Tinh giản biên chế: Hà Nội sẽ thực hiện theo nguyên tắc “2 ra, vào 1”

    00:20, 11/12/2018

  • Tinh giản biên chế: Khó đến bao giờ?

    07:30, 23/11/2018

  • “Tinh giản biên chế là căn cứ quan trọng để cải cách chính sách tiền lương”

    06:38, 15/11/2018

  • “Tách - nhập” và yêu cầu tinh giản

    11:01, 20/09/2018

  • Sắp xếp, tinh giản bộ máy: Cần quyết tâm cao!

    05:14, 31/08/2018

  • Tinh giản biên chế để tăng lương cán bộ: Ai sẽ ra khỏi bộ máy?

    09:43, 12/05/2018

  • Tinh giản biên chế: Khó nhưng không thể không làm

    05:31, 09/04/2018

Vì vậy, tinh giản biên chế và làm gọn nhẹ các cơ quan nhà nước là công việc buộc phải làm nếu không muốn hiệu quả hoạt động của nhiều cơ quan chuyên môn ngày càng sa sút, chi phí thường xuyên tăng lên.

Khi tác động trực tiếp về nhận sự chưa đạt hiệu quả thì dùng phương pháp cơ học - sáp nhập các cơ quan trùng lắp nhiệm vụ, hoặc gần giống nhau xem ra là phương án dễ thực hiện hơn cả. Nhưng vẫn phải giải quyết khâu “ai về”, “ai ở lại”… khi cơ quan, tổ chức không còn? 

Sáp nhập các Sở, ngành cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn cấp huyện nhận được nhiều kỳ vọng từ người dân. Vì ít ra, những người nộp thuế trả lương cho đội ngũ biên chế cảm thấy công sức của mình bỏ ra không bị phân phát cho quá nhiều người trong khi yêu cầu “được phục vụ” và “phục vụ tận tình, chuyên nghiệp” vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Trong khi công việc sáp nhập còn dang dở thì Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng vì mắc mớ thủ tục, mà theo ông Lê Vĩnh Tân “chờ Nghị định mới hướng dẫn cụ thể hơn, tránh cơ học, làm cho có, cho xong…”

Nói về “tách - nhập”, Việt Nam là một trong những nước giàu kinh nghiệm, bởi đã nhiều lần thực hiện ở cấp độ lớn hơn là tỉnh, thành. Việc nhập tỉnh, thành - đến nay đã cho thấy sự hiệu quả không thể bàn cãi.

Có nhiều người nói vui rằng, cơ chế “một cửa nhưng cần… nhiều chìa khóa mới mở được” đó là cái rắc rối phát sinh ngay trong cái tưởng chừng như tiện lợi. Và vấn đề ở đây không còn là một hay nhiều bên cùng tham gia giải quyết thủ tục mà là thái độ của người thi hành công vụ.

Bộ Nội vụ có lý do khi lo lắng “làm cơ học, cho có…” đúng như vậy! Vì các cơ quan có thể mất đi sau khi sáp nhập nhưng nhiệm vụ không có gì thay đổi. Và, đương nhiên là mỗi người sẽ kiêm thêm nhiều việc (nếu tinh giản cả nhân sự) - nhưng sáp nhập mà nhân sự không đổi thì đúng là cách làm “máy móc”.

Mục đích tối thượng của tinh giản, sắp xếp lại bộ máy không phải là đóng cửa bớt trụ sở, giảm xe công, tiết kiệm một khoản tiền điện nước, chi phí hoạt động… mà để tăng tính linh hoạt, tăng hiệu quả công việc, phục vụ xã hội tốt hơn.

Như đã nói - nếu “bình mới rượu cũ” thì bản chất vấn đề là “vũ như cẫn”, chưa sáp nhập, mỗi cán bộ chưa làm nhiều việc mà tình trạng vòi vĩnh, tiêu cực còn xảy ra huống hồ một lúc nào đó kiêm nhiệm nhiều việc thì không ai đảm bảo sẽ hết đình trệ!?

Trong bộ máy của chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào và lắm lúc bộ phận này là cản trở tiến độ giải quyết thủ tục hành chính.

Trong khi ngân sách chưa giảm được đồng nào thì cộng đồng doanh nghiệp phải mừng…hụt! Sự rườm rà của các cơ quan hành chính nhà nước khiến người dân khổ một nhưng doanh nghiệp khổ mười.

Vì cái họ tốn kém không chỉ ở cấp độ cá nhân - mà đôi khi rất nhiều người lâm vào khó khăn nếu thủ tục hành chính chậm giải quyết khiến cơ hội vuột mất, hoặc thậm chí không thể tham gia thị trường vì phải chờ “Sở A” “ngành B”…xuống bút!     

Các chỉ số thống kê về chất lượng thủ tục hành chính ở nước ta đã có (PAPI) nhưng từ con số đó chưa ai tính toán được thiệt hại của doanh nghiệp là bao nhiêu tiền nếu bị chậm trễ thủ tục hoặc phải chạy đôn chạy đáo từ Sở này đến ngành nọ…

“Chính phủ kiến tạo” chỉ được thực hiện thành công bởi một guồng máy gọn nhẹ, linh hoạt, hiệu quả. Môi trường kinh doanh có minh bạch thông thoáng hay không cũng phụ thuộc hoàn toàn vào bộ máy nhà nước.

Một so sánh hơi khập khiễng nhưng rất đúng: Khối công chức khổng lồ của Việt Nam lớn gấp 4 lần bộ máy hành chính của Mỹ, nếu xét về số lượng công chức cho mỗi 100 triệu dân -315 triệu dân của Mỹ chỉ có 2,1 triệu công chức.

Trương Khắc Trà