Người Trung Quốc mua nhà ở Việt Nam: Kỳ I - Thực trạng không thể xem nhẹ
Lần đầu tiên, đã xuất hiện phân khúc nhà và phân khúc thị trường mà lượng khách mua lẻ công khai người Trung Quốc cao hơn hẳn người Việt.
Dù truyền thông đã đưa tin vài lần trước đây về thực trạng người Trung Quốc mua nhà ở các thành phố du lịch của Việt nam như Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, nhưng những con số thống kê rất rõ ràng về tỉ lệ khách mua nhà người Trung Quốc do CBRE mới chia sẻ gần đây vẫn làm nhiều người sững sờ.
Theo đó, 9 tháng đầu năm 2018, số lượng khách Trung Quốc mua căn hộ hạng sang tại TP HCM giao dịch qua CBRE tăng đột biến, chiếm đến 31% tổng lượng khách giao dịch, hơn cả nhóm khách người Việt với tỉ lệ chỉ ở mức 24%.
Như vậy là, lần đầu tiên, đã xuất hiện phân khúc nhà và phân khúc thị trường mà lượng khách mua lẻ công khai người Trung Quốc cao hơn hẳn người Việt.
Dòng tiền khổng lồ
Làn sóng đầu tư bất động sản của người Trung Quốc đã quét qua rất nhiều thành phố khắp năm châu những năm qua. Đó không phải là những con sóng nhẹ nhàng, mà hầu hết đều là những cơn lốc xoáy dữ dội "nuốt chửng" vô số đất đai, nhà cửa ở đủ mọi Châu lục. Những con sóng ước tính lên đến hàng trăm tỉ USD mỗi năm.
Vancouver, thành phố đáng sống của Canada, hiện tỉ lệ bất động sản do người Trung Quốc sở hữu đã lên tới gần 30%. Melbourne và Sydney - hai thành phố của Úc có đến 3/4 khách hàng mua nhà người nước ngoài đến từ Trung Quốc. Người Trung Quốc cũng đứng đầu trong nhóm người nước ngoài mua nhà tại hàng loạt các quốc gia khác như Newzeland, Mỹ, Hongkong, Anh, Nhật Bản… trong nhiều năm gần đây.
Khắp thế giới, vô số bất động sản đã gọi tên chủ sở hữu là người Trung Quốc.
Nhưng không chỉ ở các nước phát triển. Người Trung Quốc còn "phân bổ" dòng vốn, thâu tóm bất động sản cả ở các nước đang và kém phát triển, trong đó tập trung ở Châu Phi và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Malaixia, Việt nam.
Khắp thế giới, vô số bất động sản đã gọi tên chủ sở hữu là người Trung Quốc.
Đi tìm nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân được nhắc tới, nhưng chủ yếu nhất vẫn là tâm lý thích sở hữu nhà đất của người Trung Quốc. Khi kinh tế tăng trưởng, họ có thêm tài chính để đầu tư vào bất động sản cả trong và ngoài nước. Hơn thế, mấy năm gần đây kinh tế trong nước có dấu hiệu suy giảm, đồng nội tệ mất giá nên người Trung Quốc càng tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài nhằm nâng cao hiệu suất đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Lãnh đạo Đà Nẵng lên tiếng về việc người Trung Quốc mua đất “chui”
17:33, 31/12/2015
Người Trung Quốc sở hữu đất tại Đà Nẵng: Luật hở, cơ quan chức năng “bó tay”
15:44, 29/07/2016
Người Trung Quốc “thâu tóm” đất Đà Nẵng: Không để lặp lại một Formosa
07:39, 29/07/2016
Người Trung Quốc đã chi 110 tỷ USD mua nhà ở Mỹ trong 5 năm qua và sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới
20:13, 16/05/2016
Với các thị trường như Canada, Úc, Mỹ, Newzealand…, đầu tư bất động sản tại đây còn là kết quả của làn sóng di cư, tầng lớp trung lưu Trung Quốc có điều kiện tìm đến những vùng đất tốt hơn, đáng sống hơn để đầu tư và nhập tịch.
Với thị trường các nước đang phát triển, lý do lớn nhất vẫn là đầu tư tìm cơ hội sinh lời từ nhà đất. Đặc biệt, trong bối cảnh dòng tiền chuyển ra nước ngoài bị chính phủ Bắc Kinh thắt chặt, các nước phát triển áp nhiều biện pháp kiểm soát và hạn chế người Trung Quốc mua nhà, cộng với những lo ngại về chiến tranh thương mại, dòng tiền Trung Quốc gần đây dịch chuyển mạnh mẽ sang khu vực Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Những hệ lụy với các thị trường được người Trung Quốc "yêu thích"
Một hệ lụy lớn nhất, làm đau đầu chính quyền các nước nhất, là việc dòng tiền Trung Quốc đi đến đâu làm giá bất động sản tăng điên đảo đến đấy, bởi nhu cầu của họ quá nhiều. Người Trung Quốc như "mua tranh" với người dân sở tại, và với khả năng tài chính dồi dào, họ chiến thắng – ngay trên vùng đất của người sở tại.
Giá đất ở TP Vancouver, Canada năm 2016 đã leo thang tới 30% mỗi tháng so với năm trước đó chỉ bởi vì người Trung Quốc đổ xô tới đây mua nhà cửa. Người Trung Quốc cũng "quan tâm" đến bất động sản ở các tỉnh Toronto, Ontario khiến giá đất ở các khu vực này tăng hàng trăm % mấy năm gần đây.
Sydney (Úc) và Aukland (New Zealand) cũng trải qua những cơn địa chấn tăng giá chóng mặt vì dòng tiền từ Trung Quốc. Theo Viện Bất động sản New Zealand, giá nhà ở trung bình ở Auckland đã tăng 71%, từ mức 496.000 đô la vào tháng 4/2012 lên mức 850.000 đô la trong tháng 4/2018. Kết cục là, tỉ lệ sở hữu nhà ở của người dân New Zealand giảm xuống ở mức thấp nhất kể từ năm 1951 do giá bất động sản quá cao. Hiện nay, chỉ có 25% người dân Zealand dưới 40 tuổi sở hữu nhà ở so với mức 50% vào năm 1991.
Cơ hội sở hữu nhà đất của người dân nghèo các nước sở tại bị đánh bật mất. Những bất mãn tăng lên. Giá nhà đất đắt đỏ sát thương trực tiếp lên người nghèo, và còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng lâu dài đến cả nền kinh tế.
Nhưng không chỉ có vậy. Làn sóng đầu tư từ Trung Quốc còn kéo theo sự xâm nhập văn hóa, ngôn ngữ, gia tăng dân số, và cạnh tranh việc làm. Cũng tại Vancouver, cơn thủy triều tiền mặt từ Trung Quốc đã tạo nên một sự biến đổi kinh tế và cả nhân khẩu học đầy kịch tính. Dân số người Trung Quốc tại đây hiện đã lên tới 20%, và gần như các biển hiệu cửa hàng, khách sạn hạng sang, biển chỉ dẫn… đều có song ngữ, tiếng Anh đặt bên cạnh tiếng Trung!
Các nước phát triển đã bị cuốn xoay đến vậy, nên không thể không lo ngại cho Việt Nam. Với thu nhập thua kém hàng trăm lần, tiềm lực kinh tế còn quá non yếu, chúng ta sẽ bị xô đẩy ra bờ rìa nào, khi người Trung Quốc "hào hứng" với Việt Nam hơn?
Thực tế không cần phải đợi người Trung Quốc hào hứng hơn. Những ngón tay tiền bạc của Trung Quốc đã vươn sang thị trường nhà đất Việt Nam khá lâu rồi, và đang vươn mạnh mẽ trong mấy tháng gần đây.
Lấp ló sau lưng nhiều bất động sản ở Đà Nẵng, Nha Trang chính là những ông chủ người Trung Quốc, như báo chí đã từng phản ánh. Với các dự án cho phép sở hữu công khai, tỉ lệ nhà đầu tư người Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm ngôi đầu, có khi trên cả người Việt, như con số đầu tư căn hộ hạng sang tại TP HCM mới công bố gần đây.
Nhưng không chỉ ở 3 thành phố trên. Những người quan tâm đến thị trường bất động sản đều nghe nói về bóng dáng người Trung Quốc "ẩn nấp" trong rất nhiều dự án nhà đất khắp đất nước này, từ Hội An, Đà Lạt, Vũng Tàu, Đồng Nai, Phú Quốc, đến Hạ Long, Cát Bà, Bắc Ninh…
Nhìn nhận thực trạng này, sẽ thấy dễ hiểu hơn vì sao giá nhà đất nhiều tỉnh thành tại Việt Nam tăng phi mã trong thời gian qua trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế không có nhiều đột biến. Và nhìn lại tốc độ tăng giá nhà đất ở những khu vực trên, người lạc quan đến mấy cũng sẽ phải…hoảng hồn. 3 năm qua nhà đất Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn đã tăng đến 200-500%, liệu sẽ còn bị đẩy đến mức nào nữa đây?
Trừ một số ít người giàu được lợi từ đầu cơ, hầu hết người dân sẽ phải gánh chịu tổn thương nặng nề khi giá bất động sản tăng quá cao. Mà nhất là với dòng tiền mạnh như cơn cuồng phong từ Trung Quốc, trước một nền kinh tế ít khả năng chống đỡ, nếu cứ để tự do, không ai biết được cơn cuồng phong kia có thể vùi dập, nâng lên, đẩy xuống, vần xoay nền kinh tế nhỏ bé này đến mức nào.
Vậy nên, kể cả người giàu hiện còn đang được lợi, đừng sớm vui mừng, sẽ có rất nhiều điều cần lo.
(còn nữa)