Bóng đá và triết lý của chiến thắng
Chân lý ở đời cho thấy, không có gì trường tồn mãi mãi, thất bại hay thành công cũng chỉ ở cách nhìn nhận vấn đề, thứ quan trọng là bài học sau mỗi thành công hay thất bại.
Nhiều người nói rằng, chỉ cần tinh thần bóng đá lan tỏa người Việt có thể giải quyết được vô số vấn đề cố hữu. Ngẫm không phải không đúng, vì mọi chiến thắng trong bóng đá đều có triết lý riêng của nó.
1. Sự hài hòa giữa cá nhân và tập thể
Bóng đá là môn chơi tập thể, trong tập thể không thể thiếu những cá nhân xuất sắc gọi là “ngôi sao” cá nhân xuất chúng có thể một phút lóe sáng làm thay đổi cục diện. Nhưng cá nhân - dù hay đến mấy cũng không thể “đơn thương độc mã” suốt chặng đường dài.
Vậy, ở đây lại xuất hiện mâu thuẫn giữa “cá nhân và tập thể”, giữa “cái chung và cái riêng”. Làm thế nào để phát huy tố chất cá nhân mà không ảnh hưởng đến lối chơi chung?
Nhiều trận đấu ở AFF Cup, ông Park hay dùng Công Phượng từ băng ghế dự bị vì biết khả năng đi bóng của ngôi sao này có thể phát huy tác dụng khi thể lực đối thủ giảm sút.
Hay Quang Hải - cầu thủ xuất sắc nhất giải nhưng không chơi ở vị trí cao nhất trên hàng công; để khai thác hết kỹ năng của cầu thủ này, ông Park xếp đá “hộ công” - một vị trí có thể đi bóng, chuyền bóng, dứt điểm, kiến tạo… tức là người tài có nhiều đất để thể hiện.
Đội bóng của ông Park - thời điểm này không ai là ngôi sao lớn nhất, không phải là “đội bóng một người” như Bồ Đào Nha chỉ xoay quanh Ronaldo. Có nghĩa rằng sức mạnh được tạo thành từ tập thể gắn kết.
Còn nhớ chi tiết khi Tiến Linh ghi bàn thứ 3 vào lưới Campuchia, toàn đội đã giăng ra chiếc áo số 9 của Văn Toàn để tri ân cầu thủ này do dính chấn thương phải nghỉ hết giải.
Hay trên sân Mỹ Đình khi bước lên bục nhận danh hiệu vô địch, tiền vệ Lương Xuân Trường không quên ghi tên hai đồng đội của mình ở HAGL là Tuấn Anh và Văn Thanh lên áo - cũng lỡ hẹn với AFF Cup vì chấn thương.
Sự hài hòa giữa cá nhân và tập thể ở đây chính là đoàn kết, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lĩnh vực nào, đoàn kết là “điểm mẹ” dẫn đến thành công. Bóng đá Việt Nam từng trải qua những ngày tháng đen tối vì thiếu đoàn kết, thiếu sẻ chia.
Bài học rút ra: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau.
2. Mục tiêu rõ ràng
Cầu thủ chơi bóng cũng như chúng ta làm việc, trước tiên hãy chơi bóng vì chính mình, sau đó vì gia đình, vì trách nhiệm và lương tâm. Đừng vì sự hào nhoáng, đừng vì sự ca tụng của ai đó.
Trận bóng 90 phút nhưng mỗi cầu thủ chỉ cầm bóng khoảng 2 phút, còn lại 88 phút chạy trên sân. Nhưng, sẽ thất bại nếu đó là những bước chạy vô định. Mục tiêu ở đây hẳn nhiên là chức vô địch nhưng như thế chưa đủ.
Thi đấu vì cái gì? Vì ai? Đó mới là cái quan trọng, từng có một ông bầu kể rằng: “Khi tôi xuống sân bắt tay, tặng hoa động viên cầu thủ, có người hỏi, trận này thưởng bao nhiêu chú?”.
Thắng lợi này có nguồn gốc từ biết mình biết ta và đặt ra mục tiêu phù hợp đó là vào chung kết. Từng trận đấu, có cảm giác các cầu thủ vào sân, đá vì sự mong mỏi của người hâm mộ, vì niềm khát khao 10 năm trời ròng rã, vì màu cờ sắc áo, vì tinh tinh thần dân tộc.
Trong cuộc sống cũng vậy, đời người thật vô vị biết bao nếu không có mục tiêu để hướng đến, thất bại chưa chắc đã làm chệch mục tiêu đã chọn, vì thất bại nhưng vẫn có thể thu về kết quả nào đó, cái thường gọi là kinh nghiệm.
Có thể bạn quan tâm
CẢM ƠN tinh thần bóng đá!
20:00, 16/12/2018
Ông Park Hang Seo dùng tiền thưởng giúp người nghèo và bóng đá trẻ Việt Nam
12:51, 16/12/2018
Thấy gì sau chức vô địch của bóng đá Việt Nam?
11:30, 16/12/2018
Bóng đá và nỗi lo... “hết xôi rồi việc”
05:13, 14/12/2018
Việt Nam vô địch AFF Cup 2018!
20:18, 15/12/2018
Chung kết AFF Cup 2018: Hàng triệu con tim hướng về sân vận động Mỹ Đình
21:03, 15/12/2018
Triệu người xuống đường mừng tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018
21:48, 15/12/2018
Ăn mừng chiến thắng AFF Cup: Cả nước một đêm không ngủ
02:04, 16/12/2018
3. Có kẻ thắng ắt có người thua
Bóng đá Việt Nam không ít lần chết ở ngưỡng cửa thiên đường, những lần đó sự xót xa bao trùm trước niềm hân hoan tột cùng của đối thủ. Thì nay ta lại đứng trên đỉnh vinh quang người đau đớn lại là đối thủ.
Mình vui bao nhiêu với chiến thắng thì đối thủ đau đơn bấy nhiêu vì thất bại. Trong bóng đá cũng nghiệt ngã như cuộc sống, kẻ thắng có tất cả, còn người thua chẳng có gì.
Cuối cùng chúng ta được bao nhiêu điểm trong trò chơi cuộc đời này? Hãy dạy trẻ ngay từ nhỏ rằng điểm số không phải là vấn đề cũng giống như tiền không phải là tất cả. Hãy dạy chúng rằng chúng sẽ không thể thành công nếu chưa nếm mùi thất bại.
4. Hãy chuẩn bị để… thất bại
Người Thái vô địch Đông Nam Á về bóng đá nhiều lần nhất, có thể nói là sự thống trị tuyệt đối. Nhưng không gì là mãi mãi, năm nay Cup đổi chủ thì lần sau chưa biết chuyện gì xảy ra.
Chúng ta có thể vô địch liên tiếp nhiều năm sau đó, nhưng cũng có thể phải chờ lâu hơn 10 năm để có thể vô địch trở lại. Bài học rút ra là: Không ngừng nỗ lực, nhưng phải biết mình biết ta, đôi khi ta tiến bộ 1 nhưng đối thủ tiến bộ 2 thì thất bại là đương nhiên.
Cuộc sống vận động không ngừng nghỉ, nếu ngủ quên trên chiến thắng thì đường đến thất bại càng gần hơn. Nhưng không ai có thể mãi mãi thành công, cũng không ai suốt đời thất bại. Thất bại hay thành công suy cho cùng cũng tại cách nhìn.
5. Người thành công biết thích nghi tốt hơn
Đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha thống trị châu Âu và thế giới (vô địch EURO 2008 và World Cup 2010) nhờ lối đá tiqui taca như thêu hoa dệt gấm. Nhưng chỉ 4 năm sau, với tư cách đương kim vô địch, bị loại ngay vòng bảng WC 2014, đến WC 2018 lối đá tiqui taca như tra tấn người xem vì quá cũ kỹ!
Việt Nam có trong tay chiếc Cup Đông Nam Á, nhưng không vội vàng vỗ ngực chúng ta là số 1, cũng không thể nói rằng đội Lào, Campuchia hay Thái Lan bị loại là thất bại nặng nề.
Vấn đề quan trọng hơn là ở chỗ chúng ta học được gì sau những trận đấu căng thẳng kia, chúng ta thấy được gì từ chiếc Cup này. Ông Park và các học trò khó có thể thành công mãi với lối đá phòng thủ phản công - nếu không tiếp tục đổi mới chiến thuật.
Bài học rút ra: Người thành công là người luôn luôn học hỏi, còn kẻ thất bại do chậm thích nghi thay đổi.