Quảng Ninh: Rào cản nào đến ngôi vương PCI 2018?
Năm 2017, mặc dù soán ngôi vị số 1 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng Quảng Ninh chỉ nhỉnh hơn Đà Nẵng 0,58 điểm, một con số khá mong manh.
Nỗi lo bị soán ngôi
Ngay khi vừa nhận được danh hiệu ngôi vị quán quân, Quảng Ninh lập tức tổ chức cuộc tọa đàm “mổ xẻ” những yếu kém, tồn tại của mình, tìm kiếm các giải pháp với quyết tâm duy trì ngôi vương trong năm 2018.
Còn nhớ, tại cuộc tọa đàm thu hút sự tham gia của tất cả các lãnh đạo sở ngành, quận huyện này, ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã chia sẻ nỗi niềm của mình. Ông nói, kết quả xếp hạng số 1 PCI năm 2017 là động lực nhưng cũng là thách thức không nhỏ với tỉnh. Vị trí số 1 vừa là thương hiệu để Quảng Ninh khẳng định uy tín với các nhà đầu tư, là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền vừa là một áp lực, một thách thức không nhỏ và sự trả giá nếu năm sau để vuột mất ngôi vị. Nhiều chỉ số tăng điểm nhưng tụt hạng và ngược lại, tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức,… làm dấy lên không ít mối quan ngại đối với địa phương này.“Chỉ cần 1 cán bộ công chức không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả nỗ lực của toàn tỉnh”, ông Đọc nhấn mạnh.
Phải công nhận đó là một cuộc tọa đàm hiệu quả nhất mà tôi từng được tham dự. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên tổ chức được việc phân tích kết quả và đề ra những mục tiêu cụ thể để thực hiện. Mỗi quan chức đứng đầu các ngành đều phải đứng lên giải trình trước lãnh đạo tỉnh về những bất cập mà ngành đó đang vướng phải, đưa ra những giải pháp cũng như những cam kết cụ thể trong việc tháo gỡ.
Chiến lược giữ ngôi
Ngay từ tháng 4/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 2614/KH-UBND, với mục tiêu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm thực sự thuận lợi, hấp dẫn và quyết tâm duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về xếp hạng PCI.
Có 6 nhóm giải pháp chính về chỉ đạo điều hành và 11 nhóm giải pháp tổ chức triển khai cụ thể. Tỉnh này đã phân công nhiệm vụ cho 35 cơ quan, sở, ngành thuộc tỉnh và toàn thể 14 địa phương. Chủ tịch Nguyễn Đức Long trực tiếp giao nhiệm vụ cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách một số chỉ số quan trọng. Sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh ngay từ đầu năm, giúp các sở ngành, địa phương các cấp xây dựng và cụ thể hóa bằng kế hoạch của mình để triển khai đến các phòng ban.
Quảng Ninh cũng chính là tỉnh tiên phong trong việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội khi lập trang fanpage DDCI Quảng Ninh trên mạng Facebook. Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, sáng kiến này giúp tỉnh nắm bắt nhanh và giải quyết kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính từ cấp cơ sở, trước khi chúng dồn tụ thành bức xúc và lan rộng. Nhiều huyện vùng sâu vùng xa như Vân Đồn, Bình Liêu, Cô Tô cũng xin phép được thành lập fanpage DDCI, hay như ngành Bảo hiểm xã hội, một ngành tiếp xúc nhiều với các doanh nghiệp cũng vậy. Điều đó cho thấy lãnh đạo sở ngành, địa phương của Quảng Ninh đã sẵn sàng mở để lắng nghe, đón nhận những ý kiến góp ý của người dân và doanh nghiệp.
Mô hình "cà phê doanh nhân" do Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh chủ trì, tổ chức định kỳ hàng tháng với những chuyên đề khác nhau của các sở ngành cũng là một nét mới, đột phá của Quảng Ninh trong việc thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Tại các cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh, tỉnh đã mời lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp cùng dự họp để nắm bắt thông tin kinh tế, xã hội và kịp thời phản ánh ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Cứ mỗi quý, Chủ tịch UBND tỉnh lại tổ chức gặp gỡ, làm việc với BCH Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp cấp tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: “Mổ xẻ” PCI 2017 để bảo vệ ngôi vị quán quân
13:58, 31/03/2018
“Quán quân” PCI 2017 sẽ thuộc về tỉnh thành nào?
13:50, 21/03/2018
Vì sao Đà Nẵng giữ vị trí “quán quân” PCI nhiều năm liên tiếp?
16:29, 14/03/2017
Công nghệ thông tin là công cụ quan trọng để cải thiện chỉ số PCI, PAR
21:06, 29/08/2018
Cẩn trọng với «gót chân A-sin»
Năm 2018 có thể nói là một năm khá sóng gió với các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch Hạ Long khi họ phải liên tiếp nhận những cú “sốc” lớn với những lời “đe dọa" - “dừng tàu” đến từ các cơ quan chức năng. Chỉ cần thấy có phương tiện đeo bám tàu du lịch, Quảng Ninh sẽ ngay lập tức ra văn bản “dừng tàu”; Không nộp thêm phí vệ sinh môi trường (chưa nói đến sự xác đáng): “dừng tàu”; không tham gia đầy đủ cuộc tổng kiểm tra: “dừng tàu”…và rồi thì vô vàn lý do khác. “Dừng tàu” đặc biệt trong mùa cao điểm là một bản án khắc nghiệt không chỉ cho chủ tàu mà còn cho hàng chục cán bộ công nhân viên ăn theo. Mới đây nhất, ngày 13/11/2018, 13 chủ tàu và thuyền trưởng “lạnh người” đi vì thông báo 9654 của UBND TP Hạ Long. Ngoài ra, hơn 100 doanh nghiệp, 80 hộ kinh doanh tàu du lịch Hạ Long còn đau đầu kinh niên về vấn đề niên hạn tàu, đặc biệt là vấn đề đấu thầu thay thế đóng mới tàu du lịch. Họ luôn trong cơn thấp thỏm có thể một ngày không xa, cả đời gây dựng doanh nghiệp của họ có thể bỗng chốc tay trắng về một “nhà đầu tư chiến lược” mơ hồ nào đó.
Hay như mới đây, đùng một cái, 9 doanh nghiệp được UBND TP. Móng Cái triệu tập cuộc họp tham gia góp ý kiến phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 (trong khi họ không hề được biết về quy hoạch 1/2000 ?) tại phường Ninh Dương và Hải Yên nhằm mục đích thu hồi đất của họ đã thuê của Nhà nước 50 năm ổn định ? Trong số 9 doanh nghiệp này, có những doanh nghiệp vừa mới bỏ hàng chục tỉ đồng đầu tư xây dựng trụ sở, nhà xưởng để đưa vào hoạt động, giấy vay nợ ngân hàng còn chưa ráo mực. Họ đang rất hoang mang, lo sợ bao vốn liếng của mình bỏ ra đầu tư có thể một ngày đẹp trời sẽ tan như bọt nước?!
Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp TP Hạ Long, Tổng giám đốc công ty CP Thanh Hương từng chia sẻ về những bức xúc của mình trong một hội nghị do tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Ông này cho biết, dường như không ít địa phương tại Quảng Ninh đang có một sự bất bình đẳng không hề nhẹ giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa và “nhà đầu tư chiến lược”. Với nhà đầu tư chiến lược (các tập đoàn kinh tế lớn), đầu tư đến đâu luôn được chính quyền địa phương tạo điều kiện tối đa. Họ có thể chọn những mặt bằng đắc địa, triển khai dự án trước, hoàn thiện thủ tục hành chính sau. Họ có thể được giao mặt bằng sạch chỉ sau 30 ngày, trong khi doanh nghiệp địa phương phải mất 3 năm cũng chưa chắc đã xong. Những vi phạm của họ về môi trường thường được bỏ qua hoặc xử lý nương nhẹ. Các tiêu chí dự thầu, tài trợ vốn tín dụng cũng vô tình dựng lên những rào cản khó thể vượt qua đối với doanh nghiệp nhỏ như: dự thầu yêu cầu phải có hồ sơ năng lực 3 năm kinh nghiệm, vay vốn phải có báo cáo tài chính 3 năm có lãi liên tục… Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập không thể tiếp cận được các cơ hội kinh doanh đó.
Như những phân tích trên, có thể nói rất ghi nhận những nỗ lực của cả bộ máy tỉnh Quảng Ninh trong việc nỗ lực để giữ vững và nâng cao chỉ số PCI. Nhưng cũng không thể không cảnh báo về gót chân a-sin cho ngôi vị quán quân PCI năm 2018, đó chính là sự thấu hiểu. Quảng Ninh cần thấu hiểu hơn nữa để có cách thức đối xử hài hòa hơn, thấu tình đạt lý hơn, bình đẳng hơn giữa những doanh nghiệp lớn và với những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi các doanh nghiệp này, họ cũng chính là đối tượng đánh giá, chấm điểm và quyết định Quảng Ninh có tiếp tục giữ được ngôi vương trong 2018 và các năm tiếp theo hay không.