Sức mạnh “mềm” của sắc đẹp nhìn từ thành tích của H’hen Nie
Nếu có nhiều hơn những H’hen Nie được xướng tên ở tầm quốc tế đồng nghĩa với việc “thương hiệu Việt Nam” đã, đang và tiếp tục được định hình.
Nữ hoàng Cleopatra từng làm khuynh đảo thế giới Cổ đại. Dựa vào sắc đẹp nàng đã khiến Caesar vĩ đại hiến dâng cả nước Ai Cập rộng lớn. Điều gì khiến một người phụ nữ có thể đối đầu và chiến thắng trước đế chế La Mã hùng mạnh?
Điêu Thuyền - một vẻ đẹp “bế nguyệt” (trăng hổ thẹn phải núp sau mây) làm đảo lộn cục diện “Tam quốc chí”, làm rệu rã những mãnh tướng như Lữ Bố, Đổng Trác chỉ với một cái liếc mắt.
Không biết từ đâu quan niệm “phụ nữ là phái yếu” nhưng họ không yếu như chúng ta tưởng. Không một lịch sử nào không gắn với người phụ nữ, không một giá trị tinh thần nào “sống” được nếu thiếu bóng dáng người phụ nữ.
Cái đẹp của phụ nữ là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca, âm nhạc, hội họa... từ bức hình người mẹ Việt Nam chân chất cho đến bức họa nàng Mona Lisa bí ẩn - phụ nữ và vẻ đẹp của họ vẫn là nan đề chưa có đáp án cuối cùng với nhiều tỷ đàn ông từng sống và đang sống.
Tạo hóa ban cho phụ nữ vẻ đẹp hình thể - trước hết để duy trì sự tồn tại của thế giới này, nhưng loài người thống trị thế giới bằng ý thức nên vẻ đẹp của người phụ nữ ngày phải được nhìn nhận dưới “lăng kính của ý thức”.
Tiêu chuẩn của sắc đẹp là… không có tiêu chuẩn nào cả! Bạn không thể đòi hỏi một người phụ nữ “mình hạc thân mai” mà số đo ba vòng “90 - 60 và 90”! Bạn cũng không thể “bẻ cua” mọi quan điểm về sắc đẹp vốn có mặt ở khắp nơi trên thế giới này để chúng có thể hòa thuận “chung mâm” với nhau.
Và, nếu coi nhan sắc phụ nữ là một khái niệm “siêu trừu tượng” thì mới thấy được rằng - khi “mang chuông đi đánh xứ người” và được công nhận thì có nghĩa rằng vẻ đẹp của người phụ nữ ấy đã vượt qua hết tất cả những đánh giá thông thường, đạt đến một tiêu chuẩn… vượt qua mọi tiêu chuẩn!
Đang nói về người con gái Tây Nguyên - H’hen Nie, cô vừa lọt vào top 5 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi sắc đẹp uy tín nhất thế giới, Miss Universe 2018! Đây là thành tích lịch sử đối với người Việt trên đấu trường nhan sắc quốc tế.
Một tấm huy chương trong lĩnh vực khoa học, một thành tích cao trong thể thao, một phát minh có giá trị hay một giải thưởng danh giá về sắc đẹp… tôi không dám đánh đồng tất cả với nhau. Nhưng tất cả đều có tác dụng làm đậm thêm sự có mặt của một đất nước, một dân tộc nào đó trên quả địa cầu, vì tất cả đều mang đến niềm vinh hạnh.
Vẻ đẹp hình thể nào rồi cũng phai tàn theo năm tháng, nhưng giá trị “mềm” để lại là vĩnh viễn. H’hen Nie đã ít nhất một lần “thay mặt” 45 triệu phụ nữ Việt Nam gửi đến thế giới thông điệp rằng: Duyên dáng Việt Nam không chỉ là tiềm ẩn, Việt Nam đâu phải chỉ mũi tẹt da vàng, Việt Nam tuy xuất phát từ văn minh lúa nước nhưng có đủ vẻ đẹp hình thể, lẫn tinh thần hiện đại, khỏe khoắn để hòa nhập với tiến trình tiến hóa nòi giống cùng nhân loại.
Và đó là lý do để không bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào chấp nhận sự can thiệp thẩm mỹ, đó là sự tôn trọng hình hài của tạo hóa, đề cao tất thảy những gì thuộc về một chữ NGƯỜI viết hoa.
Có thể bạn quan tâm
Con người là sản phẩm tinh túy nhất trên trái đất, không một thiết kế, chế tạo nào có thể thay thế được, nhưng cái đẹp không phải là số đo 3 vòng hay tỉ lệ khuôn mặt tiệm cận với khoa học về tranh ảnh, hội họa.
Mà đó là vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp có có sức mạnh cứu rỗi và lan tỏa cảm hứng thiện lành đến người khác. Sự có mặt của đại diện Việt Nam trên bản đồ sắc đẹp thế giới có giá trị không khác gì những chiến dịch quảng bá rầm rộ và tốn kém để hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được thế giới biết đến sâu sắc hơn.
Thiên mệnh chấp nhận cho mỗi con người sự sống là có lý do, cũng như không có quốc gia dân tộc nào tồn tại mà không có nguyên cớ. Vì thế - nếu không tiếp tục cho thấy mình là ai? Mình như thế nào? Thì dòng chảy nhân loại sẽ để mình ngoài cuộc.
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có cách riêng để định hình vị thế, giá trị của mình trước nhân loại. Nước Mỹ nổi tiếng nhờ công nghiệp, nước Pháp được ví như “kinh đô ánh sáng” của thế giới, người Israel được biết đến nhờ sự sáng tạo độc đáo, người Nhật nổi danh nhờ sự tỉ mỉ đến hoàn hảo…
Còn Philippines, Venezuela được nhắc đến kèm với biệt danh “cường quốc sắc đẹp”. Điều này có vẻ chưa mang lại hiệu quả kinh tế tức thì như những con số biết nói trong kinh tế. Nhưng đó là một cách rất đặc biệt để thế giới biết đến.
Hay nói cách khác, tạo dựng và “nhận diện thương hiệu” không chỉ duy nhất bằng con đường kinh tế. Nếu có nhiều hơn những H’hen Nie được xướng tên ở tầm quốc tế đồng nghĩa với việc “thương hiệu Việt Nam” đã, đang và tiếp tục được định hình.
Sức mạnh tổng hợp của một quốc gia phải được tạo thành bởi nhiều yếu tố. Năm 2018 Việt Nam thành công với bóng đá, cả châu lục bày tỏ sự quan tâm, những ngày này tấm băng rôn có hình ảnh Việt Nam được treo khắp nơi ở Hàn Quốc.
Không khó để tìm thấy những cá nhân người Việt - ở nhiều lĩnh vực đang làm rạng danh hai tiếng Việt Nam, từ đâu đó nơi bản làng xa xôi đến những nơi đậm đặc trí tuệ như Google.
Và năm nay, Việt Nam có thành tích chưa từng có ở lĩnh vực sắc đẹp người phụ nữ. Đó là những động lực thực sự cho thấy khả năng của người Việt, để chúng ta gạt bỏ tự ti, tâm lý nhược tiểu… và tin rằng chúng ta sẽ còn đạt được những thành tựu lớn lao hơn nữa nếu biết đầu tư đúng hướng.