Chuyện một nhà mạng ở Mỹ và ao ước xứ mình

Trương Khắc Trà 22/12/2018 12:00

Tâm lý chịu đựng như mạch ngầm chảy qua nhiều thế hệ và cuối cùng nó thành vật cản trên con đường trở nên văn minh thịnh vượng.

Một công ty Internet phải bồi thường tổng cộng 62,5 triệu USD cho người 7.000 dùng vì đường truyền chậm - không như cam kết. Đó là chuyện không phải bịa, mà có thật 100% tại Mỹ.

Ngay khi tôi ngồi trong quán cà phê xem tin này trên một tờ báo lớn và hối hả lướt xuống dưới cùng để tò mò phản ứng của dân xứ ta như thế nào, thì bỗng có tiếng chửi thề oang oang của ông chủ quán với một người nào đó qua...sóng điện thoại.

Có số máy lạ nào đó nhiều ngày liền gọi đến chào mời bất động sản, cho vay tiền, bảo hiểm, tư vấn chuyện chăn gối…mặc dù đã từ chối, nhưng sự bực dọc tăng lên qua từng lần tiếp chuyện. Không biết rồi đây có được buông tha?

Ông chủ quán thắc mắc với tôi. “Quái lạ! sao chúng nó biết số điện thoại của mình?” Một người không biết Facebook là gì, chưa một lần lướt web, không có bất cứ tài khoản nào trên không gian ảo. Vậy số thuê bao mà chính ổng cũng mang máng - bằng cách nào đến được với các công ty hầm bà lằng thế kia?

Không chỉ bị cuộc gọi, tin nhắn "rác" làm phiền, hàng triệu khách hàng còn đối mặt nguy cơ bị lừa đảo và đã có không ít người đã “dính quả lừa” cay đắng. Hẳn nhiều người còn nhớ “ông chú thần thánh bên Viettel” của một gã lừa đảo mới hai mấy tuổi đầu tung hoành từ Bắc vào Nam.

Facebook từng làm lộ hàng chục triệu thông tin khách hàng

Facebook từng làm lộ hàng chục triệu thông tin khách hàng

Chuyện của ông chủ quán cà phê chỉ là một trong hàng trăm ngàn trường hợp bị quấy rầy do thông tin cá nhân bị rò rỉ. Không ai khác ngoài nhà mạng, hẳn nhiên phải là nơi thấu đáo chuyện này nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng phải được giữ bí mật

    Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng phải được giữ bí mật

    18:30, 13/09/2018

  • VCCI phản đối đề xuất ngân hàng cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế

    VCCI phản đối đề xuất ngân hàng cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế

    06:05, 06/09/2018

Nhưng tìm đỏ mắt trên mạng lẫn đời thường cũng không thấy một trường hợp nào khiếu nại do bị tiết lộ thông tin đời tư. Mức độ phổ biến của pháp luật là một chuyện, còn sự “dễ dãi” đến lạ lùng của những nơi quản lý số thuê bao lại là chuyện khác!

Không chỉ ở các nhà mạng, ngày nay mọi giao dịch từ đơn giản nhất cho đến bản hợp đồng vài chục trang đều chi tiết thông tin cá nhân. Nhà chức trách quản lý bí mật cá nhân như thế nào? Để hàng triệu thuê bao từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ chiến dịch marketing đến tận từng túi quần, giường ngủ... khách hàng?

Cụm từ “để lộ thông tin khách hàng” chỉ là một "nhã ngữ" không phản ánh đúng bản chất sự việc. Mà nói thẳng ra có ai đó đã bán đứng khách hàng vì lợi ích. Và nếu cảm thấy oan ức thì nhà mạng sao không hạch tội những nơi sử dụng bất hợp pháp thông tin khách hàng của mình!?

Đáng buồn, họ cảm thấy lo lắng khi doanh số tụt giảm, họ làm mọi cách để chèo kéo khách hàng phải móc thêm hầu bao, nhưng hoàn toàn mất tích khi khách hàng đối mặt với hiểm họa.

Chuyện bỗng dưng mất điện, tự nhiên tín hiệu Internet chập chờn rồi đứt hẳn, cúp nước vô cớ không hẹn ngày có lại…xảy ra như cơm bữa mà hầu như người dùng chỉ biết tặc lưỡi.  Ra đường chấp nhận kẹt xe, trời mưa chấp nhận sống chung với ngập. Thôi kệ! Kiện ai? Ai kiện?

Tâm lý chịu đựng như mạch ngầm chảy qua nhiều thế hệ, và cuối cùng nó thành vật cản trên con đường trở nên văn minh thịnh vượng.

Bỗng dưng rùng mình vì mẩu tin một nhà mạng ở Mỹ bị phạt hàng chục triệu Mỹ kim chỉ vì hoạt động không đúng cam kết. Nếu chuyện này chẳng may một lần xảy ra ở nước ta thì không biết bao nhiêu cá nhân, tổ chức phải thân bại danh liệt vì “bạc đãi” khách hàng chứ chẳng chơi!

Không ít người than phiền vì doanh nghiệp Việt mãi không chịu lớn lên, hoặc không muốn lớn, nhưng rất ít người thật sự hiểu được nguyên nhân sâu xa là gì. Hoặc hàng trăm ngàn doanh nghiệp chỉ “quanh quẩn cối xay” ngại ngùng khi bước ra thế giới để đối mặt với sự thượng tôn khách hàng và pháp luật quốc tế.

Giới làm xe hơi Việt Nam nhìn Toyota (Nhật Bản), Volkswagen (Đức), Ford (Mỹ) với con mắt ngưỡng mộ nhưng có biết được những nhà sản xuất ôtô hàng đầu sẵn sàng thu hồi hàng triệu sản phẩm chỉ mắc một lỗi nhỏ.

Một Facebook quyền năng phải đối mặt với khủng khoảng do làm lộ thông tin 50 triệu người dùng. CEO Zuckerberg thú nhận “chúng tôi không xứng đáng phục vụ khách hàng”. Bê bối cuối cùng đã qua mà không ai có thể tẩy chay mạng xã hội lớn nhất hành tinh!

Bị kiện hay là được kiện? Cả hai đều đúng nếu như doanh nghiệp có cái nhìn cầu thị về sự tồn tại của mình. Đáng sợ nhất không là không bị than phiền, mà là khách hàng cảm thấy ấm ức như “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không thể bảo vệ được mình.

Ở góc độ tâm lý xã hội, một khi sự uất ức kìm nén, tích tụ lâu ngày thì đến lúc nào đó bùng phát sẽ gấp trăm gấp ngàn lần. Điều đó giải thích vì sao một trạm xăng thương hiệu Nhật Bản (Idemitsu Q8) tạo ra cơn sốt trong khi dịch vụ nội địa đã mọc lên như nấm?

Họ tôn trọng khách hàng và luôn biết rằng khách hàng thông minh hơn những gì họ nghĩ. Còn ở ta thì sao?

Trương Khắc Trà