Suy ngẫm về nhận định “trong tương lai gần, tiếng Anh sẽ không tồn tại"
Tiếng Anh vẫn sẽ luôn tồn tại và có vai trò rất quan trọng trong thời kỳ kỷ nguyên số, toàn cầu hóa hiện nay. Và nó không chỉ bó hẹp ở Việt Nam, mà còn mở rộng ra các nước khác trên thế giới.
Mới đây, trong cuộc trò truyện trên VTV bàn về việc “Có nên đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai hay không”? một nhà khoa học nữ đã nói rằng: “Trong tương lai rất gần, tiếng Anh sẽ không được sử dụng ở cộng đồng Châu Âu nữa… Nước Anh không ở trong cộng đồng Châu Âu nữa thì tiếng Anh cũng sẽ không tồn tại, thế lúc đó người ta lấy gì làm chuẩn?... Nếu Việt Nam khước từ ngôn ngữ khác, mình khênh tiếng Anh sang đấy không ai nói, không ai sử dụng thì làm gì được”.
Như chúng ta đã biết, tại Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2018 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Đề xuất này nhận được nhiều ủng hộ từ dư luận, cũng rất nhiều giới tri thức, nhà khoa học.
Nếu muốn bắt kịp xu thế thời đại, sự tiến bộ và sự phát triển của công nghệ, sự đổi mới của thế giới… bạn phải biết tiếng Anh cho dù bạn ở độ tuổi nào.
Và cá nhân người viết không chỉ trích, cũng không phản đối nhà khoa học này vì những nhận định đó, nhưng có một thực tế là dư luận luôn trở “dậy sóng” với các phát ngôn của bà. Vì thế, một số ý kiến trên có vẻ không được “ổn” cho lắm. Bởi lẽ:
Thứ nhất: Đề xuất tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai là hợp lý vì từ trước đến nay Việt Nam đang “loạn” ngoại ngữ.
Ví như: Thời phong kiến Trung Quốc đô hộ hàng ngàn năm và muốn Hán hóa để dân ta dùng chữ Nho, nói tiếng Tàu. Khi Pháp đến thì cả nước học tiếng Pháp. Rồi, sau khi cách mạng thành công, để hữu hảo với khối xã hội chủ nghĩa thì học sinh phải tự chọn một trong hai Nga hoặc Trung. Trong đó, du học nước nào ở Đông Âu sẽ học tiếng nước đó cộng với tiếng Nga là bắt buộc. Nhưng khi Liên Xô sụp đổ, không chỉ Việt Nam mà cả Đông Âu cũng bỏ tiếng Nga chạy theo mốt tiếng Anh, Pháp, Đức..v..v.
Có thể bạn quan tâm
Tiếng Anh và mức độ thịnh vượng
11:10, 10/12/2018
Đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2: Khó khăn nhưng cần thiết phải làm!
05:35, 06/12/2018
Báo động kỹ năng tiếng Anh của nhân lực ngành Công nghệ thông tin
16:34, 14/11/2018
Sao lại "tiết kiệm" tiếng Anh ở thành phố du lịch?
05:07, 02/08/2018
Thứ hai: Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai nhằm mục đích để Start up Việt vươn ra toàn cầu. Đồng thời, nó cũng làm cho “phông” văn hóa của chúng ta được nâng lên, hẳn sẽ giúp nhiều cho sự thay đổi cho cá nhân và cộng đồng.
Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới nói nhiều về sự thịnh vượng và sáng tạo. Không biết ngoại ngữ thông dụng như tiếng Anh thì sự sáng tạo sẽ bị hạn chế sau lũy tre làng với rào cản ngôn ngữ, làm sao có thịnh vượng.
Thứ ba: Nước Anh có Brexit hay không thì người ta vẫn sử dụng tiếng Anh như cả thế kỷ nay.
Brexit chỉ tác động lên 66 triệu dân Anh về làm ăn (tốt xấu chưa biết), nhưng chắc chắn không ảnh hưởng đến việc nói tiếng Anh, không có chuyện tiếng Anh sẽ không được sử dụng ở cộng đồng Châu Âu nữa.
Thứ tư: Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ toàn cầu.
Dân số thế giới khoảng 7,5 tỷ người thì 1,5 tỷ biết tiếng Anh, tương đương với 20% dân số. Khoảng 360 triệu người dùng tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ, đông nhất là ở Hoa Kỳ, Anh, Canada, Australia, New Zealand.
Tại châu Á, Ấn Độ đông dân thứ 2 thế giới có khoảng 125 triệu người thạo tiếng Anh, tiếp theo là Pakistan 94 triệu tương đương dân số Việt Nam và Philippines có 90 triệu. Những quốc gia này coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Còn, Châu Phi với 1,2 tỷ người được thực dân Anh để lại một gia tài 7 triệu người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nhưng hơn 700 triệu có thể trao đổi thông dụng.
Mặt khác, trong một thế giới ngày càng “phẳng” trước sự chuyển dịch tư duy trong lĩnh vực hợp tác – hội nhập theo hiệp định TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra một khu vực mới về hợp tác kinh tế và thúc đẩy tự do giao thương giữa các nước trên toàn thế giới, thì ngoại ngữ ngày càng trở nên quan trọng.
Liên quan đến vấn đề này, GS. TSKH Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước nhấn mạnh: “Công cụ chiến lược của thời đại là Công nghệ thông tin và tiếng Anh. Trong đó, tiếng Anh là chìa khóa mở thành công cho các bạn trẻ…Nếu chúng ta thiếu tiếng Anh thì không thể gia nhập vào cuộc cách mạng 4.0 được, giống như một người bị “thọt chân” đi không vững”.
Chính vì vậy, nhận định “tiếng Anh sẽ không tồn tại trong tương lai gần” có vẻ chưa hợp lý, khi trong tương lai, tiếng Anh vẫn sẽ luôn tồn tại và có vai trò rất quan trọng trong thời kỳ kỷ nguyên số, toàn cầu hóa hiện nay. Và nó không chỉ bó hẹp ở Việt Nam, mà còn mở rộng ra các nước khác trên thế giới.