Giáng sinh: Chỉ còn lại tình yêu, hạnh phúc và sự thứ tha!

Sông Hàn 24/12/2018 15:03

Mỗi độ Giáng sinh về, người ta luôn bỏ lại phía sau mọi thứ không vui. Không còn sự ngăn cách giữa tế nhị hay vô ý, khôn ngoan hay vụng dại... Chỉ còn lại tình yêu, hạnh phúc và sự thứ tha!

Những ngày qua, không khí Giáng sinh đang tràn ngập khắp phố phường, không chỉ ở các nhà thờ, các khu giáo dân, mà hầu hết các cửa hàng, cửa hiệu, các trung tâm thương mại, các nhà hàng ăn uống, kể cả các quán cà phê… đều giăng đèn, kết hoa, trang trí cây thông và những hình ảnh mang đậm không khí của một lễ Noel. 

Thực tế, ngoài sự linh thiêng của ngày lễ, niềm hạnh phúc của đồng bào giáo dân nói riêng, thì đã và đang có những điều đáng suy nghĩ, khi nhiều dịch vụ cũng “lạm dụng” ăn theo. Vì thế,  dưới con mắt của nhiều nhà văn hóa, Lễ Giáng sinh thời nay đang mất dần mất đi ý nghĩa của nó.

Mỗi khi đến mùa Giáng sinh, nhà thờ Lớn Hà Nội (phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm) trở thành điểm thu hút đông đảo người dân tới đây, đặc biệt là các bạn trẻ.

Mỗi khi đến mùa Giáng sinh, nhà thờ Lớn Hà Nội (phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm) trở thành điểm thu hút đông đảo người dân tới đây, đặc biệt là các bạn trẻ.

Theo đó, với người Công giáo, ngày lễ Giáng sinh là ngày lễ của tôn giáo, là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, họ xem đây là ngày của gia đình, tạo ra những kỷ niệm chung và duy trì tình cảm giữa mọi người trong một gia đình. Đây cũng là một thông điệp hòa bình, là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu..v..v, chứ không phải dịp để vui chơi, hưởng thụ, hay  khoe khoang sự giàu có.

Trong khi, với những người “ngoại đạo” ở Việt Nam, Noel là dịp để mọi người ăn mừng, là dịp để bạn bè rủ nhau ra đường, đi chơi, ngắm cảnh, tận hưởng không khí lễ hội... Tức là, ở Việt Nam, ngày lễ Noel đã không còn đơn thuần là một ngày lễ mang tính tôn giáo nữa, mà hầu như đã trở thành lễ hội của tất cả mọi người. 

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Đà Nẵng sôi động dịp Noel và Tết Dương lịch 2019

    09:09, 24/12/2018

  • Thời tiết dịp Noel: Miền Bắc trở lạnh, miền Nam đón triều cường

    02:12, 23/12/2018

  • TP.HCM sẽ đón đợt triều cường "đạt đỉnh" vào dịp Noel

    14:16, 21/12/2018

  • Lễ hội mùa Đông Bà Nà Hills 2018: Cuộc du ngoạn kỳ lạ đến thế giới của ông già Noel

    18:05, 26/11/2018

Nói cách khác, rất nhiều người không phải tín đồ Công giáo nhưng vẫn đón Noel, nhiều người lầm tưởng đây là lễ hội văn hóa truyền thống. Trong những ngày này nếu đi ngoài đường, đặc biệt là ở các thành phố lớn ở Việt Nam, du khách nước ngoài sẽ ngỡ rằng đa số người dân Việt Nam theo đạo Thiên Chúa, vì cảnh sắc mừng Chúa giáng sinh còn trang hoàng lộng lẫy hơn cả những quốc gia như Philippine nơi có đến hơn 85% dân số theo đạo Thiên Chúa.

Theo một con số thống kê, Việt Nam có gần 7 triệu tín hữu công giáo, chiếm khoảng 7,3% dân số cả nước. Thế mà, vào dịp Noel tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn và nhiều địa phương khác, lại được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, tạo không khí nhộn nhịp như ngày lễ văn hóa dân tộc, bầu không khí đón mừng lễ Giáng sinh còn được biểu hiện nơi các công ty, nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi, đường phố... đâu đâu cũng thấy không khí của của lễ Giáng sinh.

Song song, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp lại xem đây là dịp để tăng doanh thu hơn là tôn trọng nghi lễ tôn giáo của tín hữu Chúa Giê-su. Họ xem đây là dịp để kích thích thị hiếu của người tiêu dùng. Thị trường thời trang, các doanh nghiệp sản xuất quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện v.v… giới thiệu và bán sản phẩm. Rất nhiều cửa hàng, thương hiệu thời trang nổi tiếng và có uy tín như Nem, Zen, Alcado, Canifa, Made in Vietnam… đều quảng cáo giảm giá từ 25% đến 50%, thậm chí giảm đồng loạt áp dụng với mọi sản phẩm.

Chuyện này khiến chúng ta phải tìm hiểu không khí Giáng sinh ở các nước, đặc biệt là phương Tây để có cái nhìn khách quan hơn. Được biết ở Mỹ và các nước Phương Tây, ít ai treo câu hiệu “Merry Christmas” như vậy tại trường học, bệnh viện, hoặc các nơi công cộng. Vì sao? Vì khi treo một câu hiệu mang tính tôn giáo như vậy sẽ rất dễ bị cộng đồng tôn giáo khác, hoặc những người vô thần khởi kiện. Trừ những nơi công cộng mà ở đó có đến 100% người là tín đồ giáo dân.

Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước, văn hóa cũng không thể đứng ngoài cuộc. Sự biến đổi này chính là sự “tiếp biến văn hóa”, là kết quả tất yếu của quá trình tiếp xúc giữa các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, sự “tiếp biến văn hóa” ấy khi du nhập vào Việt Nam đã có những biến đổi nhất định. Và ngày lễ Giáng sinh dường như đang mất dần đi ý nghĩa của nó.

Dẫu sao chăng nữa, mỗi độ Giáng sinh về, người ta luôn bỏ lại phía sau mọi thứ không vui. Không còn sự ngăn cách giữa tế nhị hay vô ý, khôn ngoan hay vụng dại, không còn khái niệm của sự phải trái, đúng sai... Chỉ còn lại tình yêu, hạnh phúc và sự thứ tha!

Sông Hàn