Một quy định ngành Thuế cần xem lại!

Sông Hàn 27/12/2018 11:00

Việc kinh doanh có doanh thu phải nộp thuế là đúng, đó là nguyên tắc quản lý, nhưng cần phải xét trên thực tế.

Trong Công văn số 4965 gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố mới đây về “công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán năm 2019”, có một điểm đáng chú ý là các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ có mức doanh thu 100 triệu đồng/năm, tức là doanh thu đạt khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng sẽ phải đóng thuế đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận.

Một tiệm bánh mì "di động" thế này có doanh thu bao nhiêu tiền/năm?

Bà Tạ Thị Phương Lan, Vụ phó Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cho hay: “Việc rà soát và đưa vào diện quản lý chỉ bao gồm các hộ kinh doanh có địa điểm cố định, thường xuyên. Như vậy, việc rà soát chỉ nhằm mục đích đưa vào diện quản lý thường xuyên để xác định nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì cơ quan thuế mới ra thông báo để yêu cầu nộp thuế”.

Theo đó, mục tiêu quan trọng là bảo đảm chống thất thu ngân sách, tránh bỏ lọt đối tượng thuộc diện nộp thuế, nhất là trong tình hình các cơ quan chức năng chỉ ra đến 581.700 hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế.

Có thể nói, việc kinh doanh có doanh thu phải nộp thuế là đúng, đó là nguyên tắc quản lý, nhưng cần phải xét trên thực tế. Dưới cái nhìn của nhiều người dân, dường như những người có ý tưởng đánh thuế xe ôm, quán cóc là muốn cho dân nghèo mãi nghèo không thoát ra được. Trong khi, những người làm nghề này là họ không có công việc nào khác để sinh sống đành phải chấp nhận công việc ấy. Không một ai dư giả gì với những công việc này mà đi thu thuế người ta.

Có thể bạn quan tâm

  • Khó thu thuế dịch vụ xuyên biên giới

    09:05, 21/12/2018

  • Khó như... thu thuế Facebook, Google

    11:01, 10/11/2018

  • Giải pháp nào chống thất thu thuế?

    03:46, 27/10/2018

  • Thu thuế kinh doanh trên mạng: "Được chăng hay chớ"

    06:20, 21/10/2018

  • Thất thu thuế do tour 0 đồng, “đàn voi có đang chui lọt lỗ kim”?

    05:15, 13/08/2018

  • Truy thu thuế cả tỷ đồng từ một cá nhân làm cho Google

    11:23, 11/08/2018

  • Gian nan thu thuế kinh doanh online

    11:34, 08/08/2018

Lời phân trần của một chủ xe bánh mỳ đã cho thấy rõ điều đó, đó là: Lợi nhuận ông thu được khi bán hàng từ 16 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau chỉ khoảng 200 triệu đồng/năm trong tổng doanh thu 1 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, gia đình ông có 4 người thay phiên nhau bán hàng ban đêm. Nếu phải thuê nhân công, trả lương 5 triệu đồng/người/tháng thì chi phí hơn 200 triệu đồng/năm. Tính ra tôi kinh doanh không có lời thì hà cớ gì phải nộp thuế!

Nói như Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì “Ngành thuế phải trả lời được câu hỏi với khu vực kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do không thường xuyên, liệu có thu được thuế không, có đáng thu không và có cần phải thu không? Nhìn vào quy mô kinh doanh và năng suất lao động của khu vực này, thấy số thu không lớn mà để quản lý được thì tốn rất nhiều nhân lực, công sức. Có thể có một biện pháp là bắt buộc những người bán hàng, kinh doanh, lao động tự do phải có mã số thuế và gắn chip quản lý nhưng lại phải nghĩ đến chi phí phát sinh cho việc này”.

Có nghĩa, ngoài người dân thì giới chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại với khả năng kiểm soát thu nhập của khối kinh doanh nhỏ lẻ của ngành thuế. Cơ quan thuế không thể xác định được doanh thu của cá nhân kinh doanh vỉa hè, quán cóc vì giữa đối tượng này và cơ quan quản lý không kết nối số liệu. Vì thế, phải xây dựng cơ sở dữ liệu hiện đại và đồng bộ mới có thể quản lý, không thể “tay không bắt giặc” như hiện nay.

“Việc bảo đảm công bằng giữa các đối tượng có thu nhập phát sinh phải nộp thuế là cần thiết. Tuy nhiên, muốn làm hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của dư luận thì ngành thuế phải giải trình được phương pháp quản lý, cơ sở tính thuế, cách thu thuế và hiệu quả quản lý ra sao... Nếu không, sẽ có những hộ kinh doanh siêu nhỏ phải chịu mức thuế bất công, còn hộ có doanh thu lớn thì lại chỉ đóng ở mức không tương xứng” - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

Liên quan đến vấn đề này, hẳn cán bộ thuế phải nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “… Phải làm cho nhân dân no ấm thì mọi việc trôi chảy, thuế khóa dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giàu”. Người cũng từng nói rất ngắn gọn, xúc tích, rằng: “Thu thuế phải thu được lòng dân”. 

Muốn thu được lòng dân, ngoài việc thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, người cán bộ thuế cũng nên biết làm thế nào để người dân không chỉ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước mà còn phải hết lòng ủng hộ các chính sách thuế của Nhà nước. Đó mới là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của người cán bộ thuế.

Phải nói rằng, chính sách thuế liên quan đến mọi tầng lớp dân cư, mọi thành phần kinh tế. Chính vì thế, người dân hy vọng, mỗi phản hồi là thước đo quan trọng đánh giá sự quan tâm của người dân đến chính sách thuế. Mỗi ý kiến đóng góp là những “thước ngọc – khuôn vàng” để ngành thuế xem xét và hoàn thiện chính sách trước khi đưa ra.  

Sông Hàn