Hiến tạng cứu người: Thông điệp sống “bất tử”!
“Hiến tạng” là từ khóa nóng nhất những ngày qua. 9.460.000 kết quả trong vòng 0.28 giây. Con số nói lên nhu cầu của con người cần hiểu về hiến tạng, một quan điểm sống để ta “cho đi là còn mãi mãi”.
Dương Hồng Quý là cái tên được nhắc đến nhiều nhất tại các tụ điểm trong suốt 2 ngày vừa qua. Từ quán café, đến quán nước chè, từ văn phòng đến ngoài phố mọi người truyền tay nhau về hình ảnh và câu chuyện của anh. Đây là hình ảnh và là câu chuyện tốt đẹp tiêu biểu nhất của ngành y tế năm 2018.
Tháng 2/2018, câu chuyện về thiếu tá Lê Hải Ninh hiến đa tạng cứu 6 người khiến đã khiến nhiều người xúc động. Anh Dương Hồng Quý (43 tuổi trú tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) là người đã viết tiếp câu chuyện nhân văn đó và ngày mai sẽ còn có những con người viết tiếp không có hồi kết.
Hiến tạng (hay còn được gọi là cấy ghép nội tạng) đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới. Nhưng đến năm 2002, khi bộ phim “Trái tim mùa thu” của đạo diễn nổi tiếng Yoon Seok – ho trình chiếu ở Việt Nam thì khán giả mới biết nhiều đến hiến tạng và văn hóa hiến tạng.
Bộ phim nói về câu chuyện tình đẹp nhưng thấm đẫm nước mắt giữa hai anh em Yun Joon Suh (Choi Woo Hyuk) và Eun Suh (Moon Geun-young) và sau này lớn lên do 2 diễn viên hàng đầu là Song Seung Hun và Song Hye Kyo đảm nhận. Nhân vận Eun Suh mắc bệnh hiểm nghèo và mong chờ được hiến tạng cứu sống nhưng vô vọng. Khán giả vì quá yêu nhân vật chính mà luôn đau đáu ước mong có người hiến tạng để cứu nhân vật của mình.
Quay trở lại câu chuyện đẹp như cổ tích của anh Quý. Tính đến chiều 26/12, anh Dương Hồng Quý - nam bệnh nhân chết não đã hiến 7 mô/tạng của mình cứu sống 6 bệnh nhân nặng khác. Lần đầu tiên ở Việt Nam, y học ghi nhận một trường hợp hiến tạng trọn vẹn về mọi nghĩa.
Anh Dương Hồng Quý (43 tuổi), phát hiện bị mắc bệnh dị dạng mạch máu não vào tháng 11/2018. Biết mình sẽ phải ra đi, anh đã gọi toàn thể gia đình tới để nói lên tâm nguyện được hiến toàn bộ nội tạng.
Khi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, được các bác sĩ tiên lượng không thể qua khỏi, vợ anh - chị Hoàng Thanh Phương - và cả gia đình đã cùng liên hệ để xin được hiến tạng của anh cho y học. Thời điểm đó, anh Quý đang nằm tại Bệnh viện Bạch Mai.
Quan điểm của người Việt Nam xưa nay còn rất lạ lẫm với văn hóa hiến tạng. Người ta cho rằng chết phải được “toàn thây”, nên những người có nguyện vọng hiến tạng muốn vượt qua quan điểm đó để thuyết phục người thân là rất khó khăn. Anh Quý cũng không ngoại lệ, tuy nhiên vợ anh và người thân đã tôn trọng và thực hiện di nguyện đó của anh.
Anh Dương Hồng Quý đã tặng lại tim, gan, hai phổi và hai thận cho 5 người bệnh nặng đang chờ đợi. Trong đó tim, gan, phổi, một thận được ghép tại Bệnh viện Việt Đức, một thận được chuyển cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng II (TP.HCM). Đây là người Việt Nam đầu tiên hiến 6 tạng giúp cứu sống 5 người bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Kim Tiến đưa ra 'kiềng ba chân' giải pháp cho ngành Y tế
11:16, 27/10/2018
“Phát súng lệnh” đặc biệt cho ngành Y
11:01, 26/06/2018
Thông điệp của Thủ tướng về ngành Y
21:51, 24/02/2018
Ngành Y lại phải xin “rút kinh nghiệm sâu sắc”?
05:09, 25/07/2017
Mối lo thường trực của ngành y?
09:24, 21/07/2017
Nếu những người được anh Quý hiến tạng cũng học theo anh, để lại di nguyện hiến tạng cứu những người khác khi không may qua đời thì anh Quý sẽ vẫn được tiếp nối cho người sau. Và cái chết của anh là “bất tử”. Anh đã tiếp lửa cho mầm sống được sinh sôi như ngọn lửa không bao giờ lụi tàn.
Trên thế giới chúng ta biết đến câu chuyện của nữ diễn viên Natasha Richardson sinh ra ở Marylebone, London, Anh. Cô đã gặp một tai nạn trượt tuyết năm 2009. Nữ diễn viên cũng đã có nguyện vọng được hiến tạng. Cô đã hiến tim, gan, và hai quả thận của mình cho những người khác. Natasha qua đời ở tuổi 46, nhưng sự sống trong cơ thể cô đã được truyền cho những người khác. Cái tên Natasha với những người được cô hiến tạng đã trở thành bất tử.
Tương tự như vậy nam ca sĩ, diễn viên người Bồ Đào Nha Angelico Vieira đã hiến tuyến tụy, gan và thận sau khi thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi vào năm 2011. Anh qua đời ở tuổi 29. Nhưng cái chết không hề vô nghĩa khi mang lại sự sống cho người khác.
Đặc biệt hơn cả là một câu chuyện tình về hiến tạng. Vào năm 2009, Chelsea Clair và Kyle Froelich đã gặp nhau tại một triển lãm ô tô. Lúc bấy giờ Chelsea 22 tuổi và Kyle 19 tuổi. Trước đó, Kyle đã trải qua một cuộc chiến dài để tìm người hiến thận phù hợp. Các bác sĩ thông báo không tìm ra tia hy vọng nào bởi không thể tìm được người hiến thận tương thích.
Kyle gần như đã sụp đổ và tuyệt vọng, nhưng giống như được định mệnh sắp đặt từ trước, Chelsea đã quyết định hiến thận cho Kyle vào ngày họ gặp nhau tại bang Indiana, Mỹ. Sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật thành công, hai người đã chăm sóc lẫn nhau tại bệnh viện và tình yêu cũng nảy mầm từ đó. Vào ngày 12/10/2013, đám cưới của họ diễn ra và họ chính thức về chung một nhà.
Vậy trên thế giới sẽ còn biết bao nhiêu câu chuyện tình đẹp như cổ tích thế này được viết lên bởi những tấm lòng vàng.
Hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp được nhiều người ủng hộ, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng giải trí thế giới như Aishwarya Rai Bachchan, Priyanka Chopra, Natasha Richardson…
Câu chuyện của anh Quý đẹp như những tiếng chuông ngân trong mùa giáng sinh năm 2018. Tuy anh đã lìa xa cõi tạm nhưng anh đã để lại mầm sống cho 6 bệnh nhân khác. Biết đâu trong những người nhờ anh mà hồi sinh sẽ có người mai này có ích cho tổ quốc.
Hy vọng sau anh Ninh, anh Quý, nghĩa cử cao đẹp này sẽ được lan tỏa rộng trong xã hội để thông điệp “cho đi là còn mãi mãi” có thể chạm đến trái tim của tất cả mỗi chúng ta.