Vụ 152 du khách bỏ trốn tại Đài Loan: Đừng làm xấu hình ảnh Việt Nam!
Có lẽ chưa khi nào, chưa bao giờ cụm từ “nhục quốc thể” được nhắc đi nhắc lại nhiều trên mạng xã hội như thời gian gần đây.
Mới đây, 152 trên tổng số 153 du khách Việt Nam sang thăm Đài Loan theo tour đã tự nhiên biến mất một cách hết sức bí ẩn, gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông và cảnh sát xứ bạn phải vào cuộc để truy tìm.
Vụ vi phạm lần này quả thật giống như “giọt nước tràn ly”, rất có thể vụ việc sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam và chính sách visa của Đài Loan đối với công dân Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Thấy gì từ bức thư xin lỗi du khách Úc của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch?
13:00, 29/05/2018
Du khách Úc cảnh báo du lịch Việt
03:38, 25/05/2018
"Lộ diện" người dùng tiền âm phủ trả lại cho 2 du khách Tây
18:14, 21/07/2018
Vụ du khách Tây bị trả tiền âm phủ: Khách Tây Ban Nha nói gì?
08:35, 21/07/2018
Vụ du khách Tây bị trả tiền âm phủ: Người lái xích lô khẳng định mình trong sạch
14:40, 18/07/2018
Vụ du khách Tây bị trả tiền Âm phủ khi đi xích lô: Sở Du lịch Hà Nội nói gì?
11:23, 18/07/2018
Nhân sự việc này, cơ quan quản lý du lịch Đài Loan đã có một con số thống kê: Kể từ khi áp dụng chính sách visa Quan Hoành vào tháng 11/2015, lượng du khách tới vùng lãnh thổ này không ngừng tăng lên, đạt khoảng 225.702 người nhưng số người bỏ trốn cũng tăng cao - 414 người trong vòng 3 năm, trong đó, 409 người đến từ Việt Nam.
Thực tế, việc người Việt lợi dụng đi du lịch rồi bỏ trốn tại Đài Loan không phải bây giờ mới xảy ra. Vào tháng 4/2017, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá một đường dây đưa người Việt xuất cảnh trái phép sang Đài Loan do Triệu Hồng Quân (28 tuổi, trú tại khu 7, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) điều hành.
Đáng chú ý, đường dây này có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước, thực hiện việc giao dịch bằng điện thoại và mạng xã hội, thu hút được số đối tượng là người Việt Nam từng sang Đài Loan lao động, đã bị trục xuất trở về nước. Theo thỏa thuận, đối tượng người Đài Loan sẽ thu 5000 USD/người, còn ở Việt Nam, Quân thu của các “du khách Việt” bao nhiêu thì tùy ý.
Nhìn rộng ra, không chỉ Đài Loan, rất đông người Việt vẫn đang tìm cách du lịch Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Israel,… để bỏ trốn và ở lại làm việc trái phép – một phần thông qua sự tiếp tay của các đường dây môi giới có móc nối hoặc nhận được sự bảo kê từ những cơ quan chức năng hoặc quan chức, lãnh đạo cao cấp. Bởi, nếu không có ô dù hậu thuẫn thì ai có thể làm được những công việc giống như buôn người thế này?
Đã có nhiều người đặt vấn đề: Trách nhiệm của Tổng cục Du lịch cũng như Chính quyền TP Hồ Chí Minh, Công ty du lịch… trong vụ việc đến đâu? Cá nhân người viết đồng ý với Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi ông nói rằng: “Đây không phải là lúc đổ lỗi. Chỉ khi phát hiện một cơ quan nào đó sai phạm trong vụ việc này như có dấu hiệu, hành vi dung túng, bao che, đưa người dân đi ra nước ngoài bất hợp, nghĩa là có chứng cớ thì mới xử lý được. Còn trong vụ việc này thì rất khó quy trách nhiệm cho đơn vị nào đó, vì tất cả còn chưa rõ ràng”.
Vẫn biết, chuyện xảy ra lần này có tính chất nghiêm trọng, nhưng nếu mọi người đều gọi đó là nỗi “nhục quốc thể” thì xem ra hơi nặng nề. “Đây là một điều rất là đáng buồn vì đã làm xấu đi hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Và, cũng có thể nói là việc 152 du khách lợi dụng du lịch để bỏ trốn là làm nhục quốc thể” - Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nhận xét.
Khái niệm “quốc thể” thực ra rất trừu tượng, nhưng có thể tạm hiểu là “thể diện quốc gia”. Bỏ qua những định nghĩa và kiến giải quá cao siêu hay mang nặng tính hàn lâm, muốn biết “thể diện” của một quốc gia ở đâu thì hãy cứ nhìn vào cách ứng xử hay hành vi của người dân nước đó mỗi khi đi ra ngoài. Và xét trên khía cạnh này thì không thể nói, rằng chúng ta có thể hoàn toàn tự hào về dân tộc mình.
Và “nhục quốc thể” đối lập với cảm giác tự hào, hạnh phúc với đất nước, dân tộc. “Nhục quốc thể” là thứ chung chung, nhưng nếu ai cũng gào lên “nhục quốc thể” chẳng khác gì một cuộc “lên đồng tập thể”. Xã hội cứ rên xiết như vậy có làm cho đất nước thay đổi được không? Khi mà quê hương, đất nước đâu có dễ thay đổi.
Có thể nói, trên bản đồ văn hóa, thành tích về mặt đóng góp cho nhân loại của nước ta còn khiêm tốn. So với văn minh nhân loại, với các nước tiên tiến, Việt Nam còn khoảng cách khá xa. Vì thế, việc người Việt đi ra nước ngoài có những lỗi lầm là điều không tránh khỏi. Xã hội nên tìm cách để giúp họ, thay vì nhảy bổ vào chửi rủa và gọi đó là nỗi “nhục quốc thể”.
Điều này cũng có nghĩa, mỗi công dân nên làm tròn bổn phận của mình: Giáo viên thì dạy cho tốt, bác sĩ tập trung cứu chữa người bệnh, công chức đừng ăn cắp giờ, cán bộ đừng tham nhũng… Đấy mới là tinh thần yêu nước và không làm “nhục quốc thể”.