Bản chất của Grab là gì?
Đó là câu hỏi cần trả lời rốt ráo bởi phiên xét xử vụ Vinasun kiện Grab Việt Nam không đơn thuần là kiện tụng giữa doanh nghiệp mà còn đại diện cho việc luật pháp Việt Nam ứng xử ra sao với... 4.0.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã khuyến khích các mô hình như Grab bằng cách vận động các đơn vị taxi truyền thống nắm bắt, tận dụng công nghệ và đổi mới để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý kéo dài thời hạn thí điểm điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Có thể bạn quan tâm
Vụ kiện Vinasun – Grab: Hồi kết và những vấn đề… “chưa thể kết”!
12:34, 29/12/2018
"Tân binh Be" nói gì về phán quyết buộc Grab bồi thường gần 5 tỷ đồng cho Vinasun?
06:16, 29/12/2018
Vụ kiện Vinasun – Grab: Tòa tuyên án Vinasun thắng cuộc!
13:05, 28/12/2018
Những tưởng, giới startup công nghệ hẳn phải rất buồn vì Grab chính thức bại trận trước Vinasun trên mặt trận pháp lý. Vì biết đâu được, có lúc họ sẽ phải vướng vào trường hợp nhức đầu như Grab vì sự chống trả của xu thế lỗi thời. Tuy nhiên, mới đây, startup "Be" lại cho rằng họ chính là dịch vụ vận tải và vì thế quyết định của Hội đồng xét xử là... đúng luật. Ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Be cho rằng: Tất cả chuỗi công nghệ khoa học, gọi tắt là 4.0, chỉ giúp tối ưu hoá công việc, giúp ngành vận tải làm tốt hơn, tiết kiệm chi phí, đem lại giá trị tốt hơn cho đồng tiền người tiêu dùng. Ai đó nói rằng gọi loại hình dịch vụ này là công ty vận tải sẽ đi ngược công nghiệp 4.0 là sai hoàn toàn. “Chính chúng tôi là người đi tiên phong đưa công nghệ 4.0 vì chuỗi dịch vụ. Ứng dụng 4.0 nhưng không hề thay đổi bản chất là việc chúng tôi vận chuyển khách từ điểm A đến điểm B” - ông Hải cho biết.
Như vậy, điểm mấu chốt ở đây là chúng ta xác định Grab là cái gì? Nếu Grab thực sự là một đơn vị kinh doanh vận tải dựa trên nền tảng công nghệ, thì nó phải chịu các quy định, mức thuế tương đương các hãng taxi truyền thống.
Lý do mà Vinasun kiện, thực chất chính là nằm ở câu hỏi trên. Vì Grab chưa được tính là Cty kinh doanh vận tải, nên vẫn được hỗ trợ rất nhiều về mặt thuế như một Cty công nghệ. Từ những ưu đãi về mặt thuế đó, Grab đã đưa ra những chương trình khuyến mãi kéo dài để cạnh tranh, gây mất công bằng cho các hãng taxi truyền thống. Ngoài ra, theo luật, các doanh nghiệp muốn làm khuyến mãi giảm giá đều phải đăng kí lên Bộ Công Thương, mỗi năm không quá 90 ngày (Trích dẫn Điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP) mà nhiều khả năng Grab khuyến mãi quá 90 ngày.
Có thể hiểu đơn giản, việc xác định sai tính chất Cty Grab sẽ dẫn đến 1 số tác động xấu: Thất thu thuế nhà nước; Người lao động bị mất quyền lợi (Không được đóng bảo hiểm); Các doanh nghiệp khác bị mất công bằng chính sách...
Đó là căn cứ để Vinasun khởi kiện Grab, chứ không đơn giản là "tôi bị thiệt hại nên tôi kiện".
Chính vì vậy, để giải quyết các mối xung đột trong lâu dài. Nhà nước nên có quy chế riêng để quản lý những loại hình doanh nghiệp đặc thù như Grab, tránh sai phạm nhưng cũng đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Không ai muốn dung túng cho những điều xằng bậy, nhưng với Grab nói riêng và lĩnh vực kinh tế công nghệ nói chung cần phải có cái nhìn hiện đại hơn. Chúng ta không thể buộc một xu hướng toàn cầu phải mặc vừa “đôi giày” do chúng ta đóng sẵn.
Vinasun thua Grab vì công nghệ, còn Grab cúi đầu trước tòa vì điều gì - Đó là câu trả lời mà các nhà làm chính sách phải chứng minh và trả lời một cách rốt ráo.