Cải cách giáo dục 2018: Thất bại với những đề án đổi mới, cải cách

Sông Hàn 30/12/2018 05:00

Dù không phủ nhận nỗ lực trong cải cách, đổi mới, nhưng không hiểu sao “gam màu xám” vẫn phủ bao trùm lên bức tranh toàn cảnh của ngành giáo dục trong năm 2018?

Năm 2018 đang khép lại với sự thành công, tươi sáng về lĩnh vực kinh tế, cùng với niềm tin đang trở lại với nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, đó lại là nỗi buồn của ngành giáo dục nói riêng, dù cho quan điểm của Đảng, Nhà nước vẫn là “coi giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Với quan điểm đó, nên tỷ lệ ngân sách cho giáo dục hàng năm ở mức xấp xỉ 20% từ nhiều năm nay. Theo đó, chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo giai đoạn 2013 – 2017 liên tục tăng. Năm 2017, tổng quyết toán chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục là 248.118 tỷ đồng. Chưa hết, trung bình mỗi năm, xã hội hóa giáo dục đào tạo cũng đóng góp thêm khoảng 4.700 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, việc vận hành tài chính cho giáo dục còn nhiều bất cập, không khả thi. Đáng chú ý, Bộ Giáo dục với những cái gọi là đổi mới về sách giáo khoa, thi trung học phổ thông (THPT), đề án nâng cao chất lượng học ngoại ngữ,… đã liên tiếp ngốn hàng đống ngân sách mà không thu lại được kết quả gì. Ngược lại, nó gây lên khá nhiều sự bức xúc trong dư luận.

Ảnh minh họa (Nguồn: dantri.com.vn)

Ảnh minh họa (Nguồn: dantri.com.vn)

Đổi mới sách giáo khoa liên tục gây lãng phí lớn

Dẫn lời phát biểu của một vị Đại biểu Quốc hội: “Riêng năm học 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra 100 triệu bản sách giáo khoa và sang năm hoàn toàn không còn sử dụng được, chỉ có thể bán giấy vụn. Trung bình mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa. Việc sử dụng một lần chỉ do viết bài tập vào sách mà không phải lý do gì khác”.

Không một quốc gia nào trên thế giới có việc sử dụng sách giáo khoa lãng phí như nước ta. Mỗi năm một bộ sách khác nhau, năm sau “cắt gọt, chỉnh sửa, tách, nhập” để cho ra đời một quyển sách mới, bắt buộc cha, mẹ các em học sinh phải bỏ cả đống tiền để mua sách giáo khoa.

Thêm vào đó, thông tin GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới trước nói trước 1.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại Đà Nẵng ngày 8/9/2018 vừa qua là “chương trình mới sau khi ban hành xong thì sẽ luôn được sửa đổi, cập nhật như thế có nghĩa là sách giáo khoa cũng sẽ cũng sửa đổi, cập nhật liên tục”. Như vậy, hy vọng về việc hạn chế lãng phí trong việc sử dụng sách giáo khoa khi thực hiện chương trình mới sẽ chỉ là ảo tưởng?!

Bên cạnh đó, vụ “sách vuông vuông, tròn tròn” của GS Hồ Ngọc Đại hay Chương trình cải tiến Tiếng Việt của PGS Bùi Hiền, cũng phần nào cho thấy chỉ chuyện sử dụng sách giáo khoa đã tranh cãi phức tạp.

Trong thời đại cách mạng công nghiêp 4.0, sách giáo khoa điện tử vừa là giải pháp hay vừa tiệm cận nền giáo dục hiện đại của thế giới. Đây là giải pháp tốt cần phải được nghiên cứu, đánh giá và thực hiện ngay, không thể chậm trễ.

Có thể bạn quan tâm

  • Giáo dục 2018 – Những vết thương trên cây người

    12:00, 28/12/2018

  • Luật Giáo dục đại học: Chủ tịch hội đồng trường không cần là tiến sĩ

    21:30, 11/12/2018

  • Một “rào cản” để thực hiện đổi mới giáo dục?!

    05:38, 10/12/2018

  • Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non: Muôn nẻo khó!

    15:20, 08/12/2018

  • Vụ cô giáo ra lệnh tát học trò 231 cái: "Cao trào" của phản giáo dục!

    06:00, 27/11/2018

  • Vấn đề “cỏn con” của ngành giáo dục!

    05:00, 20/11/2018

  • Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?

    13:04, 15/11/2018

“Rối như tơ vò” với đổi mới thi cử

Tốt nghiệp phổ thông, trở thành sinh viên đại học là một trong những mốc quan trọng trong cuộc đời học tập của mỗi người. Ý thức được tính chất bước ngoặt quan trọng, rất nhiều nhà chuyên môn và đông đảo người quan tâm đã lên tiếng về kỳ thi THPT quốc gia, nhất là kỳ thi năm 2018 những bất cập của nó. Quốc hội cũng quyết định lùi thông qua Luật Giáo dục để cân nhắc và xin ý kiến nhân dân, chuyên gia.

Kỳ thi “2 trong 1” được triển khai mấy năm qua, bên cạnh “điểm sáng”, thì nó còn tồn tại một “khoảng tối” cần nhìn nhận nghiêm túc, đó là tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao. Không có năm nào như năm nay, thi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của mỗi tỉnh chung của cả nước đạt gần 99%. 

Nên, một vấn đề được đặt ra là: Nếu thi đạt gần như 100% như vậy thì không nên tổ chức thi tuyển để cấp bằng TPHT nữa mà xét tuyển từ lớp 10, 11, 12, để cấp bằng THPT? Còn việc thi tuyển vào đại học thì phải thi như trước đó. Các em thấy mình học giỏi, học khá đảm bảo thi vào đại học được thì thi. Còn các em thấy không thi được thì phân luồng để cho các em học nghề. Như thế sẽ đỡ tốn tiền của và thời gian của cả xã hội.

Cũng liên quan đến vấn đề thi cử, Chương trình giáo dục phổ thông Bộ đang xây dựng có khác biệt so với chương trình cũ ở nhiều phương diện, tích hợp nhiều ở cấp dưới và phân luồng cao, có tính hướng nghiệp từ lớp 10. Như vậy, kho câu hỏi mà Bộ gọi là ngân hàng hiện nay sẽ không còn phù hợp với chương trình mới.

Nghĩa là, để phục vụ cho vài kỳ thi THPT quốc gia từ nay đến sau năm 2021, Bộ Giáo dục nên tận dụng những câu hỏi chưa sử dụng hoặc biên tập lại những câu đã sử dụng, nhưng có chất lượng tốt, tận dụng phần mềm cũ… chứ không nên loay hoay vẽ ra những thứ mới để rồi hai ba năm nữa lại bỏ đi, rất lãng phí.

Đề án nâng cao chất lượng ngoại ngữ thất bại

Phải nói rằng, việc phổ cập tiếng Anh để nó trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam không chỉ giúp tiếp cận tri thức thời đại nhanh chóng, mà còn thúc đẩy được sự thịnh vượng về kinh tế là cần thiết và phù hợp với xu thế hội nhập. Tiếc thay, đích thân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đến năm 2020, nước ta chưa thể thực hiện các mục tiêu đặt ra trong đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Nói đúng hơn là đề án này đã thất bại.

Dẫu vậy, có lẽ đề án này phải được “hâm nóng” lại khi tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam, khi đề xuất này nhận được nhiều sự tán đồng từ dư luận, giới chuyên gia, nhà khoa học.

Tóm lại, chúng ta không hề phủ nhận nỗ lực trong cải cách, đổi mới, nhưng không hiểu sao “gam màu xám” vẫn phủ bao trùm lên bức tranh toàn cảnh của ngành giáo dục trong năm 2018?! Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng đã đến lúc những người có trách nhiệm cần phải biết chịu trách nhiệm với những đổi mới, cải cách của mình.

Sông Hàn