Từ vụ việc "khó nói" ở An Giang lại nhớ về… Tây Du Ký

Trương Khắc Trà 15/01/2019 05:00

Sẽ quá đao to búa lớn nếu vịn vào Tây Du Ký để nói về một vụ việc rất... khó nói ở An Giang: Con trai một vị lãnh đạo to nhất nhì tỉnh vướng vào tệ nạn.

Đây không phải là một lạm bàn về điện ảnh hay một cái nhìn nào đó về tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân. Nhưng tác phẩm Tây Du Ký trở thành “tứ tuyệt giai phẩm” ở Trung Quốc và làm say đắm nhiều thế hệ người Việt là bởi nó mang đến cho người đọc/người xem quá nhiều cung bậc.

Là trẻ con, xem Tây Du Ký vì yêu mến Tôn Ngộ Không, hài hước bởi Trư Bát Giới, mộ điệu Đường Tăng vì tính thiện, sảng khoái với những màn đấu võ mà tất cả lũ trẻ đều là “cổ động viên” trung thành của Tề thiên láu lỉnh thông minh.

Lớn hơn một chút vẫn thích Tây Du Ký vì mạch phim nhẹ nhàng, thi thoảng có tính kịch, tính giải trí cao đủ sức giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc, hơn nữa xem Tây Du Ký như là một hồi ức về tuổi thơ dữ dội.

Người trưởng thành và lớp tri thức xem Tây Du Ký để chiêm nghiệm cuộc đời, để biết được, mất, thành, bại; để thấu đạt chân lý nhân sinh; để tìm thấy bản thân mình trong những nghịch cảnh mà Ngô tiên sinh đã gửi gắm triết lý Phật giáo một cách toàn diện.

Tây Du Ký là một tác phẩm rất đời

Tây Du Ký là một tác phẩm rất đời

Đối tượng xem Tây Du Ký để chiêm nghiệm chính là bộ phận khán giả nâng tầm tác phẩm này, để nó sống mãi trong lòng công chúng và luôn luôn có giá trị khi ứng xử với thời cuộc.

Có thể bạn quan tâm

  • KTS Shigeru Ban đến Việt Nam diễn thuyết về “Kiến Trúc & Hoạt động vị nhân sinh”

    KTS Shigeru Ban đến Việt Nam diễn thuyết về “Kiến Trúc & Hoạt động vị nhân sinh”

    11:13, 04/12/2017

  • Khởi nghiệp ngành kiến trúc: Hành động vì kiến trúc vị nhân sinh

    Khởi nghiệp ngành kiến trúc: Hành động vì kiến trúc vị nhân sinh

    04:39, 10/12/2017

Thế lực yêu quái trong Tây Du Ký có rất nhiều, ngoài phường thảo khấu còn có một bộ phận rất lớn mà người đời thường rút gọn là “con ông cháu cha” - là vật nuôi, thú cưng của các lộ Thần tiên có xuất xứ bề thế.

Có thể kể ra như Ngưu Ma Vương từng là Bình Thiên đại thánh; Bằng Ma Vương là Hỗn Thiên đại thánh; Hắc Hùng tinh được Bồ tát thu phục làm đệ tử; Thanh Sư Vương vật cưỡi của Văn Thù Bồ tát; Bạch Tượng vương vật cưỡi của Phổ Hiền Bồ tát…

Do ăn chơi lêu lổng, chưa dứt khỏi tham, sân, si, hoặc… mất kiểm soát mà lọt xuống hạ giới gây hại cho thầy trò Đường Tăng. Cũng là ngụ ý cái thiện luôn có nguy cơ bị xâm chiếm bởi cái ác.

Phải chăng, Ngô Thừa Ân hoàn toàn ngẫu nhiên khi “cơ cấu” hệ thống yêu quái đều xuất phát từ dòng dõi có chức sắc?

Sẽ quá đao to búa lớn nếu vịn vào Tây Du Ký để nói về một vụ việc rất khó nói ở An Giang, con trai một vị lãnh đạo to nhất nhì tỉnh vướng vào tệ nạn cờ bạc, ma túy.

“Đây là chuyện khổ tâm của gia đình tôi. Việc này tôi cũng đã báo tổ chức cấp trên, cơ quan công an. Tôi không giấu giếm gì hết. Cũng vì con mà tôi khổ hết biết. Mỗi năm bảng tự phê bình tôi cũng báo rõ” - vị lãnh đạo cho hay [Vietnamnet, ngày 14/1/2019].

Tiền tài vật chất có làm con người ta tha hóa hay không? Không khó để chiêm nghiệm nó trong đời sống trần tục. Cớ sao một Trư Bát Giới phàm ăn tục uống nhưng lời lẽ anh ta như “khuôn vàng thước ngọc” với Đường Tăng - bậc anh kiệt xuất thế?

Người xem có lẽ tức anh ách vì không ít lần đại cục đổ vỡ do Trư “tham mưu” nông cạn, nhưng đó là cái tứ sâu sắc của Ngô Thừa Ân - Thiên bồng nguyên soái là đại diện của lòng tham, lòng tham chính là kẻ dẫn lối đưa đường đến u mê lầm lạc.

Tôn Ngộ Không vào sinh ra tử lại thông minh tài ba nhưng luôn bị sư phụ nghi ngờ, không ít lần thân bại danh liệt. Phần “con” của Tôn đại thánh phải bị kiềm lại bởi phần “người” của Đường sư phụ.

Ai mới đủ sức gây rối ren cho xã hội? Có phải dân đen không tấc sắt? Sự ảnh hưởng luôn đi kèm với “thế” và “lực”. Nó có thể biểu hiện bằng tiền bạc hoặc “dựa hơi” người khác.

Logic thông thường này cho phép nghĩ rằng, những vụ đánh bạc tang vật thu được là cả đống tiền đúng nghĩa đen chỉ được tạo ra bởi những con người có thế lực, đủ sức che khuất ánh sáng công lý.

Những vụ tham nhũng đình đám cũng không xuất phát từ những người ít quyền lực, mọi rắc rối lớn nhất phải đến từ thế lực mạnh nhất, nơi có tham, sân, si khủng khiếp nhất…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Chống tham nhũng khó vì tự ta đánh ta” [Vietnamnet 17/10/2016]. Cũng như vậy, Ngộ Không dù 72 phép màu mà không ít lần liểng xiểng, vì yêu quái xuất xứ danh gia vọng tộc.

Nhưng, cuối cùng chạy trời không thoát nắng, là chân lý muôn đời, mà trong Tây Du Ký - hồi kết cho mỗi kiếp nạn thì yêu quái bị tiêu diệt, thu phục và đền tội.

Những năm 60 của thế kỷ trước, một thí nghiệm trên loài chuột gây tranh cãi trong giới khoa học cho đến nay. Vài cặp chuột được nuôi trong môi trường lý tưởng, chúng không phải làm gì ngoài ăn uống sung sướng và sinh đẻ.

Thoạt đầu tăng đàn rất nhanh, nhưng về sau bắt đầu “tha hóa hành vi”, chúng trở nên “chán nản”, mất động lực và giết thịt lẫn nhau, không sinh sản, mất tập tính bầy đàn và cuối cùng tuyệt diệt còn lại rất ít.

Thí nghiệm này cho thấy điều gì? Ngày nay, chẳng phải chúng ta cũng đang chứng kiến sự “tha hóa hành vi” ở con người? Hay rõ hơn là sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Trong xã hội có những người sẵn sàng chạy theo trào lưu nọ, mốt kia mà không cần suy nghĩ. Nhiều người vẫn đang mặc sức đấu đá, chém giết, bức hại đồng loại… vì mưu cầu cá nhân!

Về Tây Du Ký và đời thường có cả kho tàng triết lý để nói đến, càng thấm triết lý Ngô Thừa Ân càng thấy nó đúng với mọi hoàn cảnh.

Trương Khắc Trà