Mạnh tay xử lý tài xế sử dụng chất kích thích
Cảnh sát giao thông TP HCM đã bắt đầu chiến dịch tăng cường kiểm tra tài xế sử dụng chất kích thích bằng cách lập các chốt chặn trên một số tuyến quốc lộ.
Sơ bộ có 491 trường hợp tài xế bị dừng xe kiểm tra và có đến 85 trường hợp, tức là gần 20% số lượng tài xế bị kiểm tra, có nồng độ cồn vượt quá mức qui định.
Đợt ra quân này có thể phần nhiều do tác động từ vụ việc xe container tông vào hơn 20 xe máy đang dừng đèn đỏ khiến nhiều người chết ở ngã tư Bến Lức, Long An gây chấn động hồi đầu tháng. Kết quả điều tra cho thấy tài xế container vừa dương tính với ma túy, vừa sử dụng rượu bia trước khi lái xe khiến dư luận hết sức bất bình và cơ quan công an đã phải vào cuộc.
Nhưng thực ra, vụ xe container chỉ gây chấn động vì mức độ thương vong thảm khốc, còn hành vi uống bia và sử dụng chất kích thích của tài xế, người dân chẳng lạ lẫm gì. Chuyện tài xế điều khiển xe sau khi sử dụng chất kích thích vẫn là chuyện thường thấy hàng ngày. Danh sách tai nạn giao thông do tài xế say xỉn hay phê thuốc gây ra cũng dài hơn, trầm trọng hơn mỗi ngày, chẳng còn ai phải ngạc nhiên.
Trong ngày 16/1/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương giải quyết các nội dung phản ánh trên các báo nêu trên; đề xuất biện pháp xử lý, trình Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Qui định xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển xe khi đã uống rượu, bia, chất kích thích đã có hiệu lực từ lâu, nhưng ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng sinh mệnh của chính mình và của người khác, không lái xe sau khi uống bia rượu trên thực tế vẫn còn rất kém. Cứ quan sát một buổi tiệc hay một quán nhậu sẽ dễ dàng thấy, sau chầu nhậu ép uổng nhau tới bến, người ta vẫn thoải mái lên xe cầm lái, lướt vi vu trên đường. Con số 85 trường hợp vi phạm khi bị kiểm tra bất ngờ trên kia cũng là một minh chứng thực tế rất rõ nét. Trên vài đoạn đường, đã có đến 85 kẻ không tỉnh táo lái xe, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra?
Thế nên, khi tốc độ tiến của ý thức quá chậm, thì những biện pháp cứng rắn là hết sức cần thiết để người dân bớt cảnh chết oan, thương tật oan uổng. Thế nên, đợt ra quân kiểm tra tài xế trên đường này của TP HCM được người dân hết sức ủng hộ. Hi vọng thành phố có thể thực hiện chiến dịch này thật bền bỉ, lâu dài, và đặc biệt là hiệu quả.
Trước đây đã từng có vài đợt công an đứng gần các quán nhậu ‘mai phục’ bợm nhậu lái xe, nhưng bị một số chủ quán phản đối nên biện pháp này chững lại. Số lượng quán nhậu cũng nhiều vô kể nên công an không thể bắt xuể. Mong lần này thành phố làm mạnh tay hơn. Không thể chỉ vì vài chủ quán nhậu phản đối mà chùn lại, cũng không thể chỉ vì số lượng quá nhiều không bắt xuể mà buông lơ. Hành động ‘mai phục’ gần các quán nhậu là việc cần làm, hoàn toàn chính đáng, không có gì phản cảm hết.
Hơn thế nữa những người chịu trách nhiệm thực thi pháp luật còn cần di chuyển liên tục giữa các tụ điểm đám cưới, nhà hàng để tích cực kiểm tra khách đi ra từ đó. Việc thực thi cần nghiêm minh, không né tránh hay có ‘ưu đãi’ với bất kì nhà hàng nào, cũng không nể nang dù là đám cưới, ma chay giỗ chạp hay loại tiệc nào. Đồng thời cần thường xuyên ‘mai phục’ kiểm tra nồng độ chất kích thích của các lái xe đường dài đầu các tuyến quốc lộ.
Có thể bạn quan tâm
Trạm BOT An Sương phải xả trạm do tài xế tập trung phản đối thu phí
06:00, 04/12/2018
Đà Nẵng: Tài xế taxi đình công phản đối Grab
14:55, 04/11/2018
Rà phanh liên tục khi đổ đèo - sai lầm chết người của tài xế
16:48, 23/10/2018
TP. HCM: Tài xế xe buýt ngưng hoạt động vì bị nợ tiền trợ giá
17:19, 12/07/2018
Ban đầu, công tác xử lý sẽ cần nhiều nhân lực, vì vậy có thể cho phép lực lượng trật tự phường cũng được quyền tham gia kiểm tra nồng độ cồn của tài xế, để có thể ‘bao phủ’ ở đủ mọi ngóc ngách, khiến người dân cảm thấy đi chỗ nào cũng không thể ‘né’ được, chắc chắn sẽ bị xử phạt và chỉ còn cách là không lái xe sau khi uống bia rượu, từ đó mới hình thành nên thói quen sắp xếp phương tiện để không cầm lái sau khi nhậu.
Danh sách tài xế nghi từng sử dụng chất kích thích cũng được gửi cho phường để theo dõi và kiểm tra khi cần thiết. Tất nhiên, việc này ban đầu có thể có chút bất tiện vì nhiều người sẽ bị yêu cầu kiểm tra ‘oan’, mất thời gian, nhưng chút bất tiện ban đầu ấy không là gì so với bao hậu quả xấu do lái xe sau khi sử dụng bia rượu và chất kích thích gây ra.
Hình thức phạt cũng cần nghiêm ngặt hơn, không chỉ phạt tiền và xem xét thu bằng như hiện tại, mà cần tăng mức phạt, đồng thời ngay lập tức tạm thu phương tiện lưu thông và người vi phạm phải trả mọi chi phí liên quan đến vận chuyển phương tiện về bãi, phí trông giữ xe ở bãi. Thậm chí, cần xem xét xử lý hình sự đối với người tái phạm như ở một số nước khác, cho dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Tiền phạt thu được có thể trích một phần làm kinh phí thực hiện, để có thể duy trì hoạt động chốt chặn, kiểm tra này thường xuyên và lâu dài.
Nhìn ra thế giới, lái xe sau khi sử dụng bia rượu, chất kích thích ở đâu cũng bị coi là hành vi đáng lên án và bị phạt rất nặng. Đặc biệt, càng ở những quốc gia có chế tài hà khắc đối vi hành vi lái xe sử dụng chất kích thích như Singapore hay Nhật Bản, tỉ lệ lái xe phê thuốc, say xỉn gây tai nạn của họ càng thấp. Ngay cả với những quốc gia tiêu thụ nhiều bia rượu như Đức, Scotland, luật xử phạt lái xe sử dụng chất kích thích cũng rất nghiêm minh và người dân chấp hành rất tốt.
Một Việt Nam cũng mạnh tay với hành vi điều khiển phương tiện khi sử dụng bia rượu, chất kích thích rõ ràng là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.