Thô thiển với “cung - cầu”

Trương Khắc Trà 24/01/2019 11:15

Nhiều vườn đào bị chặt phá ở Từ Sơn - Bắc Ninh và người trồng bưởi Diễn khổ tâm ăn ngủ tại vườn chống trộm... đó là thực trạng đau buồn - không phải là chuyện nhỏ!

Chiều muộn ngày cuối cùng năm 2018, dọc con đường lớn nhất thành phố Đông Hà (Quảng Trị) xảy ra một điều kỳ lạ. Hàng loạt chủ vựa cây cảnh hô hào nhau đập phá tan nát hết tất cả số hoa và cây cảnh còn lại.

Trước phiên chợ hoa xuân chỉ còn đếm ngược, những người chủ ấy không muốn hạ bất cứ giá nào, họ muốn trả thù khách hàng vì cứ lởn vởn qua lại chỉ để chờ thời điểm quyết định: chịu bán lỗ hoặc mất công chở về nhà.

Những người bán không chọn một trong hai phương án đó, họ đập phá - để bõ tức và dằn mặt khách hàng.

Tôi không kêu gọi ai đó phải rủ lòng thương trong kinh tế thị trường và tuyệt nhiên trong thương trường không có chỗ cho lòng thương hại có thể tồn tại.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Vinasun lại khởi kiện Grab về hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

    Vì sao Vinasun lại khởi kiện Grab về hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

    06:12, 03/02/2018

  • Grab, Uber tiếp tục bị

    Grab, Uber tiếp tục bị "tố" cạnh tranh không lành mạnh

    05:20, 29/06/2017

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát, con tàu Mỹ chở 90 ngàn tấn đậu tương không kịp đến Trung Quốc, chủ tàu đổ xuống biển.

Khủng hoảng thừa kinh tế thế giới (giai đoạn 1929 - 1933) nhiều công ty tư bản tiêu hủy hàng triệu tấn lương thực trong khi dân chúng đói meo vì thiếu thốn.

Đó là cách xử lý khủng hoảng không đến nỗi tồi tàn nếu bạn đứng trong guồng quay của kinh tế thị trường? Nhưng đó là sự ngụy biện.

Triệt tiêu nguồn cung để kích cầu luôn là cách làm thô thiển, nói cách khác, người làm kinh tế phải biết nương theo cung cầu để quyết định mình phải sản xuất hàng hóa gì, cung cấp cho khách hàng cái gì họ cần. Đó mới là cách làm đúng.

Hàng trăm gốc đào bị chặt phá bởi một ai đó khiến nhiều chủ vườn ở Từ Sơn - Bắc Ninh điêu đứng khi cái tết cận kề. Công sức, vốn liếng coi như tan tành mây khói, họ có thể bị bần cùng sau tai vạ tồi tệ này.

Hàng trăm gốc đào bị phá hoại

Hàng trăm gốc đào bị phá hoại

Ai đã chặt phá đào? Vì sao lại làm thế? Không quá khó hiểu vấn đề khi mà những người cùng trồng đào bán tết ai cũng muốn đối thủ cạnh tranh, hàng xóm bị triệt tiêu.

Hoa đào tết là một thứ đặc sản tinh thần bổ dưỡng với những người biết thưởng cảnh. Nhưng hàng chục năm nay quy cách kinh doanh hoa đào vẫn thế, chỉ có điều số lượng nhà vườn cứ tăng lên làm “chật chội” thị trường, miếng bánh ngày càng bị chia nhỏ, sự bức bối cũng từ đây mà ra.

Từ cuộc cạnh tranh ác liệt này làm xuất hiện một bài toán kinh tế: Nhà nhà trồng đào, người người bán đào, luẩn quẩn trong mười mấy giáp tết Nguyên đán. Vấn đề ở chỗ, tại sao người ta không phát triển nó theo chiều dọc?

Tức là tạo ra một chuỗi ngành xung quanh hoa đào thay vì cứ nhân lên gấp bội nguồn cung y hệt nhau.

Xung quanh một trạm xăng dầu ăn nên làm ra không phải là làm cho nó mọc lên nhiều trạm xăng dầu như thế - sẽ kéo nhau xuống hố.

Tại sao không làm xuất hiện thêm anh vá xe, ông xe ôm, bà bán thuốc lá… ngay bên cạnh? Để khách hàng có thể chọn dừng lại mua xăng, bơm lốp xe và hút một điếu thuốc trước khi đi tiếp.

Vườn bưởi Diễn phải canh chừng chống trộm dịp cận tết

Vườn bưởi Diễn phải canh chừng chống trộm dịp cận tết

Mấy trăm gốc đào bị phá hủy có vẻ xa xôi với mọi chính sách kinh tế, nhưng đó là kết quả của một quá trình thui chột của tư duy thị trường theo chuỗi bổ trợ nhau. Bản thân người nông dân không tự mình có thể làm được điều đó.

Ở mức độ lớn hơn, nông sản trượt giá như mấy năm trước mới thấy rõ cung cách làm ăn “ôm chăn chạy theo người” sẽ tạo ra sự bùng nổ về số lượng nhưng con đường dẫn đến khủng hoảng rút ngắn lại.

Đặc điểm “kinh doanh đồng phục” rất dễ bị thương nhân nước ngoài “bắt bài”. Họ cần mua lợn Việt Nam với giá rẻ hơn cho. Rất dễ, chỉ việc tăng giá một thời điểm ngắn, lập tức sẽ thấy tăng đàn vùn vụt. Lúc đó họ nắm luôn cả sinh mạng người nông dân chứ không chỉ hàng hóa.

Trong chuỗi hành động đi đến “dẫm chân nhau”, nhà nước nên can thiệp khâu nào? Đó là vấn đề, nhiều nơi khi lợn tăng giá, thay vì cẩn trọng thì họ lại phấn khởi khuyến khích tăng đàn. Đến khi lâm khủng hoảng thì tất cả đều đổ lỗi cho thương nhân ép giá.

Ai cũng thấy hiện tượng mà không thấy (hoặc không muốn nhìn thẳng) bản chất tình hình.

Ở Việt Nam, hẳn nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần bốc điện thoại lên - hai câu thoại - một chiếc xe sẽ đến đón ngay tại nhà đã là tiện nghi hết cỡ. Nhưng vẫn còn 1 hình thức khác khiến giá thành rẻ hơn đó là Grab.

Và không ai chắc sự tiện lợi của Grab đã là tột đỉnh. Vì vậy, tại sao chúng ta không bắt đầu tư duy ra một hình thức để đối trọng với Grab thay vì kiện cáo vào phát triển rầm rộ các loại ứng dụng tương tự?

Việc người ta làm ra những bản sao y chang Grab cũng không khác nào anh hàng xóm thấy đào bán chạy trong dịp tết, bèn phá cúc chuyển sang trồng đào.

Vấn đề không phải là triệt tiêu nguồn cung của đối phương hoặc nhảy vào tranh phần khi mình không giỏi hơn đối thủ, mà là tạo ra một loại hàng hóa mới cung ứng cho thị trường.

Trương Khắc Trà