Nghĩ về chuyện tụt hạng chỉ số cạnh tranh nhân tài

Sông Hàn 25/01/2019 05:00

Nếu không quyết liệt chấn chỉnh thì hệ quả kéo theo sau đó là sức mạnh của bộ máy Nhà nước không được đảm bảo, đất nước khó lòng phát triển.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu 2019 (Global Talent Competitiveness Index - GTCI 2019) vừa được công bố bởi INSEAD, hợp tác với The Adecco Group và Tata Communications, Việt Nam xếp hạng 92 trên tổng số 125 quốc gia, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN, xếp sau Lào và chỉ trên Campuchia.

Đây là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam bị tụt hạng về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 87 và năm 2017 xếp thứ 86. Được biết, Báo cáo Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu là thước đo hàng năm giúp đánh giá sự phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài của quốc gia và thành phố, qua đó khắc họa bức tranh cạnh tranh nhân lực toàn cầu.

Thời gian qua, ai cũng nhận thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định con người là trung tâm của mọi hoạt động, là nguồn gốc của mọi thắng lợi nên việc thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan công quyền là vô cùng cần thiết. Việc các địa phương “trải thảm đỏ” mời nhân tài là yếu tố giúp cho cánh cửa đi vào cơ quan công quyền rộng hơn.  Và cũng có không ít người muốn vào làm việc và cống hiến ở đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến lược thu hút và lôi kéo nhân tài

    04:26, 22/01/2019

  • 5 xu hướng thu hút nhân tài nổi bật năm 2019

    04:28, 10/01/2019

  • Doanh nghiệp nhỏ trong cuộc chiến thu hút nhân tài

    09:50, 08/01/2019

  • Ngành giáo dục loay hoay bài toán “đào tạo nhân tài và giữ nhân tài”

    05:00, 02/01/2019

  • Để nhân tài đừng đi và “lời hứa của ông Park”

    05:00, 26/12/2018

  • Ngăn chặn hiện tượng "chảy máu" nhân tài cách nào?

    10:23, 18/12/2018

  • Bí quyết tuyển dụng và giữ chân nhân tài của google

    06:32, 04/12/2018

  • Lời khuyên giúp doanh nghiệp Việt thu hút nhân tài nước ngoài

    04:28, 30/11/2018

Thế nhưng, vô vàn lý do đã cản chân họ. Nói về các yếu tố ngăn cản, nhiều người cho rằng vì lương công chức thấp, không thỏa mãn nhu cầu để trả lời cho việc nhiều người tài không mặn mà với Nhà nước. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của nguyên nhân. Một phần nguyên nhân không nhỏ còn lại là vì “cửa vào” cơ quan công quyền quá chật chội, khiến cho cái tài không thể bon chen đi vào.

Bên cạnh đó, vào là một chuyện mà tồn tại và cống hiến trong đó lại là chuyện khác. Điều mà chúng ta phải làm song song với việc xây dựng đề án thu hút nhân tài vào làm việc trong cơ quan Nhà nước là tiến hành thanh lọc những sâu mọt trong nội bộ. Nói thẳng ra, hiện nay trong cơ quan công quyền của ta đang tồn tại không ít những kẻ yếu kém về năng lực, tha hóa về đạo đức.

Mà chúng ta cũng phải biết rằng cái xấu thì đối nghịch với cái tốt, cái dốt thì khó lòng có thể chung sống hòa bình với cái tài. Những người kém tài thì thường có tâm lý ghen ghét, đố kỵ và luôn tìm cách tiêu diệt những người tài giỏi hơn mình. Đã vậy, những cái xấu, cái dốt trong cơ quan Nhà nước lại được chống đỡ bởi những chiếc ô to, dù lớn phía sau thì thử hỏi làm sao cái tài có thể đấu lại.

Theo đó, thêm một vấn đề chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ đó là, không phải đào tạo người tài giỏi rồi họ cứ thế mà đi lên, quan trọng là phải bồi dưỡng, phát triển tài năng ấy, tức phải chăm lo cho đội ngũ trí thức để họ phát triển, nâng cao trình độ của mình. Đây lại đang là cái thiếu và yếu của Việt Nam.

Nói như vậy hoàn toàn có cơ sở, vì khi nhìn qua Quốc đảo Singapore sẽ thấy, việc đào tạo của đất nước này không khác Việt Nam nhiều. Phần lớn các giáo sư Singapore phần đông tốt nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, tỷ lệ các giáo sư tầm cỡ thế giới so với Mỹ và các nước châu Âu không hề nhiều hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, chính phủ Singapore rất chăm lo cho điều kiện làm việc của các nhà trí thức sau khi tốt nghiệp. Còn Việt Nam lại chưa chú trọng việc đó, thậm chí nhiều khi còn xem thường.

Nói gì thì nói, cơ quan Nhà nước là lực lượng điều hành, quản lý xã hội. Là nơi đưa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào thực tiễn và cũng là chỗ để người dân phản ánh lại ý kiến, quan điểm của mình đến với Đảng, Nhà nước. Thế nên, các vị trí này rất cần những người có tài, có tâm ngồi vào. Nếu người tài lại không ở trong đó thì đương nhiên sẽ tạo ra chỗ trống cho những kẻ kém năng lực chui vào.

Vẫn biết rằng người có năng lực thì ở đâu cũng có thể cống hiến, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, của xã hội. Nhưng nói thật, chúng ta không thể lấy lý do này để nhìn nhân tài dứt áo ra đi, không mặn mà làm việc trong cơ quan công quyền.

Một đất nước sẽ lục đục nếu suốt ngày đi bắt lỗi nhau và đất nước đó cũng  sẽ không thể phát triển được nếu không ai thấy mình có lỗi. Cuộc sống, nếu chỉ vận động theo cái lý đơn thuần, ai sẽ xả thân, ai sẽ hy sinh, ai sẽ đốt cháy mình cho cộng đồng? Cơ chế lỗi thời ở lĩnh vực nào cũng cần sửa, huống hồ một lĩnh vực cốt yếu như trọng dụng nhân tài.

Nếu không quyết liệt chấn chỉnh thì hệ quả kéo theo sau đó là sức mạnh của bộ máy Nhà nước không được đảm bảo, đất nước khó lòng phát triển, chứ nói gì đến chuyện tụt hạng về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu.

Sông Hàn