Ép uổng nhau rượu bia: Một loại "văn hóa" rất thiếu văn hóa!
Tỉ lệ tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam gần đây gia tăng đến mức đáng ngán ngẩm.
Đặc biệt, theo thống kê của tổ chức WHO công bố đầu năm 2018, tỉ lệ nam giới sử dụng rượu bia ở Việt Nam đã lên đến 77,3%, là mức cao nhất thế giới!
Trong khi chất lượng đời sống và kinh tế vẫn còn ở top dưới, thì lượng rượu bia tiêu thụ đã nhanh chóng "đạt" top đầu. Đàn ông đất nước vắng mặt trong những bảng xếp hạng top danh nhân văn hóa, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ cộng đồng…, nhưng "ghi danh" mình trên bảng xếp hạng sử dụng rượu bia, thật là một thực tế rất, rất khó nuốt.
Nhưng đáng buồn là, những-người-đàn-ông-uống-rượu ở quốc gia này còn không muốn để người khác "tránh" được bia rượu nữa. Trên khắp các bàn nhậu, bàn tiệc ở hầu hết mọi vùng đất nước, luôn có những cảnh tượng mời mọc, nài ép, thậm chí khích bác nhau uống bằng được.
Có thể bạn quan tâm
Tiêu thụ rượu bia: Việt Nam đang ở mức báo động
11:06, 09/11/2018
Xây dựng môi trường công sở không rượu bia khó thật?!
11:00, 08/11/2018
Đề xuất tăng thuế rượu bia để giảm tiêu thụ?
05:34, 17/06/2018
Một người dù không muốn uống cũng bị ép nâng ly lên, ép uống cạn, rồi ngay lập tức cái ly của chủ nhân vừa gắng sức uống cạn lại lập tức được rót đầy, lại được mời mà như ép để tiếp tục nâng lên. Những ngày lễ tết, ở nhiều vùng miền, người ta lôi bia rượu ra tiếp khách. Ai đến cũng rót, cũng cật lực mời, khách khứa vừa uống cạn ở nhà này lại tiếp tục sang uống cạn bên nhà khác, liên tiếp và liên tiếp.
Những hình ảnh này có lẽ quá quen với tất cả mọi người, quen đến mức người ta coi thế mới là hiếu khách, là chân tình! Quen đến mức nó đã trở thành "văn hóa".
Thứ "văn hóa" dị dạng góp phần đưa tên Việt Nam trong top đầu về đàn ông sử dụng rượu bia. Nó góp phần trong vô số những hậu quả mà bia rượu gây ra, với những con số thống kê rất rõ ràng: 60% vụ tai nạn giao thông xảy ra do bia rượu, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình và gây mất an toàn trật tự xã hội có nguyên nhân từ bia rượu, hơn 200 loại bệnh với hàng triệu nạn nhân trực tiếp và gián tiếp tử vong hàng năm tại Việt nam là do bia rượu.
Nếu tách mình ra khỏi đám đông, vượt ra khỏi những suy nghĩ bảo thủ đã hằn sâu như bản lề, để tự hỏi việc mời mọc và nài ép người khác sử dụng chất kích thích như bia rượu có phải là một hành vi văn minh hay không, hẳn nhiều người, kể cả những người thích uống bia rượu, cũng sẽ thấy rõ câu trả lời.
Ngoại trừ vài tác động tích cực nếu sử dụng trong giới hạn mà các hãng rượu bia thi nhau khuyếch trương quảng cáo, bia rượu chỉ gây ra những hệ lụy kinh khủng cho các cá nhân và cho cả quốc gia này như con số thống kê đậm nét trên kia. Thậm chí ai cũng biết, ai cũng đã được tuyên truyền rằng bia rượu là chất kích thích có thể gây nghiện, gây hại nhiều hơn có lợi. Vậy tại sao chúng ta lại mời mọc, nài ép người quen của mình sử dụng thứ có thể gây tổn hại tới sức khỏe của họ, có thể gây những bất ổn với bản thân, gia đình họ, và gây hại cho xã hội?
Những kẻ ép người khác uống hoặc uống nhiều hơn còn "lý luận" rằng phải uống mới là bản lĩnh đàn ông. Thật kì lạ. Rõ ràng bia rượu là loại chất kích thích, ngon miệng, nên những người kiềm chế được, những người không uống thực chất mới là những người bản lĩnh, chứ không phải là những kẻ uống được, uống nhiều. Cái khái niệm bản lĩnh trong trường hợp này đã bị người ta ào ào lộn xoay.
Yemen, quốc gia mới thua Việt Nam ở vòng loại Asian Cup gần đây, có văn hóa nhai lá cây “khát”. Đây là một loại cây có chất kích thích, có thể gây nghiện, người nhai xong sẽ cảm thấy lâng lâng vui vẻ và mất vài tiếng đồng hồ không đủ tỉnh táo để làm việc gì khác. Người Yemen cũng rất "nhiệt tình" mời người khác nhai. Khỏi nói, ai cũng thấy đây là một thứ văn hóa kì quặc, tại sao lại cứ mời người khác dùng thứ có thể gây nghiện và giảm thời gian làm việc? Thật là thiếu văn minh. Ai cũng dễ dàng hiểu được vì sao đất nước này tụt hậu, chẳng tập trung làm ăn, năng suất lao động thấp, nghèo rơi nghèo rớt.
Thực ra cái văn hóa mời nhai lá cây khát của Yemen có khác gì văn hóa mời mọc ép uổng rượu bia của chúng ta. Cũng là chất kích thích, cũng có khả năng gây nghiện, dùng xong khó tỉnh táo làm việc. Thậm chí lá cây khát còn không đến mức gây say sưa và bệnh tật như một số loại rượu nặng của Việt Nam nữa. Nên chê người, không biết ta có nhìn lại được ta?
Không biết ta sẽ còn kéo dài cái hành vi mời mọc ép uổng nhau rượu bia đến bao giờ…