Hãy giúp nhau để cùng “có” Tết!

Sông Hàn 01/02/2019 05:00

Trong khi người người gác lại mọi lo toan để về sum vầy, đón năm mới bên gia đình, thì những người trồng hoa, bán hoa lại đang chất chồng nỗi lo với "canh bạc" bán hoa tết của mình.

Mấy ngày nay, cộng đồng mạng xuất hiện thông điệp kêu gọi: “Đừng đến 30 mới mua hoa chơi Tết”. Trong đó có đoạn viết: “Nếu có điều kiện, hãy mua sớm, đừng đợi 30 mới mua để người bán được vui tết vì họ vất vả quá, mua sớm đi, đừng chờ ngày 30 ép giá, người ta đập bỏ hoa, nước mắt không à, thương lắm!”.

Ngay lập tức lời kêu gọi này đã được chia sẻ nhiệt tình vì đây là ý tốt, thể hiện được lòng trắc ẩn giữa người với người.

 Người trồng hoa quanh năm vất vả, đến khi cuối năm họ mang cả chăn màn ra chỗ bán ngủ canh suốt cả tuần, đứng giữa đường để bán dù thời tiết mưa, giá rét, đêm ngủ co ro trong bạt.

Một vấn đề đặt ra ở đây là: Sao lại cứ phải là vào ngày 30 Tết người ta mới đổ xô đi mua hoa chơi Tết? Khách quan mà nói, người ta đi mua hoa ngày 30 cho rẻ vẫn chẳng có gì sai. Việc này cá nhân người viết nghe rất nhiều nói đại ý rằng “mua hoa sớm làm gì, vừa héo mất mà lại đắt, cứ để sát 30 mua cho rẻ”. Có lẽ cũng vì xã hội vẫn còn những người có thu nhập ở mức trung bình, họ chỉ dám nghĩ đến những “món ăn tinh thần – chơi hoa” này khi đã tạm yên tâm vì lo được cái Tết cho gia đình.

Có thể bạn quan tâm

  • Chợ hoa Quảng Bá rộn ràng không khí Tết

    01:53, 01/02/2019

  • Hạ Long – Có một không gian văn hóa dân tộc trong dịp tết

    03:00, 31/01/2019

  • Mọi công nhân phải được vui Xuân, đón Tết tại quê nhà!

    12:04, 30/01/2019

  • Đặc sản các vùng miền đổ về TP HCM dịp Tết Nguyên đán 2019

    05:34, 30/01/2019

  • Ngày Tết không quà

    05:00, 30/01/2019

  • Chợ hoa Tết Đà Nẵng có gì đặc biệt?

    04:50, 30/01/2019

Việc này, không phải ở Việt Nam mới có chuyện người tiêu dùng “canh me” khi nào có hàng giá rẻ mới ồ ạt đến mua. Trên thế giới, ở các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu có hẳn những ngày, những tháng xả hàng giá rẻ (như Black Friday, dịp giáng sinh, Tết…). Trong số những người chầu trực hàng tháng trời để mua được hàng giá rẻ có không ít những người giàu, những người có thu nhập cao. 

Hơn nữa, ai cũng có thể thấy là tình trạng “mua tranh, bán cướp” vẫn còn khá phổ biến ở tất cả các loại hàng hoá trên thị trường nước ta, không riêng gì mặt hàng hoa. Khi nhu cầu thị trường tăng cao thì nhiều chủ hàng tranh thủ “hét” giá lên tận mây xanh, không giữ đúng cam kết với người tiêu dùng, hám lợi trước mắt. Tức là, những người làm nghề cũng phải tôn trọng thị trường, tôn trọng người tiêu dùng thì mới có thể phát triển được.

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, đúng là cái nghề trồng hoa nói chung và hoa Tết nói riêng nó bạc bẽo và bấp bênh. Cả mùa vụ chỉ trông chờ vào mấy ngày mang vác những cái cây, bông hoa mong manh đi xa hàng dặm, ngủ vật vờ trong những túp lều dựng tạm. Ở miền Bắc còn vất vả hơn, người bán hoa phải ăn trực nằm chờ giữa trời rét, phải đốt lên những đống lửa nhỏ để sưởi ấm… Cả năm vất vả với bùn đất và phân bón, phụ thuộc hoàn toàn vào ông Trời. Một mùa vụ hoa như một canh bạc, chẳng biết thắng hay thua.

Vâng, buôn “của hàng hoa” họ vẫn biết mình như chơi bạc, rủi ro giữa cái được và mất khá mong manh nhưng họ vẫn làm. Nghĩa là, bên cạnh chuyện mưu sinh thì nó cũng ẩn trong đó một sự yêu nghề đáng trân quý. “May rủi tựa đánh bạc. Bại nhiều hơn thắng. Bán được còn có tí tiền tiêu Tết, còn nếu đọng hàng thì “xong phim”. Bao nhiêu lần tự nhủ không buôn nữa, nhưng cứ đến giáp Tết lại ngứa nghề” – Một người nông dân trải lòng.

Cũng có người thản nhiên nói “không sống được bằng nghề thì ai người ta làm, không phải thương xót họ đâu”. Dẫu vậy, khi đọc những chuyện cụ Hoàng Đạo Thúy viết trong cuốn “Hà Nội thanh lịch” có đoạn thế này: “Tay cầm bát cơm thì nhớ đến cái khó nhọc của người làm ruộng, mặc tấm áo là không quên công vất vả của bà thợ dệt". Học đến sách Minh Tâm thì nhớ câu “Cái mà mình không muốn, thì đừng làm cho người khác”. 

Hóa ra, một bộ phận chúng ta đã quên mất bài học vỡ lòng mà mỗi người đều phải thuộc. Làm người trước hết phải có lòng biết ơn, phải đối với người như những gì mình muốn người ta đối lại với mình. Ăn cơm, hít thở thì đều phải biết ơn người trồng lúa, biết ơn thiên nhiên đã cho mình sự sống. Thế thì đến ngắm hoa, chơi hoa cũng phải nên biết ơn tới người đã vất vả chăm bẵm cho những cây hoa đó chứ nhỉ?

Qủa thật, chúng ta không khỏi đau lòng khi ngẫm lại mùa hoa Tết năm ngoái, những hình ảnh người dân ở Sài Gòn ùn ùn đổ ra đường để “hôi hoa” vào đêm 30 Tết. Còn người nông dân, tiểu thương chấp nhận đập bể chậu, đập nát hoa vì bị trả giá quá rẻ… khiến nhiều người xót xa.

Chính vì thế, Tết Kỷ Hợi này, mong rằng người trồng hoa hãy bán với giá hợp lý nhất có thể và người tiêu dùng cũng nên mua hoa trước ngày 30 Tết để thể hiện tấm lòng chia sẻ. Hãy giúp cho nhau cùng có một cái Tết ngập tràn niềm vui và hạnh phúc!

Sông Hàn