[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Tây Bắc dọc đường Xuân
Tháng giêng, rời phố lên rừng xem người Mông đón tết, để biết, ở phía sau những dải núi dài trập trùng cuối chân trời, có một tộc người đầy bản sắc.
Người Mông đi chơi Tết dọc sườn núi, váy áo sóng sánh, áo hồng, khăn hồng, ô cầm tay cũng màu hồng làm rực lên không khí du xuân. Và rồi, hội Gầu Tào hiện ra sau một khúc quanh, bất ngờ như một món quà mừng tuổi.
Hội Gầu Tào ở Pha Long, cách trung tâm huyện Mường Khương (Lào Cai) hơn chục cây số về phía đông bắc được tổ chức giữa những sườn núi tràn nắng, nơi sa mộc xanh đang vươn mình kiêu hãnh. Một cây nêu cao nằm giữa sân khấu chính, trên đỉnh có một vòng lá tre non và có gắn một dải lanh dài hai màu xanh đỏ. Người Mông đứng chen vai xung quanh, trên núi, dưới đồi, ô xòe tươi thắm. Sau phần lễ của thầy cúng theo phong tục, là phần hội được các bạn trẻ rất đón chờ.
Dưới chân cây nêu để một bầu rượu và một cây khèn. Bất cứ chàng trai nào ghé qua đều muốn uống một chén và nâng cây khèn trên tay, cuối mắt đầu mày với đám con gái ăn mặc đẹp như mang cả mùa xuân xuống núi.
Rượu uống vào bồng bềnh say đắm, tiếng khèn trở nên tha thiết và réo rắt, thoảng như có lời thì thầm của đại ngàn, tiếng róc rách của dòng chảy dưới thung sâu, tiếng bước chân ngựa trên đường thiên lý. Vừa thổi khèn vừa nhảy múa, những vòng quay xoay tròn và dữ dội, bước chân dường như không chạm đất, ngỡ như thể chính ánh mắt say mê của các cô gái đã chắp cánh cho chàng trai bay lên.
Giữa những đám hội là những dải bậc thang dài, những tốp người đang đứng ngồi náo nhiệt, túm tụm lại thành từng nhóm, náo nức và rộn ràng. Góc xa có đám cây cầu quay bập bênh, bập bênh của người Mông cao dễ tới 2 mét, mỗi người đu một bên và quay, bay chơi vơi giữa đất trời trong tiếng hò reo của mọi người. Một trò chơi mạo hiểm, đòi hỏi sự khỏe mạnh và lòng dũng cảm.
Cánh đàn ông thường bị hút hồn vào mấy bãi chọi gà. Các cuộc chiến đang đến hồi gay cấn, cặp gà say sưa không kém gì người xem, mào và cổ trụi lông đỏ rực. Sát đó có bãi chơi quay chật ních những người là người, có chú bé còn đu cả người lên cây sa mộc để nhìn. Những con quay được quấn rất nhanh vào cuộn dây dù, rồi bay vù lên trong không trung trước khi lao thẳng vào đối phương cũng đang quay tít mù trên nền đất.
Đám phụ nữ thì ưa thích trò ném còn, đánh đu, vừa tinh tế nhẹ nhàng, lại vừa đòi hỏi sự khéo léo. Để ném một quả bóng tròn nhỏ có gắn các sợi tua màu sắc bay qua được vòng tròn trên một cây nêu cao chừng 5 mét, lại luôn đong đưa trong gió núi thật không dễ dàng gì.
Có thể bạn quan tâm
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Đầu xuân vãn cảnh Lôi Âm Tự
07:00, 08/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Biển gọi xuân về trên Đảo Ngọc
06:09, 08/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Chuyện buồn ngày Tết
06:00, 08/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Gom chút mùa Xuân
05:07, 08/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Một kiếp Nhân sinh được bao lần đón nhận Xuân về?
20:40, 07/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Tiễn tổ tiên trong mâm cỗ hóa vàng!
14:57, 07/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Một chuyện dễ thương ở The Coffee House
11:48, 07/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Giải hạn để đón “lửa thiêng” của cộng đồng B’râu
07:23, 07/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Chơi pháo đất - nghề chơi cũng lắm công phu...
06:02, 07/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Hải Phòng "giao thoa" xưa và nay
06:00, 07/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Những ký ức tuổi thơ ùa về trong ngày Tết quê
05:00, 07/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Xuân Kỷ Hợi trong nét thư pháp tài hoa
11:00, 06/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Bộ ảnh độc của bác sỹ Phúc
17:40, 05/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Ngày tết nói chuyện về niềm tin
14:07, 05/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Xuân về trên mái nhà rông
11:17, 05/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Khai bút đầu năm - tao nhã Tết Việt xưa
07:00, 05/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] "Tôi rất muốn được làm một người Việt Nam"
06:30, 05/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Ngày tết nghĩ về những công nhân quét rác trên đường…
03:00, 05/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Phiên chợ quê ngày cuối năm
11:05, 04/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Hoa Lay ơn ngậm ngùi ngày giáp tết
15:00, 04/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Bâng khuâng chiều cuối năm
11:03, 04/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Năm Kỷ Hợi nói chuyện vui buồn của con heo!
05:14, 04/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Tết: Nên ở hay về…?
07:00, 03/02/2019
Hội còn có nhiều trò chơi và thi đấu khác như “Chọi bò” hay “chọi chim”... Người chiến thắng luôn mời những đối thủ khác về quán thắng cố rồi cùng nhau say cho đến khi nào hết hội mới thôi. Say rồi có khi ngủ ngay bên lề đường, đã có vợ cầm ô che mưa che nắng, hay nằm vắt vẻo trên lưng ngựa đã có vợ đi bên dắt ngựa về nhà. Mai lại đến hội, lại vui chơi và say tiếp.
Người dân tộc ở những vùng núi cao và mây mù Tây Bắc của tổ quốc bao giờ cũng ăn Tết sớm. Khi hoa đào, hoa mai, hoa mận e ấp bung những cánh đầu tiên, rập rờn cành nâu nụ biếc ven những cung đường núi hay trong vườn nhà, những mùa hoa sung mãn. Khi vụ lúa nương duy nhất trong năm đã được thu hoạch xong, thóc đã nằm im trong bồ, ngô sắn phần được cân cho cánh lái buôn đánh hàng theo những chuyến xe tải về xuôi lấy tiền sắm sửa tiêu Tết còn lại đã phơi mình trên gác bếp... thì đồng bào các dân tộc rục rịch sửa soạn đón cái Tết riêng theo truyền thống của dân tộc mình.
Tùy theo từng dân tộc mà Tết đến sớm hay muộn hơn: người Hà Nhì tính theo lịch mặt trăng, bao giờ cũng ăn Tết sớm vào khoảng cuối tháng 10 đầu thứng 11 âm lịch; người Mông ăn Tết vắt từ đầu tháng chạp năm nay sang tận cuối giêng năm sau, khi mà đã uống rượu hết ở các nhà trong bản, rượu rót tràn ra bát, liên tu bất tận...
“Vất vả cả năm rồi, đã đến lúc phải được nghỉ ngơi. Con trâu, cái cày, cái cuốc, thửa ruộng bậc thang...cũng cần được nghỉ. Tết là dịp mặc đẹp đi thăm thú anh em, họ hàng khắp làng trên bản dưới, uống với nhau bắt rượu, ăn chung nồi thắng cố... kẻo lâu không gặp lại nhớ mặt quên tên...”- cái lý của người Mông bao đời nay vẫn hồn nhiên đến vậy.
Gầu Tào trong tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời”, tiếng Quan Hoả là “Sải Sán” - tức đạp núi. Nếu như người Dao đỏ có chợ tình để trai gái tâm tình tìm người yêu thì người Mông có hội “Gầu Tào” giúp trai gái nên duyên vợ chồng.
Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông, được tổ chức theo hình thức luân phiên. Hằng năm người Mông đều họp và chọn một gia đình trong cộng đồng chịu trách nhiệm đứng gia tổ chức. Được thay mặt cộng đồng người Mông tổ chức hội Gầu Tào là một niềm vinh dự lớn của bất cứ gia đình dòng họ nào trong làng bản.
Công việc chuẩn bị cho lễ hội được thực hiện suốt một năm, trong đó tìm và dựng cây nêu là quan trọng nhất, cây nêu được coi là cây thiêng của người Mông, là tín hiệu của hội hè, của hạnh phúc và sự no ấm. Cây nêu phải là cây mai to, ngọn dài và có lá. Trước ngày mở hội, gia đình được chọn tổ chức và cả họ hàng tập trung dựng và trang trí thật đẹp cho cây mai ở vị trí sườn đồi nơi được chọn làm địa điểm mở hội. Trên ngọn cây nêu treo hai sải vải lanh màu đen xen lẫn màu đỏ (biểu tượng của mặt trời). Trên thân cây nêu còn treo một quả bầu đựng nước, một túm ngô giống, một bó lúa giống (biểu tượng của sự được mùa, no ấm).
Cây nêu bao giờ cũng được người Mông dựng trước ngày diễn ra lễ hội hàng tuần, người trong bản hay các vùng khác nhìn thấy cây nêu đều biết rằng, năm nay làng này sẽ mở hội Gầu Tào và dân bản sẽ chuẩn bị áo váy, bố trí thời gian đi dự hội. Thấy cây nêu, trai gái ở bản trên bản dưới hẹn ước nhau đầu năm đến bên cây nêu gặp mặt.
Mở đầu cho ngày hội, ông chủ hội vừa làm lễ cúng quanh cột cây nêu vừa hát, các thợ khèn giỏi cũng múa xung quanh. Sau phần múa nghi thức là cuộc thi đấu khèn. Người chỉ múa trong tàu lá chuối, người nhào lộn nhiều vòng nhưng tiếng khèn không dứt. Người vừa thổi khèn vừa xoay nhiều vòng. Có người múa trên chiếc đòn gánh bắc ngang chảo thắng cố đang sôi.
Trong cuộc thi khèn, những người đàn ông Mông hoàn toàn lột xác, lúc này họ là những người nghệ sỹ thực thụ đang thăng hoa với những những điệu múa và tiếng khèn mê đắm núi rừng. Đây là dịp để những người đàn ông dân tộc Mông thể hiện được sự tài hoa, mạnh mẽ của mình, đây cũng là dịp để các cô thiếu nữ tìm cho mình một người chồng như ý. Cuộc thi khèn bao giờ cũng hấp dẫn và thu hút nhiều người đến xem, cổ vũ.
Xa xa, tiếng kèn lá vang lên giục dã ở sườn đồi, cuối bản. Chỉ bằng một chiếc lá rừng nhỏ, cứng dai, mặt bóng, âm lượng của kèn lá vang xa như một lời báo hiệu và cuộc hát hội “chù Gầu tào” được bắt đầu. Trai gái chưa vợ chưa chồng hát với nhau. Người goá vợ hát với người goá chồng, người yêu cũ gặp nhau hát thăm hỏi...
Nhưng cuộc hát thu hút đông người nhất vẫn là hát giao duyên. Lúc đầu tập thể nam hát chào hỏi cả tập thể nữ nhưng về sau từng đôi tách riêng ra. Và lúc này chỉ còn từng đôi hát ống kín đáo, tế nhị, nhịp nhàng, dìu dặt, thủ thỉ tâm tình. Chiếc ống hát làm bằng ống mai, đầu bịt bong bóng, nối với nhau bằng sợi chỉ dài 50m đến 100m. Hai người đứng cách xa nhau hát vào ống, âm thanh rung trên mặt bong bóng tạo thành “chiếc điện thoại” bằng mai, vầu. Khi chàng trai hát, cô gái áp tai lắng nghe những lời ca đằm thắm yêu thương, chàng trai cũng áp tai nghe khi cô gái đối đáp. Và bản tình ca giao duyên chỉ dành cho hai người thì cứ thủ thỉ, ngân nga mãi không dứt.
Khi đám hát của những chàng trai cô gái Mông chỉ còn là của từng đôi một thì đám hội lại đến với cuộc thi chọi quay của những em nhỏ và cả những thanh niên. Quay to, quay nhỏ đủ cỡ được trưng ra thi đấu. Quay của người Mông tuy thô nháp nhưng vẫn có độ cân bằng kỳ lạ. Chọi quay được tiến hành ở ba bậc, mỗi bậc cách nhau 5m, đòi hỏi người chơi vừa phải nhìn cho tinh, liệng trúng đích, vừa phải khoẻ để liệng quay ở độ xa nhất định. Ngoài ra là những trò chơi khác như bịt mắt bắt dê, thi bắn nỏ... Khách gần, khách xa, người già, người trẻ ai thích chơi trò gì thì tìm đến sân ấy. Đám hội nào cũng nườm nượp người dự.
Khách ngoài họ, khách đường xa đến, người thì ống gạo, người thồ ngô, người lại mang theo hũ rượu, xách đôi gà... ai mang đến đều phải vào làm lễ cầu chúc gia chủ trước tiên, sau là cầu chúc cho mọi người yên vui khoẻ mạnh, tiếp nữa là cầu chúc cho mùa màng bội thu, lợn gà đầy chuồng, đầy sân. Đáp lễ, chủ nhà nói lời cảm tạ và biết ơn ghi sâu lòng hào phóng của khách.
Hết thời gian hội, gia chủ làm lễ kết thúc, cây nêu được hạ xuống. Thầy cúng đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn. Sau mỗi đoạn khấn vái, thầy lại hớp một ngụm nước phun ra xung quanh, gia chủ cầm bầu rượu hạ từ trên cây nêu đi theo sau thầy cúng, cũng hẩy rượu ra khắp nơi với mục đích cầu mong sự may mắn và thịnh vượng sẽ lan toả đến khắp nơi. Mảnh vải đỏ mang về treo trong nhà cầu mong hạnh phúc đời đời. Nếu là hội cầu phúc, ông chủ hội chọn một đôi trai gái, một đôi nam nữ đứng tuổi đông con và họ hàng rước nêu về. Gia chủ gác cây nêu ở đằng sau nhà hoặc trẻ ra làm giát giường mong sớm có con. Nếu mở hội cầu mệnh thì rước cây nêu đến gác ở chỗ vách đá khô ráo cầu mong mạnh khoẻ.
Bữa rượu kéo dài từ đêm hôm trước, đến tận sáng hôm sau vẫn chưa dứt, bên bếp lửa bập bùng. Ai say thì tự tìm chỗ nằm, tỉnh lại dậy uống tiếp. Đám thanh niên, có tí men rượu, bắt đầu thổi khèn và hát những bài dân ca Mông đẫm tình: “Ơi anh, nhà em cửa không cao/ Ơi anh, nhà em không có rào/ Anh yêu anh cứ vào cứ vào…/ Ơi em, ta về đi hội Gầu Tào trên đỉnh Pha Long… ”
Trên đường du xuân tôi bắt gặp cái cảnh những chàng trai cô gái cứ giằng co nhau. Những chàng trai ngật ngưỡng men rượu xuân, tìm được người thường thì nhảy vào... vỗ mông. Một kiểu tỏ tình đầy bản năng và đáng để người miền xuôi như tôi phải thòm thèm và mơ ước...
Người Mông có một hệ lịch riêng, theo nhận định của các nhà nghiên cứu, có lẽ họ tiếp thu cách tính lịch của dân tộc Di (Trung Quốc). Theo đó, Tết của họ vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch của âm dương hợp lịch mà ngày nay chúng ta sử dụng. Tuy nhiên, ngày nay đa số các vùng người Mông đã ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ, chẳng hạn người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì song song Tết theo hệ lịch riêng của họ. |
Kính mời quý độc giả gửi bài viết chia sẻ cảm xúc ngày Xuân của mình qua hộp thư toasoan@dddn.com.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh, hấp dẫn.