Niềm tin... hoang tưởng?

Trương Khắc Trà 15/02/2019 05:01

Trước ngày “Vía Thần tài” (10/1Âm lịch) một đồng nghiệp nhắn tin hỏi tôi: Có mua vàng không?

Tôi hỏi lại: Tại sao phải mua vàng vào ngày này? Cậu ấy dẫn ra một loạt nguyên nhân, nhưng cốt chỉ để cầu mong sự may mắn, nhiều tài lộc trong năm mới.

Vốn e dè với các loại niềm tin từ trên trời rơi xuống, tôi cắc cớ: Thế mấy năm nay mua vàng cầu may, cậu đã có tổng kết mình may mắn hơn không? Cậu bạn tôi không nói gì, một lát sau thì chốt lại một câu rất khó cãi: “Thì nghe mọi người bảo nhau vậy”.

br class=

Rất đông người dân đã xếp hàng từ sáng sớm để mua vàng lấy may trong ngày vía Thần tài.

Xong chuyện, tôi bắt đầu thử lý giải vấn đề, hàng loạt câu hỏi hiện ra. Thực tế, để mua một ít vàng không quá khó với nhiều người, họ có thể mua vàng quanh năm để làm quà cưới hỏi, cất trữ làm của cải, trang sức…
Vậy nên, bỏ thêm vài trăm nghìn đồng để được “khuyến mãi” thêm niềm tin may mắn nhân ngày “Vía Thần tài” cũng không quá đắt! Từng ý tưởng nhỏ lẻ mơ hồ như vậy cộng hưởng lại tạo thành cơn “sốt” vàng khủng khiếp.

Có thể bạn quan tâm

  • Mua vàng ngày vía Thần Tài chỉ “vỗ béo” doanh nghiệp vàng

    11:01, 16/02/2019

  • Mua vàng ngày vía Thần Tài: Cầu may hay rước lỗ?

    18:10, 14/02/2019

  • Tấp nập mua vàng cầu may, người mua lỗ ngay gần 1 triệu đồng/lượng

    15:21, 14/02/2019

  • Ngày Vía Thần Tài dòng người xếp hàng mua vàng từ rất sớm

    08:23, 14/02/2019

Năm nào cũng thế, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… hình ảnh từng đoàn người xếp hàng rồng rắn từ sáng sớm đến tối khuya để được mua vàng trở nên quen thuộc.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng như PNJ, Bảo Tín Minh Châu, SJC, DOJI đạt lợi nhuận bằng cả năm chỉ trong chưa đầy 24h đồng hồ.

Đáng nói, đây là sự thịnh vượng tạm thời không có gốc gác từ tăng trưởng kinh tế, mà nó được đem lại bằng niềm tin hoang tưởng, một loại hình mê tín dị doan - đang có dấu hiệu bùng nổ ở nước ta.

Doanh số vàng tăng đột biến trong ngày “Vía Thần tài” hầu như không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng chưa biết điều may mắn đến bằng cách nào nhưng trước mắt người mua sẽ thiệt hại ngay sau đó mấy ngày khi giá vàng giảm sâu đến vài trăm nghìn đồng/lượng.

Cơn “sốt” vàng chớp nhoáng khó hiểu ở nước ta đang đại diện cho một xu hướng đáng lo ngại, một khi con người đặt quá nhiều niềm tin vào thần thánh thì hiện thực xã hội đang có những vấn đề.

Tại sao người ta đến chùa nhưng chen lấn xô đẩy, nhét tiền vào tay phật? Vì sao đức Thánh Trần vốn có công đánh giặc giữ nước nhưng bị biến tướng thành nơi ban phát công danh tiền bạc?

Ở Việt Nam, chùa chiền thành nơi kinh doanh, cái mà người ta gọi bằng uyển ngữ “du lịch tâm linh”, nhiều dự án tâm linh đồ sộ mọc lên, kéo theo đó là những kỷ lục “to nhất”, “nhiều nhất”. Dường như triết lý nhà Phật đang rời xa cội rễ của nó.

Và việc thu lợi nhuận từ ngày “Vía Thần tài” cũng không khác mấy với kiểu đặt trạm “BOT” trước cổng chùa!

Trương Khắc Trà