Lễ hội Minh Thề: Cần hiểu đúng và phát huy truyền thống!

Lê Linh 19/02/2019 16:08

Năm nào cũng vậy, ngày 14 âm lịch tháng giêng hàng năm luôn có 2 lễ hội được nhân dân mong chờ: Lễ hội xin ấn đền Trần (Nam Định) và lễ hội Minh Thề (Hải Phòng).

Một lễ hội với ý nghĩa xin lộc tài, thăng quan tiến chức thì lượng người đổ về đông như nêm. Năm nào trước giờ khai ấn các tuyến đường đổ về đền đều tắc nghẽn, người người chen lấn nhau. Nhưng bên cạnh đó là lễ hội Minh Thề, tại cụm di tích đền chùa thôn Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) diễn ra lễ hội Minh Thề (hội thề không tham nhũng, không trộm cắp, không lấy của công làm của tư) thì đều vắng bóng “các quan”, ngay cả người dân cũng đến dự thưa thớt.

Lễ hội đền Trần người đông như nêm.

Lễ hội đền Trần người đông như nêm.

Lễ hội Minh Thề diễn ra trong 3 ngày (14-16 tháng Giêng âm lịch hàng năm) với nghi thức độc đáo là lấy máu gà hòa rượu để cùng nhau uống thề không tham nhũng, sống chí công vô tư… Đây là Lễ hội nhằm tôn vinh lối sống liêm khiết của người làm quan.

lễ hội Minh Thề lại vắng vẻ.

Trong khi lễ hội Minh Thề lại vắng người tham dự.

Tương truyền, từ giữa thế kỷ 16, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hòa Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc cả thảy 35 vị góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.

Để không xảy ra tình trạng tham nhũng của công, Thái Hoàng Thái hậu cùng với dân làng đã lập ra hịch văn hội Minh Thề. Trải qua thăng trầm của lịch sử, năm 2003, lễ hội Minh Thề được chính quyền địa phương và người dân trong làng khôi phục.

Theo ban tổ chức, người dân thôn Hòa Liễu cùng nhau tổ chức lễ hội này hàng năm nhằm tái hiện lời thề năm xưa của cha ông và giáo dục con cháu về đạo lý, nhân cách. Theo thông lệ, một người cao tuổi được Hội đồng làng tiến cử làm chủ tế tại lễ hội và một nông dân đứng ra đọc hịch văn. Nội dung lời thề là: "Ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công về làm của tư, cầu thần linh đả tử... làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt".

Đây là một lễ hội của làng và vừa được công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Đã là “lời thề” thì phải là tự nguyện không mang tính ép buộc nên việc “các quan” ngại ra đó thề cũng là điều dễ thông cảm.

Bản thân một người “làm quan” trong cuộc đời có lúc hữu ý, có lúc vô tình có hành vi chưa chí công vô tư, đền thiêng ra thề, “lỡ không may” xảy ra điều gì sẽ thành “bia miệng tiếng đời”. Mong ngóng là như vậy nhưng các quan không đến cũng không khiến cho người dân quá ngạc nhiên.

Có thể bạn quan tâm

  • Lễ hội Minh thề: Chỉ có trưởng thôn thề không tham nhũng!

    Lễ hội Minh thề: Chỉ có trưởng thôn thề không tham nhũng!

    13:29, 03/03/2018

  • Lễ hội Minh Thề: Chính thức là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

    Lễ hội Minh Thề: Chính thức là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

    16:03, 02/03/2018

  • Toàn cảnh lễ hội Minh Thề long trọng đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

    Toàn cảnh lễ hội Minh Thề long trọng đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

    17:18, 02/03/2018

Thiết nghĩ, những người làm quan liêm khiết đến tham dự lễ hội hưởng ứng tinh thần cũng là điều rất nên. Cần hiểu rõ hai phần là lễ và hội. Lễ là để dành cho nghi thức truyền thống của lễ hội, những người đương chức đến tham dự không phải thề. Và phần hội là các “quan dành một nén tâm hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân và ngưỡng vọng về một đạo làm quan niêm khiết". Và qua đó cũng khẳng định ý chí cũng như nguyện vọng của bản thân về đạo đức của một người làm quan.

Chưa kết thúc lễ hội đã không còn người tham dự.

Chưa kết thúc lễ hội đã không còn người tham dự.

Mong mỏi là như vậy nhưng năm nào cũng vắng vẻ và năm nay cũng không ngoại lệ, mặc dù chính quyền địa phương kết hợp cùng ban tổ chức lễ hội tổ chức rất long trọng và nghi lễ nhưng lễ hội vẫn vắng như “chùa bà đanh”. Vắng cả quan lẫn dân thường, đến dự thôi họ cũng thấy e ngại.

Qua thực tế này có lẽ đã đến lúc ban tổ chức lễ hội cần truyền thông, lan tỏa hơn nữa về ý nghĩa của lễ hội là đề cao chống tham nhũng và chí công vô tư. Điều này phù hợp với xu thế của xã hội. Chỉ cần giữ nguyên trưởng thôn lên thề theo nghi lễ truyền thống của lễ hội và mọi người về dự để cùng hưởng ứng tinh thần thì sẽ đưa lễ hội sang một cục diện khác.

Đây là một lễ hội có ý nghĩa và tính nhân văn cao. Hiểu đúng và phát huy truyền thống là cốt lõi quan trọng nhất của lễ hội, tránh mang lễ hội ra để làm “thước đo” phán xét các “quan”.

Lê Linh