Mập mờ "kinh doanh tâm linh"
Không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia khác như Trung Quốc hay Ấn Độ... việc kết hợp phát triển du lịch tâm linh đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh "hái ra tiền".
Lợi ích nhãn tiền có thể có song sự thiếu kiểm soát và câu chuyện lợi ích nhóm trong các khoản thu – chi tại các dự án tâm linh hiện nay có thể tạo lỗ hổng làm thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Ở đây không chỉ là câu chuyện về “công – tư”, mà việc kinh doanh tâm linh tại nước ta hiện nay còn “mập mờ” về chính sách thu - chi.
Về mặt pháp lý, muốn đầu tư vào một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện chế độ của Nhà nước. Với những dự án tâm linh, nếu thực hiện chế độ nhà nước, thì về nguyên tắc chủ đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi phần tâm linh như tiền công đức… nhưng phần nào mang tính kinh doanh thì phải đóng thuế vẫn chưa rõ ràng?
Chưa kể, dòng tiền của hoạt động tâm linh hày còn gọi là dòng tiền trực tiếp, theo luật sẽ do ban quản lý di tích quản lý. Nhưng liệu có khu nào ban quản lý di tích lại không có người của chủ đầu tư không? Và thực tế thì chủ đầu tư thường cầm trịch nguồn thu này.
Ngay cả việc phân bổ dòng tiền thu được từ phí vào cửa. Bao nhiêu phần là phục vụ tâm linh, bao nhiêu phần dịch vụ đi vào, bao nhiêu phần là của phục vụ bảo vệ… Phần đó cũng không thể tránh khỏi nhập nhằng, và họ không dại gì mà không đẩy nguồn này sang tâm linh để hưởng ưu đãi và không phải kê khai thuế.
Lễ hội biến tướng và thứ tinh thần giả tạo
07:00, 19/02/2019
Chuyện “cầu an” mùa lễ hội
05:10, 15/02/2019
Theo pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp hiện nay, kinh doanh dịch vụ tâm linh không nằm trong 243 kinh doanh có điều kiện. Bản thân tín ngưỡng nếu nói kinh doanh thì là chuyện rất nhạy cảm. Do đó, việc minh bạch các khoản thu đang là một kẽ hở lớn. Nếu xác định kinh doanh phải giấy tờ đàng hoàng, công đức cũng phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, một khi đã bóc tách được như vậy thì Nhà nước sẽ quản lý được.
Mặc dù, đối với người dân, việc phát triển du lịch tâm linh là cơ hội để người dân địa phương có thể trở thành công nhân viên làm việc cho chủ đầu tư tại chính các dự án kinh doanh tâm linh này. Có thu nhập, đời sống của người dân địa phương cũng sẽ được cải thiện, nâng cao. Kinh doanh phát triển, thu hút được nhiều khách du lịch không chỉ làm giàu cho chủ đầu tư mà đồng nghĩa với nguồn lợi đáng kể địa phương, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nước nhà.
Tuy nhiên, thực tế, việc đầu tư kinh doanh tâm linh trong thời gian qua tại nhiều nơi đã nảy sinh nhiều “bất cập” và đi ngược với văn hóa, thuần phong, mỹ tục. Tại nhiều dự án tâm linh, chủ đầu tư đã biến đền chùa miếu mạo của dân thành của tư nhân để “chặn cổng thu tiền”, cho đến cả những di sản quốc gia cũng được “khai thác” để người dân buộc phải trả tiền cho những thứ thuộc về tài sản chung.
Câu chuyện “BOT” cửa chùa cũng được xem như các hình thức BOT cầu, đường hiện nay. Nhiều người dân nhìn vào như 1 công ty kinh doanh làm ăn phát đạt chứ không dừng lại ở chỗ 1 nơi tâm linh, tín ngưỡng, cầu an.