Câu chuyện minh bạch xăng dầu

Sông Hàn 17/03/2019 05:00

“Câu chuyện xăng dầu” thời gian qua không nhận được ánh nhìn thiện cảm của người dân âu cũng xuất phát từ cách thức điều hành xăng dầu trong nước vẫn còn rất nhiều bất cập.

Việc điều chỉnh tăng giá xăng tăng tới 900 đồng/1 lít trong hai tháng đầu năm trong khi xăng dầu nhập khẩu bằng 0 đồng là một bất cập phải xem xét”. Phát biểu của ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) mới đây đã và đang làm nóng thêm dư luận những ngày qua xung quanh “câu chuyện xăng dầu”. 

Theo đó, số liệu cung cấp từ Cục Hải quan TPHCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu chỉ đạt “0 USD”, vì các doanh nghiệp trong nước sử dụng xăng dầu sản xuất từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, nên hạn chế nhập ngoài.

Phải nói rằng, xăng dầu, điện, nước đều là những nguyên liệu đầu vào không thể thiếu để phục vụ ngành sản xuất. Tuy nhiên, việc tăng giá thất thường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh, làm giảm lợi nhuận, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây là nghịch lý đã tồn tại từ nhiều năm như một việc hiển nhiên rất khó chấp nhận được.

Có thể bạn quan tâm

  • Chi Quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước được giữ nguyên

    15:12, 02/03/2019

  • Giá xăng "leo thang" 900 đồng/lít

    15:10, 02/03/2019

  • Giá xăng dầu giữ ổn định trước Tết Nguyên Đán

    15:33, 31/01/2019

  • Giá xăng dầu bất ngờ "đứng yên" tại phiên điều chỉnh thứ hai năm 2019

    15:00, 16/01/2019

Thực tế, nhìn suốt thời gian dài nhiều năm qua đã có một mô tuýp quen thuộc giữa giá xăng và cước vận tải. Hễ xăng tăng giá là doanh nghiệp vận tải ngay lập tức đánh tiếng rằng tính toán, cân nhắc tăng giá cước… Ngay cả bà hàng rau ngoài chợ và ông xe ôm đều nói phải tăng giá vì xăng đã tăng. Nhưng khi xăng, dầu giảm giá thì mãi chẳng có ai tính toán hay cân nhắc giảm giá cước. Vì thế mà người tiêu dùng cứ ấm ức, bức xúc.

Hơn nữa, cứ mỗi lần điều chỉnh tăng giá thì cơ quan, doanh nghiệp đưa ra hết lý do này, lý do khác, nào là do giá thế giới tăng, nào là nguyên liệu đầu vào tăng giá... tất cả chỉ là lời giải thích của doanh nghiệp, chưa ai đưa ra được số liệu, cơ sở chứng minh cụ thể. Thậm chí, còn đưa ra so sánh với Lào, Campuchia... rồi lập luận rằng giá xăng dầu, điện, nước ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực, rất khấp khiễng.

Từ đây, cũng xin dẫn ra một nghịch lý đang tồn tại bấy lâu nay mà ai cũng biết: Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ xuất khẩu dầu thô khá lớn. Theo thống kê, trong 11 tháng năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 3,6 triệu tấn dầu thô với trị giá 2 tỷ USD... Riêng với thị trường Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu tới hơn 1 triệu tấn dầu thô, trị giá gần 610 triệu USD.

Nói cách khác, vì sao chúng ta đang xuất khẩu dầu thô nhưng lại vẫn phải đi nhập dầu thô? Trong khi, nguyên liệu trong nước có sẵn nhưng lại chỉ được đào lên đem đi bán với giá rẻ, để rồi phải nhập về với giá cao hơn. Mặc cho chúng ta cũng đã đầu tư rất nhiều nhà máy khai thác, chế biến dầu thô. Vậy do trình độ kỹ thuật yếu kém, lạc hậu hay còn do vấn đề khác? 

Đáng lẽ, khi có được nguồn nguyên liệu trong nước giá rẻ hơn thì người được hưởng lợi trước tiên phải là người tiêu dùng trong nước, ngành xăng dầu được hưởng lợi dựa theo số lượng xăng dầu được bán ra lớn hơn thì lợi nhuận thu về cũng cao hơn. Vì sao ngành Công thương lại đang tính toán một bài toán bất lợi cho người dân như vậy? Đây là vấn đề ngành Công thương phải trả lời phải trả lời cho thỏa đáng để rộng đường dư luận.

Chứ, nói như vị Đại biểu Phạm Văn Hòa thì “Không thể có chuyện sử dụng 50% xăng dầu trong nước nhưng lại tính giá bán lẻ 100% theo giá thế giới”. Như vậy thì thiệt cho doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Ngành xăng dầu không thể chỉ tính lợi cho mình như thế.

Suy cho cùng, “câu chuyện xăng dầu” thời gian qua không nhận được ánh nhìn thiện cảm của người dân âu cũng xuất phát từ cách thức điều hành xăng dầu trong nước vẫn còn rất nhiều bất cập. Nhất là việc điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ đang gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp vận tải, phát triển du lịch, gây ảnh hưởng lớn tới mục tiêu phát triển kinh tế chung của cả nước.

Dù biết, khi đã theo cơ chế thị trường thì phải chấp nhận chuyện giá có tăng, có giảm. Nhưng, bất cập ở đây chính là sự minh bạch trong mỗi lần tăng, giảm giá xăng dầu. Đã đến lúc phải minh bạch vấn đề này?!

Sông Hàn