Thực phẩm bẩn: Chuyện cũ mà không cũ!
Thật đáng sợ khi những mặt hàng thực phẩm mang màu sắc tươi ngon lại chứa đựng sự giả dối, cứ ngang nhiên đi vào bụng mỗi người dân.
Những ngày này, hàng trăm phụ huynh tại Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) đứng ngồi không yên vì lo lắng cho sức khỏe của con khi việc trường dùng thực phẩm bẩn làm thức ăn bán trú cho học sinh vừa bị phanh phui.
Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) - nơi phát hiện hàng loạt học sinh bị nhiễm sán lợn.
Câu chuyện chưa bao giờ cũ
Tính đến sáng 17/3, kết quả xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương cho thấy: Đã có 124 trẻ đến từ Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn. Con số này chưa dừng lại bởi hàng nghìn phụ huynh có con học tại gần 20 trường trên địa bàn huyện Thuận Thành vẫn đang chờ kết quả từ phía bệnh viện.
Đây không phải là lần đầu tiên các vụ việc đau lòng tương tự bị phát hiện, khi thực phẩm bẩn được tuồn vào các nhà trường, “đầu độc” hàng trăm, hàng nghìn học sinh mỗi ngày.
Trước đó, chỉ tính riêng năm 2018, đã có hàng loạt trường học ở nhiều tỉnh thành trên cả nước bị phát hiện đã đưa thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào bữa trưa học đường, hàng trăm học sinh phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.
Tiêu biểu có thể kể đến như tại Hà Nội, hơn 200 học sinh Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. Kết quả xét nghiệm 13 mẫu thức ăn ở trường cho thấy, có một mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn salmonella gây nhiễm trùng đường ruột.
Tại Ninh Bình, 352 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Kết quả điều tra cho thấy, món ruốc gà trong bữa ăn tại trường của học sinh nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Tại Hà Giang, 150 học sinh của Trường Tiểu học bán trú Xín Cái, huyện Mèo Vạc, có biểu hiện buồn nôn, đi ngoài sau khi ăn trưa tại trường..v..v.
Điều đáng nói, việc xử lý các công ty tuồn thực phẩm bẩn vào nhà trường hiện nay được xem là quá nhẹ. Thời gian qua không ít vụ việc tuồn thực phẩm bẩn vào bữa ăn học đường được phát hiện nhưng đều có điểm chung là không có ai đứng ra nhận trách nhiệm hay bị xử lý một cách nghiêm khắc.
Theo một con số thống kê, hiện cả nước có khoảng 4.000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Việc các trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh trong việc học tập, khi các em có thêm thời gian để nghỉ ngơi vào buổi trưa, phụ huynh cũng không mất nhiều thời gian đưa đón.
Tuy nhiên, những vụ việc thực phẩm bẩn, ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra khiến nhiều phụ huynh không khỏi e ngại, lo lắng về bữa ăn của con mình ở trường.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao thực phẩm bẩn vẫn tuồn được vào bếp ăn nhà trường?
Theo thông tin của theo ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì mỗi năm tai nạn giao thông gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng gần 1 tỷ USD, tức là 1,64% GDP. Nhưng số người chết vì ung thư gây thiệt hại về kinh tế cho nước ta 3% GDP mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có một con số thống kê cụ thể nào về số lượng người chết vì thực phẩm bẩn. Nhưng số ca nhập viện vì thực phẩm bẩn, vì ngộ độc thực phẩm, vì ngộ độc rượu… ngày một gia tăng. Nguyên nhân của những sự việc này thì không cần bàn luận cũng có thể nắm rõ, đó chính là từ nguồn gốc của thực phẩm mà chúng ta hằng ngày vẫn đưa vào cơ thể.
Trường hợp xảy ra tại Trường Mầm non Thanh Khương, phụ huynh các em lẫn dư luận hoài nghi nguồn thức ăn bẩn tuồn vào nhà trường là nguyên nhân chính dẫn đến việc các em mắc sán lợn là có cơ sở. Bởi, hiếm nơi đâu, trong một khoảng thời gian ngắn, hàng chục em được phát hiện mắc sán lợn như vậy. Hơn nữa, từ những hình ảnh miếng thịt lợn gạo trong bếp ăn nhà trường cũng là minh chứng rõ ràng nhất. Vì thịt lợn gạo có chứa các nang sán là nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm sán lợn.
Vấn đề đặt ra đó là: Vì sao vẫn liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong trường học? Vì sao thực phẩm bẩn vẫn tuồn được vào bếp ăn nhà trường? Phải chăng, do chế tài xử phạt vẫn còn khá lỏng lẻo, việc quy trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng? Hay sự công khai minh bạch trong trường học vẫn còn hạn chế và vai trò giám sát của phụ huynh cũng rất mờ nhạt?
“Nếu nguyên nhân do thực phẩm bẩn thì đơn vị cung cấp thực phẩm, Hiệu trưởng, người đứng đầu Phòng giáo dục, lãnh đạo địa phương… để xảy ra việc đều cần bị xử lý trước pháp luật. Nếu che giấu, không quyết liệt xử lý sự việc cũng là tội ác, tiếp tay cho những kẻ bất lương. Sự vô cảm của cơ quan chức năng sẽ đầu độc, gây nguy hại cho sức khỏe của nhiều đứa trẻ”- Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nói.
Nói gì chăng nữa, việc buôn bán kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn đã là việc làm vô đạo đức, đáng bị lên án nhưng việc đưa các thực phẩm ấy vào bữa ăn bán trú của hàng trăm em học sinh thì là hành vi táng tận lương tâm, một tội ác không thể dung thứ.
Rõ ràng, thực phẩm không an toàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, sinh kế, đời sống và sức khỏe của người dân, thâm chí còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi Việt Nam. Hơn nữa là niềm tin của người tiêu dùng trước những giá trị về kinh tế, văn hóa và đạo đức con người tạo ra và tác động đến quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng giảm sút.
Chúng ta nghĩ gì về những mặt hàng thực phẩm mang màu sắc tươi ngon lại chứa đựng sự giả dối, cứ ngang nhiên đi vào bụng mỗi người dân. Chúng ta nghĩ gì khi những con người đang khỏe mạnh, mà bỗng nhiên biết mình đã nhận án tử chỉ vì liên quan đến thực phẩm bẩn?
Điều này cũng có nghĩa, nếu như chúng ta cứ để cuộc sống diễn ra một cách “thầm lặng” như thế này, nếu chẳng có hình phạt thích đáng nào cho những kẻ “tham tiền hám lợi” mà bán rẻ lương tâm, sát hại đồng bào này, thì khó mà có nền tảng nào cho tương lai Việt Nam được kiến tạo từ ngày hôm nay cả.