Bảo vệ lao động yếu thế cách nào?
Vụ sập nhà xưởng đang xây dựng làm 6 người chết ở tỉnh Vĩnh Long một lần nữa cho thấy công tác an toàn lao động trong thi công vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức, thậm chí bị xem thường.
Tai nạn lao động xảy ra, thiệt hại nặng nhất thường là những người làm trực tiếp trên công trường.
Khi tai nạn lao động xảy ra, xử lý, truy trách nhiệm đơn vị liên quan là điều đương nhiên, cần phải làm (dù rất ít thấy thông tin xử lý hình sự), thế nhưng làm sao để lường trước được sự việc, làm sao để đảm bảo an toàn trong khi thi công nhằm tránh mọi rủi ro mới là điều người lao động yếu thế đang cần.
Người viết có nhiều năm làm xây dựng nhận thấy không ít vụ tai nạn xảy ra do yếu tố chủ quan, xem thường công tác an toàn, nạn nhân phần lớn là người lao động trực tiếp thường thua thiệt... Nhiều nơi vẫn treo bảng cảnh báo “An toàn là trên hết”, “An toàn lao động là hạnh phúc với mọi người” nhưng không khác gì khẩu hiệu suông để đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra.
Có thể bạn quan tâm
An toàn lao động trong xây dựng đang bị xem nhẹ
14:38, 28/09/2018
Khánh Hòa: Nhiều công trình, cao ốc “bỏ quên” an toàn lao động
06:30, 03/08/2018
Nâng cao nhận thức về quản lý an toàn lao động tại khu công nghiệp
12:09, 26/01/2018
Nghệ An: Vì sao chủ mỏ liên tiếp vi phạm quy định về an toàn lao động?
16:05, 20/12/2017
An toàn lao động: Bắt đầu từ ý thức
19:32, 04/01/2016
Nhiều doanh nghiệp vẫn lơ là với an toàn lao động
16:29, 01/10/2015
An toàn lao động góp phần tạo nên sức mạnh doanh nghiệp
13:22, 24/12/2015
Dù biết rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn xuất phát từ việc thiếu biện pháp bảo hộ, làm việc nặng nhọc quá sức, bố trí người không đúng chuyên môn hay chưa được tập huấn hoặc thiếu kinh nghiệm nhưng chủ sử dụng lao động lại tìm cách đổ lỗi cho nạn nhân như không tuân thủ quy trình làm việc. Đáng chú ý, hiếm khi cơ quan chức năng khởi tố hình sự các vụ tai nạn lao động.
Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước có ngành xây dựng phát triển, công tác an toàn lao động luôn được doanh nghiệp nước ngoài đặt lên hàng đầu và được quản lý chặt chẽ. Họ luôn bố trí các cán bộ chuyên trách giám sát công tác an toàn lao động và phân công cụ thể trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm liên đới của từng người, từng bộ phận nếu để xảy ra mất an toàn lao động.
Chủ sử dụng lao động người nước ngoài cũng thường khuyến khích người lao động đề xuất những sáng kiến, biện pháp an toàn sẽ được thưởng với mức thưởng rất cao. Trường hợp chủ sử dụng lao động vi phạm công tác an toàn, công trình xảy ra sự cố hoặc tai nạn nghiêm trọng, sẽ bị chế tài nghiêm khắc như khởi tố, phạt nặng, rút giấy phép hoạt động, cấm tham gia đấu thầu.
Người viết đã từng phối hợp với một doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc làm việc trên công trường xây dựng ở TP.HCM, dù rằng có những hạng mục công việc chỉ từ có 3-5 công nhân thi công nhưng chủ sử dụng lao động vẫn bố trí hẳn một cán bộ giám sát chuyên môn về an toàn lao động.
Trong khi ở ta, quản lý an toàn lao động trên công trường xây dựng được quy định tại Khoản 6, Điều 34, Nghị định 59/2015/NĐ-CP). Theo đó, nhà thầu thi công (chủ sử dụng lao động) có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác an toàn lao động: (a) Đối với công trường của nhà thầu có tổng số lao động trực tiếp đến dưới 50 người thì cán bộ kỹ thuật thi công có thể kiêm nhiệm làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; (b) Đối với công trường của nhà thầu có tổng số lao động trực tiếp từ 50 người trở lên thì phải bố trí ít nhất một cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Là người nhiều năm làm ngành xây dựng tôi thấy đây là một quy định chưa hợp lý để có thể giám sát và đảm bảo an toàn lao động.
Thiết nghĩ chủ sử dụng lao động phải chú trọng công tác đảm bảo an toàn lao động, áp dụng cách thức làm việc cũng như quản lý công tác an toàn lao động giống nước ngoài như doanh nghiệp Hàn Quốc. Cần xem xét sửa đổi quy định về quản lý an toàn lao đông theo hướng chủ sử dụng phải bố trí cán bộ hoặc lực lượng chuyên trách giám sát công tác an toàn lao động để đảm bảo an toàn cho người làm việc trực tiếp, tối thiểu một người chuyên trách công tác an toàn trong trường hợp có dưới 10 lao động và tương ứng với số lao động sao cho dễ kiểm soát và đảm bảo an toàn.
Với các trường hợp vi phạm gây chết người, ngoài chuyện bồi thường hỗ trợ, cũng nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến sự cố. Có như vậy mới đảm bảo răn đe đối với các nhà thầu lơ là, trốn tránh trách nhiệm. Và nhằm giảm thiểu tại nạn lao động cũng nên siết chặt công tác quản lý chuyên ngành, tuyên truyền về an toàn, người làm việc trực tiếp luôn chấp hành nghiêm quy định về an toàn lao động.