Không hẳn cứ giàu có là hạnh phúc!

Sông Hàn 20/03/2019 11:00

Để người dân sống hạnh phúc thực sự, quốc gia đó không nhất thiết phải giàu có, phát triển, quan trọng là người dân ở đó có thể sống thoải mái.

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 được cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc về vấn đề này từ tháng 6/2012. Thông điệp của ngày Quốc tế hạnh phúc là “Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc”. 

Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời đến nay, khẩu hiệu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Có thể hiểu rằng, độc lập là tiền đề của tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tự do, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị, là mục tiêu của độc lập dân tộc. 

Có thể bạn quan tâm

  • Ấm lòng ngày Tết: Hạnh phúc là biết cho đi và sống vì người khác!

    05:00, 29/01/2019

  • Giáng sinh: Chỉ còn lại tình yêu, hạnh phúc và sự thứ tha!

    15:03, 24/12/2018

Thực tế cho thấy, hạnh phúc là điều ai cũng hướng tới, tìm kiếm, mỏi mong có được. Và, hạnh phúc, đối với mỗi người hoàn toàn không giống nhau, cách gọi tên hạnh phúc khác nhau do hoàn cảnh sống khác biệt và do cách nhìn về cuộc sống không như nhau.

Chẳng hạn: Có người có cơm no, áo lành là hạnh phúc vô bờ, người khác là phải cơm ngon, mặc đẹp thì mới được gọi là hạnh phúc. Có người sống là hạnh phúc, người khác chết có khi hạnh phúc hơn, dẫu làm người ai cũng mong được sống, sợ sự chết. Có người nghĩ rằng giàu có mình sẽ hạnh phúc, nhưng khi giàu có thì bất hạnh lại dồn dập, vì cái giàu ấy khiến anh em mất hòa khí, con cái sống buông lơi, vợ chồng không còn cảm thông nhau được nữa..v..v. Vậy nên, hãy gọi tên “hạnh phúc” cho mình bằng cách nhận diện được bản thân, hoàn cảnh.

Theo tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, Việt Nam là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 (2018 World Happiness Report) của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững Liên Hợp Quốc, Việt Nam lại đứng thứ 95 trong bảng xếp hạng.

Liên quan đến chỉ số hạnh phúc được quốc tế công bố về người Việt Nam, Nhà xã hội học – TS.Trịnh Hòa Bình khẳng định: “Chỉ số hạnh phúc mà các tổ chức quốc tế công bố họ dựa trên nhiều tiêu chí như: GDP bình quân đầu người tính theo sức mua ngang giá, số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình, hỗ trợ xã hội, tự do lựa chọn đời sống... Bhutan nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mặc dù nền kinh tế của họ không mấy phát triển. Để người dân sống hạnh phúc thực sự, quốc gia đó không nhất thiết phải giàu có, phát triển, quan trọng là người dân ở đó có thể sống thoải mái”.

Điều này cũng cho thấy, mỗi người chúng ta phải sống “có trách nhiệm” từ trong gia đình đến xã hội, không vô cảm trước mọi hoàn cảnh, tình huống khó khăn, éo le, trắc trở.

Với gia đình, mỗi người phải làm tốt danh vị, bổn phận của mình. Bảo đảm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Biết vươn tới đỉnh cao cuộc sống, nung nấu ý chí tiến thủ để làm giàu cả về tri thức và kinh tế cho gia đình.

Với xã hội, cần làm tròn nghĩa vụ của công dân, có lòng giúp đỡ người nghèo, hoạn nạn, tích cực đóng góp xây dựng công ích nơi sinh sống và góp phần bài trừ tệ nạn xã hội, tội phạm, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Đặc biệt, muốn xã hội hạnh phúc, thì “cán bộ phải đi trước, làng nước theo sau”. Nghĩa là, cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền, hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước, ngoài việc thực thi công vụ đúng theo quy định của pháp luật, đạo đức Hồ Chí Minh, cần có tầm nhìn xa trông rộng, bảo đảm cho sự phát triển đối với lĩnh vực, ngành mình phụ trách. Cần có cái tâm phục vụ để thực sự xứng đáng là đầy tớ chứ không phải là “ông, bà chủ” của nhân dân. Không được tham ô, lãng phí..v.v.

Dù rằng, tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em... có làm giảm đi chỉ số hạnh phúc hiện tại, nhưng nên đánh giá chỉ số hạnh phúc ở số đông chứ không đi vào những vụ việc mang tính cá biệt trong đời sống. 

Chính vì vậy, chuyện Việt Nam được thế giới đánh giá cao về chỉ số hạnh phúc là nhìn từ những giá trị văn hóa tinh thần, nền tảng đạo đức cũng như truyền thống. Một đất nước hạnh phúc là nơi người dân luôn cảm thấy họ sống có ích, muốn chia sẻ và cống hiến cho cộng đồng.

Sông Hàn