Khi lãnh đạo chính quyền xin lỗi dân!

Sông Hàn 31/03/2019 05:16

Việc xin lỗi của cán bộ lãnh đạo, ở mức độ nào đó trước hết nó thể hiện sự lắng nghe phản ánh từ người dân.

Nói đến Thanh Hóa, người ta thường nghĩ đến những lùm xùm về công tác cán bộ, về cái gọi là “hành là chính”… Vậy nên câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng mới đây có văn bản gửi các Sở, ban, ngành chấn chỉnh, khắc phục tình trạng giải quyết thủ tục hành chính quá hạn trong toàn tỉnh, ít nhiều cũng nhận được sự ủng hộ của dư luận.

Theo đó, báo cáo số 1140/BC-VPCP, ngày 13/2/2019 của Văn phòng Chính phủ về kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2018 cho thấy, tỉnh Thanh Hóa có gần 4.000 hồ sơ quá hạn.

Trước vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn công khai xin lỗi người dân.

Chuyện của Chủ tịch Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng không mới lạ. Nói vậy bởi trước đó đã có việc Bí thư và Chủ tịch TP Hồ Chí Minh đều công khai xin lỗi người dân trong vụ “nước mắt Thủ Thiêm”, trong chuyện “cán bộ ngâm hồ sơ” của dân 1.5 năm chẳng hạn.

Hay, ngày 8/1 vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lên tiếng nhận lỗi và gửi lời xin lỗi đặc biệt đến nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành công thương về việc Văn phòng Bộ này dùng xe công vào đón người trong gia đình Bộ trưởng ở khu vực sân bay Nội bài ngày 4/1. Đồng thời, ông coi đây là một bài học sâu sắc cho cá nhân, gia đình và Bộ Công thương.

Có thể bạn quan tâm

  • Lời xin lỗi ở Thủ Thiêm

    14:30, 19/10/2018

  • Thấy gì từ bức thư xin lỗi du khách Úc của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch?

    13:00, 29/05/2018

  • Ông chủ già và lời xin lỗi

    13:34, 05/05/2018

  • Cốc cà phê và lời xin lỗi

    08:30, 05/05/2018

  • Nhà hàng hải sản ở Đà Nẵng bị tố “chặt chém” gửi lời xin lỗi thực khách

    13:45, 25/01/2018

  • Không chỉ là chuyện “ăn cắp và xin lỗi”

    05:28, 04/06/2017

  • Gây oan sai phải chủ động xin lỗi

    07:55, 01/06/2017

Tuy nhiên, quản lý hành chính, cơ quan công quyền nhiều lần đứng trước tình huống “có vấn đề”, nhưng chưa hẳn lần nào cũng có một lời xin lỗi đầy tâm huyết và xúc động được đưa ra từ những người có thẩm quyền.

Khách quan mà nói, cơ quan hành chính nếu biết ứng xử thật “đẹp” với công dân đến làm thủ tục hành chính thì cũng sẽ “vừa lòng” tất cả, dù có chậm vài ba ngày. Nhưng, sự hợp tình như thế lại khó lòng chấp nhận nếu thời gian chậm là cả tháng, cả năm, hay dù chỉ là vài tuần với những chủ thể là doanh nghiệp kinh doanh. 

Nên nhìn nhận thực tế, doanh nghiệp bị chậm thủ tục thì mất tài chính kinh tế, công dân bị chậm thủ tục thì mất quyền lợi cá nhân,… Những quyền lợi bị mất đi như thế ai sẽ là người đền bù? Ngày hôm nay, Thanh Hoá yêu cầu cán bộ xin lỗi, không chỉ là để giải quyết hậu quả của 4000 hồ sơ bị chậm. Điều quan trọng hơn phải là, sau này có thêm hàng nghìn hồ sơ khác bị chậm nữa hay không?

Câu chuyện ở Thanh Hóa càng minh chứng một điều, không thể ngày nào cũng xin lỗi, mà để từng bước khắc phục, địa phương phải thiết kế hệ thống thật tốt, cán bộ làm việc chuyên nghiệp, có năng lực, có hiệu quả, để hạn chế sự chậm trễ. Phải xây dựng bộ máy hành chính chất lượng cao, hiện đại, để lời xin lỗi chỉ sử dụng đối với những trường hợp bất khả kháng. Cũng cần phải có quy định, cá nhân nào, đơn vị nào phải xin lỗi dân nhiều thì cá nhân đó, đơn vị đó không hoàn thành nhiệm vụ.

Thực tế, trong cuộc sống và trong công việc không ai có thể khẳng định sẽ không mắc lỗi. Vấn đề nằm ở chỗ, người cán bộ, lãnh đạo khi mắc lỗi đã nhận ra và dám nhìn thẳng vào lỗi lầm. Việc xin lỗi của cán bộ lãnh đạo, ở mức độ nào đó trước hết nó thể hiện sự lắng nghe phản ánh từ người dân. Cùng với đó nó cũng thể hiện khả năng nhìn nhận đánh giá lại chính bản thân và ít nhiều họ đã thừa nhận những khuyết điểm, thiếu sót.

Chính vì vậy, chuyện lãnh đạo, chính quyền xin lỗi dân không chỉ giải tỏa bức xúc của những người có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng mà ở mức độ nào đó, cùng với sự chân thành của người xin lỗi nó còn tạo ra mối quan hệ có sự cảm thông chia sẻ lẫn nhau.

Dẫu sao đi nữa, lời xin lỗi là phản ứng thiện chí đầu tiên và điều mà người dân thực sự cần sau đó là những giải pháp căn cơ giải quyết tận gốc vấn đề. Tức là, lời xin lỗi nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi người thực hiện không áp dụng máy móc, làm cho có, mà sự xin lỗi phải xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cùng với hành động sửa lỗi.

Sông Hàn