Lao động phi chính thức bị “bỏ quên”
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lao động làm việc ở khu vực phi chính thức đứng thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia.
Điều đáng nói, các quy định bảo vệ quyền và lợi ích khi xảy ra tai nạn hay tranh chấp lao động khu vực này đang bị “bỏ quên”.
Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019 đang được đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm mở rộng đối tượng điều chỉnh đến lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm.
“Khoảng trống” quyền lợi
Trao đổi với DĐDN, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhận định, lực lượng lao động phi chính thức ngày càng lớn và có xu hướng gia tăng nhất là trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế và xu hướng cách mạng công nghệ 4.0.
Báo cáo của mạng lưới M.net, hiện Việt Nam có khoảng 18 triệu lao động phi chính thức, chiếm 57,2% trong tổng số lao động. Nếu tính cả lao động trong khu vực hộ nông nghiệp, tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm đến 78,6%.
Điều đáng nói, các chính sách hỗ trợ, bảo vệ cũng như chính thức hóa việc làm cho nhóm này gặp nhiều khó khăn. “Hiện các quy định bảo vệ quyền lợi người lao động khu vực phi chính thức đang bị “bỏ trống”. Bởi thực tế lao động khu vực này có nhiều đặc thù như việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không được đóng BHXH, BHYT, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác”, ông Huân nói.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phản ánh về lao động phi chính thức
20:17, 16/10/2017
Bất bình đẳng đối với 18 triệu lao động phi chính thức
05:16, 08/10/2017
Lao động phi chính thức... không được pháp luật bảo vệ
17:00, 04/10/2017
Hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm xã hội
Đề cập tới các giải pháp nhằm bảo vệ lao động phi chính thức, Chuyên gia lao động PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển và bảo vệ lao động phi chính thức cần tiến hành cải cách thực hiện an sinh xã hội. Theo đó xây dựng chế độ đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, dựa trên việc đảm bảo công khai, minh bạch, có sự tham gia Nhà nước trong việc hỗ trợ lao động phi chính thức tham gia BHXH.
Có cùng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống luật, cơ sở pháp lý là yêu cầu thiết yếu. “Quy định phải mở ra một số điều, khoản cho việc bảo vệ quyền lợi lao động khu vực phi chính thức, đương nhiên không thể cứng nhắc như khu vực chính thức. Để đảm bảo tính linh hoạt của lao động khu vực phi chính thức. Trước hết là các quy định về bảo hiểm tự nguyện cần phù hợp và minh bạch với lao động phi chính thức”, ông Huân nói.
“Lương tối thiểu tới đây sẽ quy định theo giờ nên có thể mở rộng đối tượng áp dụng sang khu vực phi chính thức. Quy định thời gian làm việc cũng cần phù hợp hơn với lao động khu vực này. Đặc biệt, Nhà nước cần thiết kế các chế độ bảo đảm công bằng với BHXH bắt buộc. Nhà nước có thể nghiên cứu đưa ra các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí để người lao động phi chính thức được tham gia”, ông Huân kiến nghị.